Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Dừng tuyển sinh 207 ngành: Ba vấn đề cần bàn thêm

02/02/2014

Chưa bao giờ chúng ta thấy Bộ GD-ĐT quyết liệt đến đến vậy trong việc áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng cho giáo dục đại học như trong giai đoạn hiện nay. 

Trong các năm 2010 và 2012, Bộ liên tiếp dừng tuyển sinh hàng trăm chương trình tiến sĩ và thạc sĩ trên khắp cả nước. Cuối năm 2013 vừa qua, thậm chí 2 trường đại học đã được xem xét đóng cửa hoàn toàn.

Mới đây nhất, Bộ lại vừa “thưởng Tết” cho 71 cơ sở đào tạo bằng việc tạm dừng  tuyển sinh 207 chương trình đại học trong năm 2014 (cho thời hạn khắc phục đến hết tháng 12.2015). Nguyên nhân chủ yếu là do các trường không đạt đủ số lượng và chất lượng giảng viên cơ hữu theo quy định tại Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17.02.2011 (Thông tư 08).

Trước đó, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Quyết định 37/2013/QĐ-Ttg  do Thủ tướng ký ngày 26.06.2013 về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới phát triển giáo dục đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 cũng đã “hãm lại” rất nhiều chỉ tiêu phát triển giáo dục đại học (như số lượng sinh viên trên một vạn dân, số lượng trường đại học …) so với bản quy hoạch cũ (Quyết định 121/2007/QĐ-TTg).

Về chủ trương chung, việc Bộ chuyển dịch từ chú trọng bề rộng (quy mô) sang chiều sâu (chất lượng) là một hướng đi đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, thể hiện đúng trách nhiệm xã hội của ngành giáo dục đối với xã hội (người học, phụ huynh, nhà tuyển dụng).

Tuy vậy, làm thế nào để chính sách này được thực thi hiệu quả, hạn chế những tác động âm tính không kỳ vọng, đòi hỏi quy trình thực hiện thực sự khoa học và cẩn trọng. Người viết bài này xin thảo luận 3 vấn đề liên quan đến việc này, thông qua phân tích việc Bộ tạm dừng 207 chương trình đại học vừa qua:

Thứ nhất, về tiêu chí, việc xem xét các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (cụ thể trong trường hợp này là số lượng và chất lượng giảng viên cơ hữu), qua đó quyết định việc đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành là phù hợp tiêu chí về đảm bảo chất lượng đào tạo mà thế giới đang áp dụng.

Tuy vậy, có lẽ Bộ nên xem xét lại có nên áp dụng một bộ tiêu chí chung để mở và duy trì cho mọi mã ngành đào tạo (theo quy định tại Thông tư 08) hay không. Nhìn vào danh sách 207 chương trình vừa bị đình chỉ mới đây, chúng ta có thể thấy có một số mã ngành thiên về nghiên cứu như Hải dương học (ĐH KHTN TP.HCM) hay Hán nôm học (ĐH KHXH&NV TP.HCM), lại có những ngành thiên về thực hành như Thiết kế thời trang (ĐH Hoa sen) hay Nhiếp ảnh (ĐH Sân khấu điện ảnh).

Mỗi ngành đào tạo có những mục tiêu khác nhau về chất lượng sản phẩm đầu ra, vì vậy, thật khó có thể đánh đồng quy định phải có ít nhất 01 giảng viên có trình độ tiến sỹ và 03 giảng viên trình độ thạc sỹ đối với tất cả các ngành.

Thứ hai, về quy trình đánh giá, qua phản hồi sau khi thông tin tạm dừng tuyển sinh 207 ngành được đưa ra, có vẻ như nhiều trường bị dừng tuyển sinh vì quên không nộp báo cáo hoặc không báo cáo đầy đủ chứ không phải vì không có đủ số giảng viên theo quy định.

Về vấn đề này, một mặt, các trường cũng phải rút kinh nghiệm cho các lần báo cáo sau với Bộ; mặt khác, khi nhìn vào phụ lục của Công văn số 2061/BGDĐT-GDĐH (Công văn yêu cầu các trường khảo sát, thống kê thông tin về các ngành đào tạo từ tháng 03/2013, làm căn cứ cho việc tạm dừng tuyển sinh vừa qua), ta có thể mường tượng ra một khối lượng thông tin không nhỏ mà các trường đã phải thực hiện, trong đó có nhiều thông tin trùng lặp với các báo cáo khác như Báo cáo 3 công khai, báo cáo tổng kết cuối năm, báo cáo đánh giá kiểm định chất lượng...

Việc này chắc chắn đã gây ra rất nhiều tốn kém chi phí, nguồn lực và mệt mỏi cho các trường khi cứ phải báo cáo lặp lại cho Bộ những nội dung tương tự nhau. Có lẽ đã đến lúc Bộ cần ISO hoá các thủ tục báo cáo theo các quy trình quy chuẩn, thống nhất nhằm giảm thiểu tối đa các thủ tục báo cáo rườm rà mà vẫn đạt được hiệu quả quản lý như mong muốn.

Thứ ba, theo thông báo, Bộ cho thời hạn các trường có chương trình tạm dừng tuyển sinh năm nay đến hết tháng 12.2015 để khắc phục tình trạng thiếu giảng viên đạt trình độ theo quy định.

Tuy vậy, thật khó cho các trường có thể tuyển dụng giảng viên có chất lượng trong bối cảnh chương trình đào tạo đang bị “tạm treo” không biết có được tiếp tục đào tạo trong tương lai nữa hay không.

Hiện nay, ngoài chương trình gửi giảng viên đi học ở nước ngoài theo học bổng Nhà nước 911 (trước đây là 322), Bộ vẫn chưa có chính sách thu hút đội trí thức trình độ cao trở về làm việc thực sự hiệu quả.

Phải chăng, đây chính là dịp để Bộ có thể triển khai một chương trình đặc biệt với “một mũi tên trúng hai đích” (vừa giúp các trường thu hút đủ giảng viên trình độ cao, vừa thu hút được trí thức trình độ cao trở về làm việc). 

Tóm lại, tăng cường đảm bảo chất lượng giáo dục đại học thay vì mở rộng ồ ạt về số lượng như trước kia là một chủ trương đúng đắn của Bộ GD-ĐT. Tuy vậy, ngoài việc ban hành những quy chế siết chặt chất lượng một cách quyết liệt, đúng với đặc thù của từng ngành đào tạo, theo các quy trình thống nhất, đơn giản nhưng hiệu quả, Bộ cần có thêm các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng cho các trường, nhất là trong việc tuyển dụng giảng viên trình độ cao.  

Phạm Hiệp
Nguồn: motthegioi.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang