Bộ GD&ĐT giải đáp về các vướng mắc xung quanh xét tuyển đại học
10/08/2015
Câu hỏi: Năm trước em thi ĐH nhưng không đỗ, bằng tốt nghiệp THPT là loại khá vậy năm nay em có thể lấy kết quả tốt nghiệp năm trước để xét vào các trường ĐH không hay phải thi ĐH lại?
Trả lời: Bằng tốt nghiệp THPT của em là loại khá nên đã đủ điều kiện được xét tuyển vào các trường tuyển sinh riêng xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT và nếu chỉ đăng ký xét tuyển vào các trường này, em không phải dự kỳ thi THPT. Tuy nhiên, nếu em dự thi, em sẽ có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường khác.
Câu hỏi: Trong 20 ngày của đợt xét tuyển thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp sang trường khác. Vậy em phải làm như thế nào để chuyển đăng ký? Thí sinh phải gửi thư điện tử hay đến trực tiếp trường ĐH đó để rút hồ sơ? Nếu rút hồ sơ của đợt xét tuyển đợt 1 đổi sang trường khác trong vòng 20 ngày theo quy định thì khi nộp vào trường mới được tính là xét nguyện vọng 1 hay 2?
Trả lời: Quy định về cách thức rút hồ sơ để nộp sang trường khác là tùy thuộc vào từng trường, nhưng phần lớn các trường sẽ yêu cầu em đến trường để rút hồ sơ. Các em cũng có thể ủy quyền cho người thân bằng văn bản để rút thay. Sau khi rút hồ sơ, em điền lại nguyện vọng ở Giấy đăng ký xét tuyển và sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi đã rút ra để nộp sang trường khác. Và khi đó, hồ sơ của em ở trường mới vẫn được coi là hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt I giống như những hồ sơ đã nộp trước đó.
Câu hỏi: Trong một đợt xét tuyển có bắt buộc phải điền đầy đủ bốn ngành đăng ký xét tuyển hay không? Em chỉ muốn chọn 1-2 ngành được không? Việc xét tuyển thực hiện cụ thể như thế nào?
Trả lời: Em không bắt buộc phải điền đủ cả 4 ngành, đặc biệt là không nên đăng ký vào các ngành mà mình không muốn học vì khi đã đăng ký và đỗ vào ngành đó thì em không có quyền ĐKXT ở đợt xét tuyển tiếp theo. Khi em đăng ký nhiều ngành trong một trường, trước hết trường đó sẽ xét ngành thứ nhất của em, nếu em đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành thứ nhất, nguyện vọng vào các ngành sau sẽ không được xem xét. Nhưng nếu em không trúng tuyển vào ngành thứ nhất, trường sẽ xét đến ngành thứ 2 của em và nếu không trúng tuyển vào ngành thứ 2 trường mới xét đến nguyện vọng vào ngành thứ 3…
Như vậy, một mặt em không nên đăng ký những ngành mình không muốn học nhưng nếu đăng ký nhiều nguyện vọng trong một trường thì khả năng trúng tuyển của em tăng lên rất nhiều.
Câu hỏi: Nếu thi tại cụm thi tỉnh, thí sinh có thể sử dụng kết quả để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH như các thí sinh thi tại cụm liên tỉnh được không?
Trả lời: Nếu thi tại cụm thi tỉnh, em chỉ lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và không được cấp Giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Nhưng khi đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT, em vẫn có cơ hội đăng ký xét tuyển vào các trường tự chủ tuyển sinh, cho phép sử dụng kết quả học tập tại THPT để xét tuyển.
Câu hỏi: Các trường ĐH sẽ công bố điểm chuẩn trước rồi thí sinh mới nộp phiếu đăng ký, hay là sau khi thí sinh đăng ký 20 ngày trường mới công bố điểm chuẩn?
Trả lời: Trước mỗi đợt xét tuyển, các trường phải công bố điểm xét tuyển (thí sinh chỉ có thể nộp hồ sơ ĐKXT khi có điểm thi không nhỏ hơn điểm xét tuyển). Theo quy định của Bộ GDĐT điểm xét tuyển phải không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định và điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển trước.
Còn điểm trúng tuyển các trường sẽ xác định căn cứ vào chất lượng và số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển sau khi kết thúc 20 ngày ĐKDT của đợt xét tuyển.
Câu hỏi: Nếu em thi 2 khối A và B thì khi em nhận được phiếu điểm em muốn dùng phiếu điểm này để xét tuyển vào đại học 2 khối A và B của 2 trường khác nhau cùng 1 lúc được không ạ?
Trả lời: Em đăng ký thi hai khối A, B em sẽ cũng chỉ được nhận 1 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển đợt I và 3 Giấy chứng nhận kết quả thi cho các đợt xét tuyển bổ sung và trên Giấy chứng nhận kết quả thi sẽ có điểm của tất cả các môn thi của hai khối. Như vậy ngay cả thi hai khối, đối với xét tuyển nguyện vọng I em cũng chỉ có thể đăng ký vào 1 trường. Tuy nhiên với hai khối thi, em có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề của trường đó hơn; cũng như khi rút hồ sơ để chuyển trường, em có nhiều lựa chọn hơn.
Câu hỏi: Thưa thầy cô,vừa qua em đã đọc quy chế thi năm nay, có một số chỗ em chưa được hiểu rõ nên mong các thầy cô giải đáp giúp em, đó là : ở phần nguyện vọng thi sau khi đã biết kết quả thi thì em có thể đăng ký 2 khối cùng một ngành được không? Ví dụ như em cùng đăng ký khối A1 và D1 vào ngành Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại Thương chẳng hạn?
Trả lời: Trong phiếu ĐKXT em phải điền cụ thể ngành em có nguyện vọng vào học (kèm theo mã ngành) và tổ hợp dùng để xét tuyển. Như vậy em có thể đăng ký trong phiếu ĐKXT:
- Nguyện vọng 1 vào ngành Kinh tế đối ngoại và dùng khối A1 để xét.
- Nguyện vọng 2 vào ngành Kinh tế đối ngoại và dùng khối D1 để xét.
Tuy nhiên, trước mỗi đợt xét tuyển các trường phải công bố cách thức xét giữa các tổ hợp, ví dụ các tổ hợp đều xét với điểm trúng tuyển như nhau hoặc tổ hợp này sẽ có điểm trúng tuyển cao hơn tổ hợp kia 0,5 điểm … và như vậy các em sẽ có đủ thông tin để chọn tổ hợp có lợi nhất cho mình mà không phải sử dụng 2 nguyện vọng để chỉ đăng ký vào 1 ngành.
Câu hỏi: Điểm trung bình để xét điều kiện vào các trường ĐH, CĐ được tính điểm trung bình tất cả các môn hay chỉ tính theo khối?
Trả lời: Việc tính điểm trung bình học tập ở THPT để làm điều kiện xét tuyển có quy định ở một số trường và các trường này có quy định khác nhau. Ví dụ có trường chỉ dùng kết quả năm lớp 12, có trường sử dụng kết quả của cả 3 năm; phần lớn các trường yêu cầu chỉ tính điểm của 3 môn của khối xét tuyển những cũng có trường yêu cầu điểm của tất cả các môn. Như vậy em phải tham khảo thông tin trên trang thông tin điện tử của trường đó hoặc tham khảo thông tin có tại website của Bộ Giáo dục và Đào tạo để biết chính xác yêu cầu của từng trường.
Câu hỏi: Có một số trường xét học bạ của học sinh trong 3 năm học THPT, vậy thời gian nào sẽ nộp học bạ cho trường, việc đăng ký xét học bạ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc xét tuyển ĐH, CĐ?
