Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

ĐH Đà Nẵng: Thí điểm tự chủ tuyển sinh một số ngành

28/01/2014

Mùa tuyển sinh năm 2014, dù ĐH Đà Nẵng vẫn tuyển sinh theo phương thức 3 chung của Bộ nhưng sẽ có một số thay đổi kỹ thuật và nhóm ngành. 

Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng phương án thí điểm tuyển sinh riêng cục bộ một số ngành đặc thù. PV báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng - xung quanh lộ trình tự chủ tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng.

Với đặc thù là một ĐH vùng, lộ trình hướng tới tự chủ tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng sẽ như thế nào, thưa ông?

- Là một ĐH vùng, ĐH Đà Nẵng luôn ý thức đầu tầu, tiên phong của mình. Ngay trong mùa tuyển sinh 2014 sắp tới, bên cạnh việc vẫn tham gia kỳ thi "3 chung" trong đợt 1 của Bộ, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng phương án thí điểm tuyển sinh riêng cục bộ một số ngành, do ĐHĐN hoàn toàn chủ động tổ chức, từ khâu ra đề, tổ chức thi, xét tuyển… 

Trước mắt, sẽ triển khai thí điểm đối với một số ngành, chuyên ngành đặc thù (chương trình tiên tiến, chất lượng cao, năng khiếu, kiến trúc,...). Những ngành năng khiếu như Kiến trúc, Giáo dục mầm non là những ngành được thực hiện đầu tiên và sẽ kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. 

Dự kiến sẽ thi môn năng khiếu hoặc thêm một môn văn hóa và xét tuyển tiêu chí bổ sung dựa trên kết quả 3 năm học THPT của thí sinh.

Thông qua các đợt tuyển sinh mang tính cục bộ, thí điểm như vậy, ĐH Đà Nẵng sẽ xác định cho mình khối lượng kiến thức cần đánh giá và phương pháp đánh giá năng lực học tập của các thí sinh tham gia thi tuyển. Đây là một yếu tố rất quan trọng và cũng là khó khăn nhất trong quá trình thực hiện tự chủ trong tuyển sinh.

Như vậy, ngoài một số chuyên ngành đặc thù như trên, mùa tuyển sinh năm 2014, ĐH Đà Nẵng vẫn tuyển sinh theo phương thức 3 chung của Bộ với một số thay đổi kỹ thuật và nhóm ngành. Xin PGS.TS cho biết cụ thể về vấn đề này?

-Hiện tại ĐHĐN tồn tại hai hình thức xét tuyển: Xác định điểm chuẩn theo trường (gồm Trường ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, CĐ Công nghệ, CĐ Công nghệ thông tin) sau đó mới xác định điểm chuẩn theo ngành. 

Các thí sinh trúng tuyển vào trường nhưng không trúng tuyển vào ngành sẽ được đăng ký 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên để xét chuyển ngành. 

Các trường ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, Phân hiệu Kon Tum, Khoa Y Dược xác định điểm chuẩn theo chuyên ngành. 

Các thí sinh đủ điểm vào ngành thì trúng tuyển còn không đủ điểm thì không trúng tuyển và không được đăng ký xét chuyển ngành. Chỉ có thể đăng ký xét các đợt bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu.

Phương thức xét tuyển này trước đây về cơ bản là phù hợp. Tuy vậy những năm gần đây phương phức này bắt đầu tỏ ra bất cập. Cụ thể: 

Đối với cách xác định điểm chuẩn theo trường: Có thí sinh trúng tuyển nhưng không đúng vào ngành có nguyện vọng học nên chán nản, thiếu động lực phấn đấu hoặc bỏ học để xin đi trường khác, cấp học khác nhưng đúng ngành mong muốn. 

