Tuyển sinh đại học năm 2022: Điểm chuẩn sẽ hạ nhiệt
27/07/2022
Với kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 không có hiện tượng “mưa” điểm 10 như năm 2021, điểm trung bình của các môn thi không có biến động nên nhiều chuyên gia tuyển sinh dự báo điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay sẽ hạ nhiệt.
Bất ngờ với điểm trung bình
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, trong 5 môn thi thì phổ điểm môn tiếng Anh năm nay có dạng phân bố ít kỳ dị hơn so với năm 2021. Số điểm 10 của các môn thi giảm mạnh, chỉ còn 5.560 (trong đó môn Giáo dục công dân chiếm phân nửa) so với 24.318 điểm 10 ở năm 2021. Mức độ phân hóa của phổ điểm tất cả các môn đều khá tốt nên thuận lợi cho việc xét tuyển đại học với phương thức dùng kết quả thi THPT năm 2022. Về điểm liệt ở các môn năm 2022, có 1.094 bài thi (so với 1.280 ở năm 2021 và 1.262 ở năm 2020), trong đó môn tiếng Anh chiếm gần phân nửa số điểm liệt. Điểm liệt giảm đồng nghĩa với việc tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ nhích lên tương ứng.
Nhận định trên hoàn toàn phù hợp khi đến thời điểm này, nhiều địa phương đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt cao nhất trong những năm gần đây và vượt mức 99%. Cụ thể, tỉnh Phú Thọ có tỷ lệ tốt nghiệp 99,71%, Hòa Bình 99,37%, Sóc Trăng 99,24%, Long An 99,6%, Bình Dương 99,7%... Như vậy, tỷ lệ tốt nghiệp chung cả nước ở năm 2022 sẽ không thấp hơn năm 2020 và 2021 (trên 98%).
Cũng theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, dù kết quả điểm tuyệt đối giảm nhưng từ kết quả phổ điểm có thể dễ nhận thấy năm 2022 là năm đầu tiên điểm trung bình tất cả các môn thi đều đạt mức trên 5,0. Điểm trung bình của 5 môn thi tốt nghiệp THPT giảm nhẹ, trong đó môn Sinh học (điểm trung bình 5,02) lần đầu tiên giữ vị trí “đội sổ” thay cho môn Lịch sử (6,34) và môn Ngoại ngữ (5,15).
Cùng với đó, có 4 môn tăng điểm trung bình so với năm 2021. Trong đó, môn Lịch sử bứt phá ngoạn mục từ 4,97 (năm 2021) lên 6,34 (năm 2022) và có số lượng điểm 10 chiếm 1/3 tổng số, chỉ sau môn Giáo dục công dân. Môn ngoại ngữ (chủ yếu là môn tiếng Anh) năm thứ 2 liên tiếp có điểm trung bình môn thi vượt hơn 5, nhưng các tỉnh miền núi, biên giới vẫn có điểm trung bình ngoại ngữ thấp nhất. Minh chứng cho sự chênh lệch này là điểm trung bình môn ngoại ngữ của TPHCM là 6,4 điểm, nhưng của Hà Giang chỉ có 3,79 điểm.
Không còn hiện tượng 30 điểm vẫn trượt
Kết quả điểm tuyệt đối giảm rõ rệt ở các môn thi đồng nghĩa với việc năm 2022 chắc chắn sẽ không còn hiện tượng nghịch lý 30 điểm/3 môn vẫn trượt đại học.
Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cả nước có gần 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhưng có đến hơn 900.000 thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường sẽ sử dụng tổ hợp xét tuyển có 3 môn thi nên có thể dễ dàng dự đoán điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) năm nay sẽ hạ nhiệt.
Với kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, Th.S Phùng Quán (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM) nhận định, điểm trung bình các tổ hợp môn xét tuyển năm 2022 giảm từ 1-1,5 điểm so với năm 2021, ngoại trừ tổ hợp khối C. Do đó, điểm sàn (trừ khối ngành sư phạm, y dược) phần lớn ở nhiều trường sẽ vẫn ở mức 14-15 điểm (tương đương năm 2021). Tuy nhiên, về điểm chuẩn sẽ có sự thay đổi lớn và theo hướng giảm so với năm 2021. Nhất là điểm chuẩn từ mức 25-27 điểm (3 môn thi) sẽ giảm nhiều, vì số lượng thí sinh đạt từ 25-27 điểm giảm nhiều so với năm 2021. Minh chứng cho nhận định này, Th.S Phùng Quán dẫn chứng cụ thể: tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) năm 2021 có điểm trung bình là 19,6 điểm nhưng năm 2022 giảm còn 18,13 điểm; tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) năm 2021 là 20,91 điểm, năm 2022 giảm còn 19,89 điểm; tổ hợp A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh) tương ứng là 20,97 điểm, giảm còn 18,34 điểm…
Theo Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, dự kiến điểm sàn năm nay ở mức 14-15 điểm. Tuy nhiên, điểm chuẩn nhiều ngành ở các trường sẽ còn tùy thuộc nhiều vào tỷ lệ chỉ tiêu ở từng phương thức xét tuyển, tùy vào trường tốp đầu… Thế nhưng, một điều chắc chắn rằng, điểm chuẩn sẽ không có hiện tượng lạ như năm 2021 là 30 điểm/3 môn vẫn không đậu đại học. Điểm chuẩn ở các trường đa ngành, những trường tốp nhiều ngành cao nhất sẽ dao động ở mức 20-25 điểm. Riêng khối ngành y (ngành y khoa, răng hàm mặt) có thể từ 25-27 điểm. Những ngành còn lại, nhất là những ngành như công nghệ sinh học, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghệ may, nông nghiệp, khoa học xã hội, điểm chuẩn sẽ ở mức từ 15-24 điểm.
Theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, từ nay đến ngày 20-8, thí sinh sẽ thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký, không giới hạn số lần và nguyện vọng. Thí sinh khi điều chỉnh nguyện vọng cần lưu ý sắp xếp thứ tự theo nguyên tắc nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất để tăng cơ hội trúng tuyển. Với thí sinh lựa chọn những phương thức xét tuyển khác đã đạt điều kiện trúng tuyển, cần đăng ký lại trên hệ thống theo đúng nguyện vọng đã trúng tuyển mà các trường công bố. Riêng thí sinh trúng tuyển thẳng thì xác nhận nhập học trên hệ thống trong thời gian từ ngày 22-7 đến hết ngày 20-8. Những thí sinh trúng tuyển thẳng sau khi xác nhận nhập học sẽ không tham gia xét tuyển ở các phương thức khác.
|
THANH HÙNG
https://www.sggp.org.vn//tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2022-diem-chuan-se-ha-nhiet-830140.html