Trả lời: Những trường xét tuyển bằng kết quả học tập ở trung học phỏ thông đều phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh của trường và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường. Trong đề án nói rõ thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Năm nay có gần 200 trường thực hiện phương thức xét tuyển này. Như vậy em phải tham khảo thông tin trên trang thông tin điện tử của trường đó hoặc tham khảo thông tin có tại website của Bộ Giáo dục và Đào tạo để biết chính xác thời gian nộp hồ sơ ĐKXT của các trường này. Em có thể đồng thời đăng ký xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT và dự thi THPT quốc gia để tăng cơ hội xét tuyển của mình.
Câu hỏi: Xin hỏi nếu em thi 1 khối thì có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào nhiều ngành của 1 trường được không? Nếu thi 2 khối thì nguyện vọng 1 có thể nộp hồ sơ xét tuyển cả 2 khối vào 1 trường được không?
Trả lời: Em hoàn toàn có thể dùng kết quả của một khối thi để đăng ký vào nhiều ngành (tối đa 4 ngành) xét tuyển bằng điểm thi của khối đó của một trường. Còn nếu em có kết quả thi của hai khối thì em có thể dùng cả hai khối để đăng ký xét tuyển và như vậy em sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề hơn.
Câu hỏi: Nguyện vọng 1 được đăng ký 4 ngành trong một trường, vậy 4 ngành đó được xếp theo thứ tự ưu tiên như thế nào?
Trả lời: 4 ngành được ưu tiên theo thứ tự từ 1 đến 4. Khi nhận được ĐKXT với 4 nguyện vọng của em, nếu điểm thi của em đủ để trúng tuyển cả 4 ngành, em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng 1. Nếu em không trúng tuyển vào ngành số 1, trường sẽ xét nguyện vọng vào ngành số 2 của em; nguyện vọng vào ngành số 2 của em cũng được xét bình đẳng cùng với các thí sinh đã đăng ký ngành đó là số 1. Và tương tự như vậy đối với ngành số 3, số 4.
Câu hỏi: Em có 20 ngày để có quyền rút hồ sơ nộp vào trường khác. Thì sau bao nhiêu ngày thì biết điểm trúng tuyển của các trường?
Trả lời: Thời gian đăng ký xét tuyển và công bố kết quả xét tuyển được thực hiện theo lịch tuyển sinh của Bộ GDĐT. Chậm nhất 5 ngày sau khi hết thời hạn đăng ký xét tuyển của mỗi đợt các trường sẽ công bố kết quả xét tuyển.
Câu hỏi: Nếu em trượt trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 thì các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung 2, 3, 4 có được xét tuyển nhiều khối, ngành như nguyện vọng 1 không?
Trả lời: Khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, em vẫn được quyền đăng ký xét tuyển tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) trong một trường, tuy nhiên khác với xét tuyển nguyện vọng I, em được phép sử dụng đồng thời cả 3 Giấy chứng nhận kết quả để đăng ký xét tuyển vào tối đa 3 trường khác nhau; trong thời gian đăng ký dự thi của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, em không được rút hồ sơ ĐKDT và em chỉ được rút hồ sơ cuối mỗi đợt xét tuyển khi không trúng tuyển.
Câu hỏi: Nếu em thi 2 khối và muốn đăng ký vào 2 trường khác nhau của 2 khối đó mà chỉ có 1 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 thì sẽ như thế nào?
Trả lời: Nếu em có kết quả thi của 2 khối, trước tiên em phải căn cứ vào kết quả thi của mình để chọn một trường mà em thích nhất và phù hợp với kết quả thi để đăng ký NV1. Còn việc em có kết quả thi của 2 khối thì em sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc đăng ký xét tuyển 4 ngành trong một trường hoặc có nhiều cơ hội lựa chọn hơn khi em rút hồ sơ để đăng ký trường khác trong thời gian xét tuyển NV 1.
Câu hỏi: Em nộp hồ sơ nguyện vọng 1 vào trường Bách Khoa nếu trong vòng 20 ngày em rút hồ sơ nộp sang Trường Kinh tế Quốc dân thì hồ sơ đấy có còn được xem như là NV1 của Trường Kinh tế Quốc dân nữa không hay trở thành NV bổ sung ạ?
Trả lời: Trong thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV1 theo quy định, cháu có thể rút hồ sơ từ ĐH Bách Khoa sang ĐH Kinh tế Quốc Dân và vẫn được coi là NV1.
Câu hỏi: Nếu em dự định học ở Thành Phố Hồ Chí Minh thì có được mang điểm thi ở ngoài Hà Nội vào trong Hồ Chí Minh xét tuyển không ạ?
Trả lời: Được, em có thể mang giấy báo điểm vào TP HCM nộp cho trường có nguyện vọng đăng ký xét tuyển, phù hợp với khối thi nếu em có Hộ khẩu nằm trong vùng tuyển của trường đó.
Câu hỏi: Theo quy định, sau khi biết điểm thi rồi mới nộp hồ sơ vào các trường, trường hợp nếu em đỗ vào cả hai trường thì em chọn trường nào cũng được còn kết quả của trường còn lại sẽ hủy đúng không ạ?
Trả lời: Đối với xét tuyển nguyện vọng I, em chỉ có thể đăng ký vào 1 trường, như vậy không thể xảy ra trường hợp em trúng tuyển vào cả hai trường đều xét tuyển bằng kết quả thi THPT (chỉ có thể trúng tuyển thêm vào các trường tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập). Còn khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung (nếu em trượt nguyện vọng I) em được phép đăng ký xét tuyển vào tối đa 3 trường và em có thể trúng tuyển vào cả ba trường.
Câu hỏi: Như tôi tìm hiểu trong thời gian trước, có một số trường có xét tuyển môn Tin học nhưng tôi vẫn chưa thực sự nắm rõ phương án tuyển sinh của trường này. Ví dụ một số trường trong Đà Nẵng có khối T: Toán, Tin học, Anh văn. Vậy để đăng ký xét tuyển theo tổ hợp này tôi cho cháu đăng ký môn thi như thế nào?
Trả lời: Trong kỳ thi THPT Quốc gia chỉ tổ chức thi 8 môn là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Do vậy không có trường nào sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển mà có khối "T" như trên. Trong thực tế, một số trường có đề án tự chủ tuyển sinh có xét kết quả học tập môn Tin học ở THPT. Để hiểu rõ cách xét, bạn phải tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại trường đó.
Câu hỏi: Nếu trong đợt xét tuyển NV1, em xét tuyển khối B nhưng không đỗ thì có được rút hồ sơ nộp sang khối A không ạ?
Trả lời: Nếu như em có điểm thi của cả hai khối A và B thì trong thời gian đăng ký xét tuyển NV 1, nếu như em cảm thấy có khả năng không đỗ vào trường mà em đã sử dụng kết quả thi khối B để xét tuyển thì em có quyền rút hồ sơ khỏi trường đó và đăng ký sử dụng điểm thi khối A để xét tuyển vào trường khác.
Câu hỏi: Thưa thầy, theo Quy chế thi năm 2015 đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT ở những năm trước, muốn đăng ký thi ĐH-CĐ năm nay có bắt buộc phải thi để lấy điểm xét tuyển không? Học sinh có thể sử dụng học bạ trước đây để xét tuyển vào ĐH năm 2015 không? Các SV đang học hệ Cao đẳng có thể sử dung học bạ năm trước để xét tuyển vào hệ ĐH năm 2015 không?
Trả lời: Những thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT, có thể dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ. Khác với các học sinh chưa tốt nghiệp, các em không phải đăng kí các môn thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà chỉ đăng kí các môn thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ tùy theo yêu cầu của các ngành mà em muốn theo học.
Ngoài ra, các em cũng có thể sử dụng kết quả học tập ở THPT để xét tuyển. Hiện này có gần 200 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc có sử dụng kết quả học tập THPT để xét tuyển.