Đối với cách xác định điểm chuẩn theo chuyên ngành: Các thí sinh dự thi cùng một ngành nhưng trượt chuyên ngành đăng ký thì không trúng tuyển trong khi kết quả thi có thể cao hơn nhiều điểm chuẩn của các chuyên ngành khác rất gần chuyên ngành đăng ký học. Muốn được vào học chuyên ngành khác thí sinh phải đăng ký xét tuyển bổ sung gây phiền phức cho thí sinh và phức tạp cho xét tuyển.

Vì thế năm 2014, một số trường của ĐH Đà Nẵng có thay đổi về phương thức xét tuyển. 

Về khối thi: Trường ĐH Bách khoa sẽ tuyển sinh thêm khối A1 (trừ các ngành: Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ vật liệu, Kỹ thuật dầu khí, Công nghệ KT vật liệu xây dựng, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường). 

Trường ĐH Kinh tế tuyển sinh khối C ngành Quản lý Nhà nước. Trường ĐH Ngoại ngữ tuyển sinh thêm khối A1 cho các ngành: Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Thái Lan, Quốc tế học và Đông phương học.

Trường ĐH Kinh tế sẽ lấy điểm chuẩn theo 3 nhóm ngành: Quản lý - Kinh doanh, Kinh tế - Luật - Thống kê, Quản lý nhà nước. Trường ĐH Sư phạm lấy điểm chuẩn theo khối thi.

Xin ông cho biết phương án tuyển sinh sắp tới của ĐH Đà Nẵng?

- Như tôi đã nói ở trên, đúng là cách thi, kiểu thi, môn thi… đóng vai trò vô cùng quan trọng trong Đề án tự chủ trong tuyển sinh. Làm sao kỳ thi tuyển sinh phải đánh giá được năng lực thực sự của thí sinh. 

Từ đó giảm được tình trạng học lệch, học tủ, học thuộc bài mà không biết cách vận dụng, từ đó cũng hạn chế được tối đa tình trạng dạy thêm, học thêm. 

Trên thế giới có nhiều kỳ thi đánh giá năng lực học tập của thí sinh, trong đó nổi trội hơn cả là kỳ thi SAT của Hoa Kỳ. Hiện nay nhiều trường trong đó có cả trường ĐH Quốc gia đang định hướng xây dựng Đề án tự chủ trong tuyển sinh theo hướng đó. 

ĐH Đà Nẵng cũng đang tích cực nghiên cứu để có thể đưa ra một phương án tuyển sinh thích hợp, tiệm cận dần với các kỳ thi của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời cũng phải phù hợp với trình độ của thí sinh và hoàn cảnh, điều kiện hiện tại. 

Đề thi mang tính tổng hợp, có nhiều modun khác nhau để đánh giá năng lực thí sinh phù hợp với ngành đào tạo. Có thể kết hợp với sơ tuyển hồ sơ (qua mạng) theo tiêu chí từng ngành để định hướng và chọn thí sinh trước khi dự thi.

Nếu các trường khác (ngoài ĐH Đà Nẵng) có nhu cầu phối hợp để cùng tổ chức tuyển sinh chung, ĐH Đà Nẵng sẽ thực hiện theo tiêu chí nào?

- ĐH Đà Nẵng hoàn toàn ủng hộ các trường khác ngoài ĐH Đà Nẵng sử dụng kết quả thi tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng để làm cơ sở xét tuyển vào trường mình. 

Nếu các trường có nhu cầu, ĐH Đà Nẵng sẽ phối hợp với các trường theo các hình thức: Hoặc sẽ tổ chức thi chung cho các trường trong khu vực. Các trường sẽ sử dụng kết quả thi này để xét tuyển. 

Hoặc chúng tôi sẽ hỗ trợ các trường trong công tác ra đề, chấm thi. Thực tế, trong năm 2013, ĐH Đà Nẵng đã hỗ trợ Trường ĐH Quảng Nam trong việc ra đề thi môn Năng khiếu (khối M).

Nguyên Hà (thực hiện)
Nguồn: gdtd.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang