Tuyển sinh ĐH 2015: Điểm “ảo” đánh bại điểm thật?
15/08/2015
Sau khi công bố danh sách thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển, nhiều ngành của các trường top trên tập trung lượng lớn hồ sơ điểm cao khiến nhiều thí sinh lo lắng nguy cơ rớt đại học. Nguyên nhân chủ yếu được nhiều người cho rằng, do tổng điểm cộng (điểm ưu tiên) dành cho một số thí sinh, thông tin xét tuyển thiếu sự đồng bộ... khiến “cuộc chơi” bị đánh giá thiếu tính công bằng.
Điểm cao cũng lo… trượt
Thực tế hiện nay, tổng điểm ưu tiên của một số thí sinh đang là “mối lo” đối với các thí sinh khác. Nhiều người lo ngại cho rằng, nếu áp dụng mức cộng điểm rộng rãi như hiện nay sẽ vô tình loại bỏ những thí sinh khá giỏi. Thí sinh Minh Tú (Bắc Ninh) đang chờ kết quả từ Đại học Y Hà Nội băn khoăn: “Có những bạn chỉ có 25 điểm, cộng lên thành 27,5 làm những thí sinh được 27 bắt đầu lo trong khi được điểm 10 hóa, 9 sinh, 8 toán đâu có dễ. Như vậy sẽ rất bất công. Các trường học trên thế giới, họ có cộng điểm ưu tiên đâu, đã là nhân tài thì phải căn cứ vào tài chứ...”. Theo Minh Tú, bạn em thi Đại học Luật, khối C được 25 điểm. Mọi năm là đỗ rồi nhưng năm nay đang lo lắng bị trượt vì có quá nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên. “Điểm thi kè nhau 0,25 thế mà có người được cộng ưu tiên 2 đến 3,5 điểm thì các bạn điểm cao không dễ để cạnh tranh”, Minh Tú lo lắng.
Theo một cán bộ làm công tác tuyển sinh lâu năm, nguyên nhân chính tạo sự thiếu công bằng trong xét tuyển năm nay là việc cộng điểm cho một số đối tượng không xứng đáng được cộng như một số em gia đình khá giả, học trường chuyên lớp chọn, nhưng vẫn được cộng 1.5 điểm, vì ở khu vực miền núi, nông thôn,... “Thiết nghĩ Bộ̣ GD&ĐT nên bỏ quy định cộng dồn, nếu thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ chọn mức điểm cao nhất để cộng thôi. Hoặc nếu xóa bỏ việc cộng điểm thì chúng ta nên tạo những điều kiện tốt nhất cho thí sinh tỉnh xa khi lên thi ĐH, hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở vì đã tham gia cuộc thi thì phải đảm bảo tính công bằng”, vị cán bộ này cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, Bộ GD&ĐT đã có cải cách rất tích cực khi cho thí sinh nhiều cơ hội, giảm bớt áp lực thi, thế nhưng áp lực từ việc nộp hồ sơ xét tuyển khó khăn gấp vạn lần, vừa tốn kém tiền bạc vừa mất thời gian đi lại. Thí sinh Huy Hoàng (Nam Định) tỏ ra khá lo lắng: “Em nộp hồ sơ qua đường bưu điện đến Trường Sỹ quan Lục quân I từ ngày 3/8. Nay đã 6 ngày rồi mà chưa thấy có tên trong danh sách xét tuyển của trường. Không biết có bị thất lạc không?”.
Còn chị Lan Hương, Lò Đúc – Hà Nội, bức xúc: “Mình thì không thi nhưng những ngày qua rình rập thông tin tới sáng với cô em gái cũng thấy mệt mỏi theo. Thật tình mà nói thì cách làm này của Bộ GD&ĐT làm cho cuộc đua của các em nhộn nhịp và gây tiếng vang nhưng lại cực kì lộn xộn, sẽ xảy ra nhiều nhầm lẫn nhất là không có một nguồn tin chính thống có thể đảm bảo thông tin chính xác nhất cho các em. Ví như có một địa chỉ nhận đăng điểm, nhận hồ sơ xét tuyển, chỉ tiêu, xếp hạng... cho các em có thể so sánh, tra thông tin thì mỗi trang web một kiểu, cũng như thông tin ở website của các trường thì hầu như không được chú trọng, không đưa thông tin tuyển sinh lên trang nhất, công bố thông tin rất chậm và thiếu, thậm chí mập mờ, mỗi nơi một chỉ tiêu, trong khi đó website của Bộ GD&ĐT thì không thể truy cập nổi...”.