Đối vơi thí sinh đã theo học CĐ, nếu đủ điều kiện xét tuyển theo học bạ, vẫn có thể đăng kí xét tuyển vào ĐH, tuy nhiên các em nên học hết chương trình cao đẳng sau đó học liên thông lên ĐH sẽ đỡ lãng phí thời gian. Hiện nay Bộ GD ĐT đang sửa đổi quy định về đào tạo liên thông, các em cần nắm bắt các điều chỉnh này để vận dụng.
Câu hỏi: Em thi khối A giả sử em đủ điểm tốt nghiệp thì điểm thi 2 môn Ngữ văn và tiếng Anh có quyết định đỗ hay trượt đại học hay không?
Trả lời: Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ chỉ căn cứ vào kết quả các môn thi của tổ hợp xét tuyển. Chẳng hạn em đăng ký xét tuyển vào ngành yêu cầu kết quả các môn thi khối A, việc trúng tuyển của em vào ngành đó chỉ phụ thuộc vào kết quả các môn thi Toán, Vật lí, Hóa học; kết quả môn Văn và Ngoại ngữ không ảnh hưởng đến việc xét tuyển. Tuy nhiên năm nay có một số trường có các tiêu chí phụ để xét, em cần nắm vững các tiêu chí phụ của trường này yêu cầu những gì.
Câu hỏi: Nếu đợt 1 chỉ có một Phiếu chứng nhận kết quả thi thì làm sao có thể đăng ký nhiều ngành thuộc nhiều trường khác nhau ạ? Các trường sẽ công bố tình hình xét tuyển cùng một lúc hay lệch ngày với nhau?
Trả lời: Đối với việc xét tuyển NV1, em chỉ có thể đăng ký tối đa 4 ngành trong một trường. Tuy nhiên, em hoàn toàn có thể rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác trong thời gian xét tuyển NV 1. Để hỗ trợ cho các em có thông tin để quyết định việc rút và nộp hồ sơ, Bộ GD-ĐT quy định tất cả các trường sử dụng kết quả từ kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển 3 ngày/lần phải công bố công khai thông tin xét tuyển của trường mình và các trường này công bố kết quả xét tuyển theo lịch tuyển sinh chung do Bộ quy định.
Câu hỏi: Nếu em chỉ thi 4 môn thì có được xét tuyển đại học không ạ?
Trả lời: Nếu em đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH-CĐ (trong phiếu đăng ký dự thi) thì em hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi 4 môn để xét tuyển ĐH-CĐ. Vi dụ, em đăng ký thi 4 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, em có thể sử dụng kết quả thi để đăng ký vào các ngành xét tuyển bằng khối D (Toán, Ngữ Văn, Anh) và khối A1 (Toán, Anh, Vật lí)
Câu hỏi: Theo em được biết thì trong năm 2015, mỗi thí sinh sẽ có 4 nguyện vọng xét tuyển vào các trường CĐ-ĐH, nguyện vọng 1 sẽ được đăng ký 4 ngành trong một trường, điều này có áp dụng với các trường công an, quân đội không ạ? số nguyện vọng cho mỗi thí sinh là 4, khi trượt nguyện vọng 1 , thí sinh được phép nộp 3 nguyện vọng vào 3 trường khác nhau đồng thời. Tuy nhiên thí sinh chỉ có thể học một trường, nếu như trúng tuyển vào cả 3 trường ấy chẳng phải sẽ gia tăng số lượng hồ sơ ảo hay sao ạ?
Trả lời: Khi xét tuyển vào các trường công an, quân đội, ngoài việc cần phải dự sơ tuyển, quy định về xét tuyển hoàn toàn giống với các trường ĐH sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển.
