Đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh lưu ý lỗi ‘biết rồi vẫn mắc’
07/08/2022
Thí sinh cả nước đang trong thời gian thực hiện đăng ký xét tuyển nguyện vọng không giới hạn số nguyện vọng. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng hiểu đúng về quy chế tuyển sinh năm nay. Trong đó, có nhiều thí sinh vẫn còn mơ hồ, nhầm lẫn giữa điểm sàn và điểm chuẩn.
Điểm sàn lên tới 28 điểm
Theo quy chế của Bộ GDĐT, các trường đã kết thúc thời gian công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ghi nhận cho thấy, mức điểm sàn xét tuyển theo phương thức này thấp nhất 14 điểm và cao nhất là 28,5 điểm.
Năm nay, Trường Đại học Quy Nhơn là trường mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển hệ chính quy theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cao nhất cả nước, từ 15 - 28,5 điểm. Trong đó, trường có 6 ngành có điểm sàn lên đến 28,5 gồm: Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Địa lý. Các ngành còn lại lấy điểm sàn ở mức từ 15 -19 điểm.
Các ngành sư phạm cũng có một số trường có điểm sàn tương đối cao như Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Trường có 8 ngành điểm sàn là 23 điểm.
Ở nhóm ngành sức khoẻ, các trường hầu hết đều công bố mức điểm sàn từ 19-22 điểm, ngang ngưỡng điểm sàn của Bộ GDĐT. Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y Hà Nội, điểm sàn cao nhất là 23 điểm vào các ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt.
Trường Đại học Hoà Bình cũng vừa công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Ông Dương Văn Bá, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông nhà trường cho biết, đối với nhóm ngành sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề, trường có mức điểm sàn từ 19 - 21 điểm.
Cụ thể, ngành Dược học và Y học cổ truyền có mức điểm sàn 21 điểm hoặc điểm xét tốt nghiệp đạt từ 8 điểm trở lên; ngành Điều dưỡng có mức điểm sàn 19 điểm hoặc điểm xét tốt nghiệp đạt từ 16,5 điểm. Các ngành còn lại, mức điểm sàn là 15 điểm.
Trong khi đó, một số trường có mức điểm sàn thấp nhất là 14 điểm như: Trường Đại học Xây dựng Miền Tây (Vĩnh Long), Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh…
Thí sinh mơ hồ giữa điểm sàn và điểm chuẩn
Theo quy định của Bộ GDĐT, từ nay đến ngày 20/8, thí sinh được quyền đăng ký nguyện vọng không giới hạn số nguyện vọng và được thay đổi nhiều lần. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn tuyển sinh, đại diện một số trường cho biết, nhiều thí sinh không hiểu đúng quy chế tuyển sinh năm nay. Trong đó, có không ít thí sinh vẫn còn nhầm lẫn và hiểu mơ hồ về điểm sàn, điểm chuẩn và hiểu chưa đúng về trúng tuyển sớm hoặc cách đăng ký nguyện vọng.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lưu ý thí sinh, điểm sàn là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Ví dụ, ngưỡng điểm sàn năm ngoái của trường đặt ra là 19 điểm, trong khi đó ngành tiếng Anh của trường đã lấy 28 điểm, hoặc Toán tiếng Anh lấy 27,7 điểm. Điều đó phụ thuộc vào các trường.
“Trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần bảo đảm về ngưỡng và đảm bảo những điều kiện khác như hạnh kiểm. Hồ sơ phải đầy đủ, phải đúng. Mặt khác, các em nên tham khảo các điểm xét tuyển, trúng tuyển của các trường khác nhau trong những năm gần đây”, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho hay.
Nếu như năm 2021, thí sinh chỉ phải đăng ký duy nhất xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT trên hệ thống của Bộ GDĐT, các phương thức khác đã được các trường xét tuyển xong trước đó thì năm nay, các phương thức đều phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ. Điều này dễ dẫn đến việc thí sinh bị lẫn.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Thương mại cho hay, thời gian qua, trên fanpage cũng như hai đường dây nóng của trường nhận được thắc mắc nhiều nhất là dùng phương thức xét tuyển như thế nào để đăng ký nguyện vọng.
Theo ông Trung, có nhiều thí sinh đặt nguyện vọng không thích nhất lên đầu tiên nên khi trúng tuyển lại muốn chuyển xuống nguyện vọng sau yêu thích hơn. Trong khi đó, quy chế của Bộ không cho phép và thí sinh chỉ có hai lựa chọn hoặc sẽ đợi xét tuyển bổ sung hoặc năm sau thi lại.
Vì vậy ông Trung khuyên thí sinh: “Với nguyện vọng nào thích học thì cần đặt ở mức ưu tiên cao hơn. Nên nhớ, đó không phải là nguyện vọng chắc chắn đỗ. Việc đặt nguyện vọng này dựa vào điểm thi thí sinh đạt được, sở thích và căn cứ vào điểm chuẩn của các trường những năm trước”.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) khẳng định, dù xét tuyển theo phương thức tuyển sinh nào, quan trọng nhất là cách sắp xếp nguyện vọng ưu tiên của thí sinh.
Bà Thuỷ khuyên thí sinh dành nguyện vọng cao hơn, nguyện vọng ưu tiên nhất của mình cho ngành nghề đào tạo, định hướng nghề nghiệp muốn theo đuổi trong tương lai và chọn địa điểm đào tạo mà các em yêu thích nhất, mong muốn được vào học tập.
Bà Thuỷ cũng cho biết: "Dù các em trúng tuyển theo nguyện vọng thứ 10 thì vẫn được hưởng sự công bằng như các bạn xếp nguyện vọng 1, 2 vào ngành đó, trường đó. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT với nguyên tắc như vậy chắc chắn sẽ hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh, đảm bảo sự công bằng tối đa”.
NGUYỄN HOÀI
http://daidoanket.vn/dang-ky-nguyen-vong-xet-tuyen-thi-sinh-luu-y-loi-biet-roi-van-mac-5693285.html