Lượng sức mình để “chống trượt”
Trước thực tế trên, lãnh đạo của Bộ GD&ĐT lại cho rằng “nút thắt” của vấn đề nằm ở sự sáng suốt của người trong cuộc khi chọn trường. Ý kiến này không phải không có lý, bởi qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều phụ huynh cũng như học sinh vẫn còn quyết định theo cảm tính, chưa lượng đúng sức mình khi chọn trường. Ví dụ như trường hợp chị Lan Hương (Lò Đúc – Hà Nội), em gái thi Học viện An ninh nhân dân được 28 điểm. Năm 2014 trường lấy 27,5 nên bây giờ cũng chưa biết có đậu hay không nhưng cứ nhất định không chịu rút hồ sơ. “Em mình rất vui và lạc quan bảo rằng với 28 điểm nếu không đậu em cũng không hối hận. Vì từ nhỏ khi xem phim “Cảnh sát hình sự” em mình luôn mong ước là một người chiến sĩ công an”, chị Hương chia sẻ.
Cô Mai Hoa (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia) nhận định: “Nói là cao nhưng đâu có cao vì có nhiều người cao hơn mình thì điểm của mình là thấp, mà cứ nói là thí sinh điểm cao lo trượt? Cơ bản các em phải biết tự lượng sức mình. Việc xét tuyển này rất công bằng, đảm bảo những em điểm cao thật sự sẽ được vào những ngôi trường top đầu chứ không như trước, nhiều bạn điểm cao nhưng do tâm lý an toàn mà đăng ký trường top dưới trong khi nhiều bạn điểm nhàng nhàng nhưng ăn may vớ được trường top cao...”.
Làm rõ hơn về thực tế này, trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Võ Trương Như Ngọc, Trưởng bộ môn Răng trẻ em-Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt (trường Đại học Y Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Mùa tuyển sinh năm nay có rất nhiều bạn được điểm cao, trong đó có cả toán, lý, hoá, sinh, và chắc hẳn nhiều bạn ban đầu sẽ không có ý định nộp vào đại học y, dược nhưng sau khi xem điểm thấy cao thì bị gia đình ép nộp hoặc bị người này người kia tác động nên quyết định nộp vào để lấy danh trong khi bản thân lại không hề thích. Làm như vậy là rất nguy hiểm, bởi việc học y, dược đòi hỏi cần cù siêng năng, chịu nhiều áp lực, thi cử triền miên... nếu không có đam mê thì việc học sẽ nhanh chóng trở nên chán nản. Trên thực tế nhiều sinh viên theo học trường y từng tâm sự rằng, học y là sai lầm của họ. Vì vậy các em học sinh nên cân nhắc kỹ để đưa ra những quyết định phù hợp với năng lực và niềm đam mê của mình...”
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, tư vấn thêm: “Từ trước đến nay, quy luật chung là ngành nào điểm đầu vào cao thì vẫn cao, còn thấp thì vẫn thấp. Những ngành có điểm cao hẳn khoảng từ 23- 24 điểm trở lên, khá là 19- 22 điểm, trung bình khoảng 15- 17 điểm. Năm nay cũng thế, quy luật này không thay đổi. Quy chiếu với mức điểm chuẩn năm ngoái, thí sinh nào có mức điểm vượt hẳn trên 2 điểm của ngành định đăng ký so với điểm hằng năm hoàn toàn yên tâm nộp đơn vào xét tuyển”.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng là 726.693. Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, Bộ GD&ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2015 là 15 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính).
Với mức điểm này, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15 điểm. So với chỉ tiêu tuyển sinh đại học, số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Với mức ngưỡng tối thiểu này còn khoảng 27% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường đại học.
|
T.L (laodongthudo.vn)