Đúng như em nói, đối với việc xét tuyển NV1 thì khó xảy ra trường hợp em được trúng tuyển cả hai trường. Còn khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, vì em được sử dụng 3 giấy và có thể nộp vào tối đa 3 trường nên về lý thuyết có thể em đỗ cả 3 trường. Điều này không có gì khác so với xét tuyển nguyện vọng bổ sung của năm 2014 và các trường cũng đã quen để xử lý khó khăn do thí sinh ảo gây ra.
Câu hỏi: Mọi năm trước Bộ đều tổ chức nhiều đợt tuyển sinh cho ĐH và CĐ. Chúng em có thể tham gia thi 2 lần để có cơ hội đỗ vào hoặc một trường ĐH, hoặc một trường CĐ. Nếu năm nay chỉ có một kết quả thi thôi, em đăng ký vào ĐH thì sẽ không còn cơ hội đăng ký CĐ nữa, nhưng điểm NV1 của em chỉ đủ vào CĐ thôi. Mà ngành đấy ở trường CĐ lại không xét NV2. Vậy là cơ hội của chúng em còn thấp hơn năm ngoái ạ?
Trả lời: Năm nay, sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia, các em có thể xét tuyển cả ĐH và CĐ. Sau khi có kết quả thi, nếu điểm thi của em không đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của hệ ĐH mà chỉ đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào hệ CĐ thì em dùng giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển đợt I đăng ký vào trường CĐ mà em muốn học.
Nếu em có kết quả thi đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với hệ ĐH, em có thể đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH. Và bên cạnh các ngành đào tạo ĐH, em có thể đồng thời đăng ký vào học các ngành CĐ của trường đó nếu trường đó đào tạo hệ CĐ.
Câu hỏi: Em thấy trong qui chế thi có ghi: Nếu đỗ NV1 thì sẽ không được ĐKXT ở các đợt tiếp theo nữa. nhưng sao sau đó lại ghi rằng: Trong thời gian qui định của đợt xét này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để nộp vào trường khác
Trả lời: Thời gian đăng ký xét tuyển của đợt 1 dự kiến là 20 ngày và sau 20 ngày thì các trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển. Và khi đó, những em trúng tuyển NV 1 sẽ không được tham gia xét tuyển NV bổ sung. Tuy nhiên, trong vòng 20 ngày của thời gian đăng ký xét tuyển, em được phép thay đổi nguyện vọng đã đăng ký ở trường hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký sang trường khác.
Để em có cơ sở rút hồ sơ cũng như đăng ký vào các trường khác thì Bộ quy định 3 ngày một lần các trường phải công bố công khai danh sách học sinh đăng ký xét tuyển vào trường theo trật tự từ cao xuống thấp của kết quả thi.
Câu hỏi: Em băn khoăn là NV1 của em có 4 ưu tiên, nếu em không đủ điểm cho ưu tiên 1 thì ưu tiên 2 của em có được xét chung với các bạn có ưu tiên 1 trùng ngành xét tuyển với em không?
Trả lời: Trong mỗi trường, em được chọn tối đa 4 ngành, theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Nếu không trúng tuyển ngành thứ nhất, em được chuyển sang để xét tuyển vào ngành thứ 2 một cách bình đẳng cùng các bạn đã đăng ký ưu tiên 1 cho ngành này.
Câu hỏi: Con tôi chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT nên dự thi tại cụm do Sở GD-ĐT chủ trì. Tuy nhiên, sau khi có kết quả, nếu điểm số cao, gia đình chúng tôi lại có nguyện vọng cho cháu tham gia xét tuyển ĐH-CĐ thì có được không?
Trả lời: Theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, sẽ không được nhận Giấy chứng nhận kết quả thi và cũng không thể đăng ký vào các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Tuy nhiên nếu cháu đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT thì cháu vẫn có thể đăng ký vào các trường tuyển sinh riêng cho phép sử dụng kết quả học tập ở THPT để xét tuyển. Hiện nay có hơn 160 trường ĐH, CĐ thực hiện phương thức tuyển sinh này.
