Điểm chuẩn tạm ĐH Ngoại thương dẫn đầu các trường khối kinh tế
17/08/2015
Tính đến nay, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM đang dẫn đầu mức điểm chuẩn tạm thời ở khối các trường chuyên đào tạo khối ngành kinh tế tại TP.HCM.
Sáng 16-8, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM đã công bố ngưỡng điểm an toàn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường đối với khối A01, D01 là 25 điểm; khối A00 là 26,5 điểm (tính đến hết ngày 15-8).
Nhà trường cho biết hiện có khoảng 150 thí sinh đã nộp hồ sơ với cả hai tổ hợp môn đăng ký có mức điểm cao từ mức an toàn trở lên. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của trường 900; nhà trường dự kiến gọi nhập học: 990 sinh viên.
Theo danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa cập nhật chiều qua, ở các ngành trừ ngành tiếng Anh thương mại đã có 4.242 thí sinh đạt 23 điểm trở lên. Ở mức 22,75 điểm trở lên có đến 4.651 thí sinh.
Điểm trúng tuyển vào trường là điểm chung cho các tổ hợp xét tuyển (khối A, A1, D1) và chung cho tất cả các ngành, chuyên ngành (trừ chuyên ngành tiếng Anh thương mại).
Trường hợp thí sinh bằng điểm nhau, số thứ tự trong danh sách được sắp xếp theo điểm môn Toán giảm dần. Nếu sắp xếp theo danh sách này ở mức 22,75 điểm trở lên, thí sinh có điểm môn toán 7,75 điểm thì tổng số thí sinh là 4.309.
Riêng ngành tiếng Anh thương mại có 81 thí sinh đạt từ 33,25 điểm trở lên (môn tiếng Anh nhân hệ số 2, đã cộng điểm ưu tiên).
Năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 4.000. Tuy nhiên, nhà trường dự kiến gọi nhập học 4.400 thí sinh. Trong đó, riêng ngành tiếng Anh thương mại khoảng 80-100 chỉ tiêu. Và khoảng 50-70 chỉ tiêu tuyển thẳng.
Tại Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) tính đến hết ngày 15-8, ngành kinh tế học có 91 thí sinh đạt 23,5 điểm trở lên (70 chỉ tiêu); ngành kinh tế đối ngoại 128 thí sinh đạt 25,25 điểm trở lên (120 chỉ tiêu); kinh tế và quản lý công 89 thí sinh 23,25 điểm trở lên (70 chỉ tiêu); tài chính ngân hàng 171 thí sinh 23,5 điểm trở lên (130 chỉ tiêu); kế toán 95 thí sinh 24,25 điểm trở lên (70 chỉ tiêu); kiểm toán 131 thí sinh 24,75 điểm trở lên (100 chỉ tiêu); marketing 93 thí sinh 24,25 điểm trở lên (70 chỉ tiêu); thương mại điện tử 68 thí sinh 23,25 điểm trở lên (60 chỉ tiêu); kinh doanh quốc tế 138 thí sinh 24,75 điểm trở lên (100 chỉ tiêu).
Theo thống kê kết quả xét tuyển theo ngành tạm thời đã loại ảo của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tính đến nay tất cả các ngành của trường đều có số thí sinh đăng ký xét tuyển lớn hơn hoặc bằng chỉ tiêu. Điểm chuẩn tạm thời cụ thể của các ngành: ngôn ngữ Anh 20,44 điểm; luật kinh tế 20,06 điểm; nhóm ngành kinh tế - kinh doanh - quản lý 19,88 điểm.
Ở hệ liên thông, điểm chuẩn tạm thời hiện là 16,5 điểm cho cả ba ngành quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng và kế toán.
Mức điểm trên được xác định sau khi tính tổng điểm đã nhân hệ số (tối đa 40 điểm) theo tổ hợp môn thi thí sinh đăng ký xét tuyển, cách tính điểm xét tuyển cho các nhóm ngành/ ngành như sau: tổng điểm ba môn đã nhân hệ số 2 môn chính, tất cả nhân 3 chia 4 cộng điểm ưu tiên. Điểm xét tuyển được làm tròn đến 2 chữ số thập phân và do máy tính tự động thực hiện.
Trong khi đó, tại các trường ĐH đào tạo đa ngành, mức điểm chuẩn tạm thời nhóm ngành kinh tế cũng không cao, cụ thể: tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngành quản trị kinh doanh điểm chuẩn tạm thời 19,5 điểm; ngành marketing và ngành kinh doanh quốc tế 19,25 điểm; ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành 19 điểm; ngành quản trị khách sạn 18,75 điểm; ngành kế toán 18,25 điểm; ngành tài chính ngân hàng 17,5 điểm; ngành thương mại điện tử 17,25 điểm.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM điểm chuẩn tạm thời ngành kế toán 17 điểm; ngành quản trị kinh doanh 17,5 điểm; ngành tài chính ngân hàng 16,5 điểm.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ngành kinh tế vận tải có điểm chuẩn tạm thời 19,75 điểm; ngành kinh tế xây dựng 19,25 điểm.
Trần Huỳnh
Nguồn: tuoitre.vn