Câu hỏi: Em thắc mắc là trước đây, với những học sinh thi 2 khối A và D điểm thi được đồng thời xét tuyển nên có thể đỗ cả hai hoặc trượt cả hai. Tuy nhiên, với Quy chế mới này, thí sinh chỉ được xét tuyển ở một trường với việc thi nhiều tổ hợp. Như vậy liệu có đạt được hiệu quả tương ứng hay không?
Trả lời: Theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy hiện hành, ngay cả khi em đăng ký thi nhiều khối thi thì em cũng chỉ được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển nguyện vọng 1 và 3 Giấy chứng nhận kết quả thi giống nhau dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Như vậy, sẽ không xảy ra khả năng em trúng tuyển cả hai trường ở nguyện vọng 1.
Tuy nhiên, khi đăng ký nhiều khối thi thì em sẽ có nhiều cơ hội để trúng tuyển hơn, vì khi có kết quả thi của nhiều khối, em có thể chọn được nhiều ngành của một trường để đăng ký xét tuyển. Hoặc khi rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác thì em có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn trường nộp hồ sơ.
Ví dụ: Nếu em có nguyện vọng học ngành y mà chỉ đăng ký thi các môn khối B (Toán, Hoá, Sinh) thì khi không đủ điểm để trúng tuyển vào trường Y, em chỉ có thể chuyển sang đăng ký xét tuyển ở các ngành khối nông, lâm, ngư. Còn nếu như em có thêm kết quả thi của khối A (Toán, Lý, Hoá) thì em có thể đăng ký xét tuyển ở các trường khối kỹ thuật và kinh tế.
Câu hỏi: Theo quy định xét tuyển năm nay, thí sinh được phép đăng kí tối đa 4 ngành trong một trường và xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4, Thầy có thể cho em biết cách xét 4 ngành đó trong 1 trường như thế nào?
Trả lời: Quy định xét 4 nguyện vọng trong một trường theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 được hiểu như sau:
+ Nếu thí sinh có mức điểm có thể trúng tuyển vào nhiều ngành, chỉ được xét vào ngành có thứ tự ưu tiên cao nhất;
+ Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ được chuyển sang nguyện vọng 2 và xét bình đẳng với các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành đó và tương tự như vậy đối với các nguyện vọng 3, 4;
+ Các nguyện vọng 1, 2, 3, 4 trong một trường được xét đồng thời (thực hiện bằng phần mềm xét tuyển do Bộ GDĐT cung cấp hoặc phần mềm do trường xây dựng với thuật toán do Bộ GDĐT cung cấp);
+ Trong 4 nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký đồng thời cả ngành đại học và cao đẳng (nếu trường có đào tạo cao đẳng).
Câu hỏi: Với cách đăng ký xét tuyển như năm nay, vấn đề quan trọng nhất mà thí sinh cần phải cân nhắc khi đăng ký xét tuyển là gì? thí sinh cần phải làm gì để đảm bảo khả năng trúng tuyển là cao nhất.
Trả lời: Điểm đầu tiên thí sinh cần cân nhắc là lựa chọn ngành, trường phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển là cao nhất: căn cứ vào kết quả thi của mình, thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường ở những năm trước để quyết định chọn trường, ngành phù hợp. Hiện nay có hơn 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước, một ngành chuyên môn có thể đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất khác nhau, nên các thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành yêu thích của mình.
Điểm thứ hai mà thí sinh cần phải cân nhắc là khi đưa ra quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường khác hay quyết tâm “bám trụ“, nhất là khi điểm thi của mình không thực sự vượt trội trong số thí sinh cùng đăng ký vào ngành.
Nếu thí sinh có thể chọn được nhiều ngành phù hợp với nguyện vọng của mình trong một trường thì sẽ dễ dàng hơn trong quyết định “rút“ hồ sơ hay “bám trụ“ và cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ lớn hơn rất nhiều.
Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT)/Nguồn GDTĐ