Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Đăng ký xét tuyển theo “tâm lý đám đông” đang giảm dần

31/07/2022

Đợt đăng ký xét tuyển (ĐKXT) năm nay, thí sinh có gần 1 tháng (từ ngày 22/7 đến 17h ngày 20/8) để đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần theo hình thức trực tuyến trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nét mới của xét tuyển năm nay là sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT thí sinh mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Làm thế nào để giúp thí sinh đăng ký đúng, trúng ngành theo năng lực, sở thích, Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD & ĐT về vấn đề này.

PV: Thưa bà, đến nay đã được 1 tuần kể từ khi Bộ GD&ĐT mở hệ thống ĐKXT trực tuyến cho thí sinh, bà có lưu ý gì tới thí sinh để các em thuần thục thao tác, không gặp sơ xuất dẫn đến có thể lỡ cơ hội trúng tuyển?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quy định không giới hạn số lần các em đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng là để tạo cơ hội tốt nhất cho các em trúng tuyển; việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh. Trong quá trình đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển.

Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển (trừ trường hợp đã nộp lệ phí xét tuyển sớm tại trường) thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Để đăng ký xét tuyển, thí sinh phải sử dụng tài khoản cá nhân thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống.

PV: Năm nay cũng là năm nở rộ các phương thức xét tuyển với khoảng 20 phương thức như đánh giá năng lực, xét tuyển học bạ, xét tuyển bằng IELTS, SAT... Thời điểm này có thí sinh đã được báo trúng tuyển sớm 3, thậm chí 5 trường khiến các em rối bời không biết chốt trường nào. Trong trường hợp này, các em nên “ứng xử” như thế nào đối với các cơ hội trúng tuyển, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Với quy định chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất duy nhất, nếu thí sinh thật sự yêu thích ngành nào, trường nào đó mà đã đủ điều kiện trúng tuyển (khi đã xét tuyển sớm) thì nên đặt nguyện vọng 1. Tôi lưu ý, đó phải là những ngành các em đam mê thực sự, do đó, nếu các em còn băn khoăn thì các em có thể đăng ký xét tuyển bằng các phương thức khác cho phép, nhất là bằng điểm thi tốt nghiệp THPT theo thứ tự ưu tiên ngành mình yêu thích, phù hợp với năng lực của mình, đồng thời phải đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm xuống bên dưới. Khi đó, nếu không trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi THPT chẳng hạn thì vẫn đảm bảo việc thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức khác đã đủ điều kiện.

PV: Việc một số trường đại học “làm khó” thí sinh bằng việc yêu cầu xác nhận nhập học sớm và phải coi đó là nguyện vọng 1, điều này được Bộ GD & ĐT chấn chỉnh như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Nếu các trường đưa ra các yêu cầu bắt buộc nhập học sớm đối với thí sinh trúng tuyển sớm là vi phạm các quy định trong Quy chế tuyển sinh năm 2022. Thí sinh được quyền xác định nguyện vọng nào là nguyện vọng ưu tiên trong số các chương trình đào tạo mà các em đã đủ điều kiện trúng tuyển.

Theo Quy chế, các cơ sở đào tạo khi tổ chức xét tuyển cho những thí sinh mà đã hoàn thành những thủ tục dự tuyển thì không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn so với lịch trình theo kế hoạch chung. Thí sinh phải được đảm bảo nguyên tắc công bằng: Công bằng về cơ hội dự tuyển, cơ hội trúng tuyển.

Trường hợp thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển rồi (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) vào một nguyện vọng nào đấy thì thí sinh được tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng đó khi đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT với điều kiện là tuỳ thí sinh ấy có muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay không, hay là muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển sang nguyện vọng khác.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo không được yêu cầu hay thỏa thuận với thí sinh để bắt buộc các em phải cam kết hay xác nhận nhập học sớm dù dưới bất kỳ hình thức nào, cho dù là nộp kinh phí giữ chỗ hay thu giữ những hồ sơ gốc của các em đều là không đúng so với quy định.

Thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng 1 vào trường/ngành thí sinh được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển có điều kiện, nếu đó là nguyện vọng thí sinh mong muốn nhất. Không có cơ sở đào tạo nào được phép ép buộc, yêu cầu thí sinh phải cam kết đăng ký nguyện vọng 1.

PV: Xin bà cho biết cơ chế thực hiện “lọc ảo” trên hệ thống ĐKXT của Bộ GD & ĐT?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Dù thí sinh có khả năng trúng tuyển sớm nhiều ngành, nhiều trường ở các phương thức khác nhau nhưng khi đăng ký theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT và các trường đồng thời xử lý lọc ảo thì mỗi em chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất, sẽ không xảy ra việc thí sinh trúng tuyển chính thức 2, 3 phương thức, hay 2, 3 trường khác nhau. Hiện nay thí sinh đã biết mình đủ điều kiện trúng tuyển bằng xét học bạ, đánh giá năng lực... nhưng nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung thì xem như thí sinh từ chối trúng tuyển. Nếu thí sinh đã được thông báo trúng tuyển 1 nguyện vọng trên Hệ thống thì các nguyện vọng sau đó đều không còn giá trị. Do vậy, các em cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Hệ thống hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau. Để có đủ thông tin xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học để đảm bảo không bị nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng, chọn ngành, tránh sai sót và ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sau này.

PV: Trong bối cảnh từ năm học tới học sinh THPT sẽ học chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng không hiểu việc xét tuyển đại học sẽ điều chỉnh như thế nào để phù hợp. Bà có thể chia sẻ thêm với các thí sinh tương lai về hoạt động tuyển sinh đại học?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 được lựa chọn tổ hợp môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thường khi đã lựa chọn tổ hợp nào thì các em sẽ học tổ hợp đó trong suốt 3 năm THPT theo định hướng nghề nghiệp. Do đó, học sinh có những lo lắng về việc các trường đại học có thể thay đổi tổ hợp xét tuyển là dễ hiểu. Trường đại học được tự chủ tuyển sinh, phương thức xét tuyển sẽ phải phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo mà trường cung cấp. Tuy nhiên, trường đại học nào cũng cần có người học, cần có thí sinh và các trường chắc chắn không muốn gây ra thay đổi đột ngột ảnh hưởng tới thí sinh, bởi như thế là ảnh hưởng đến chính đầu vào của trường mình. Trên thực tế, các trường đại học luôn cố gắng công bố đề án tuyển sinh sớm để thí sinh định hướng ôn tập.

Kỳ tuyển sinh năm 2022, Quy chế của Bộ GD&ĐT đã quy định: Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý; không làm tỉ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm. Điều này giúp quá trình học tập, ôn luyện của thí sinh giữ ổn định, không bị xáo trộn. Quy chế cũng quy định rõ về việc minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình. Theo đó, cơ sở đào tạo có trách nhiệm công bố thông tin tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng và kịp thời qua các phương tiện truyền thông phù hợp để xã hội và cơ quan quản lý nhà nước cùng giám sát; đồng thời, có trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước và giải trình với xã hội qua hình thức phù hợp về những vấn đề lớn, gây bức xúc cho người dân.

Quy chế có thể có những điều chỉnh cho phù hợp ở những năm tiếp theo; tuy nhiên, tinh thần chung là Bộ GD&ĐT đưa ra các quy định chung để các cơ sở đào tạo phải tuân thủ để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, đảm bảo công tác quản lý nhà nước của ngành, đứng trên lợi ích tổng thể của hệ thống và đặc biệt là của các thí sinh.

PV: Hiện thí sinh vẫn đổ vào các ngành kinh tế, công nghệ thông tin.., trong khi nhiều ngành khoa học cơ bản thì rơi vào tình trạng thiếu người học trầm trọng. Thêm nữa, có thí sinh chọn ngành rất “mơ hồ”, thậm chí theo tâm lý “đám đông”. Vậy theo bà, để khắc phục những bất cập này, cần ưu tiên những giải pháp gì?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Việc này phụ thuộc vào rất nhiều bên liên quan cùng phải tham gia vào quá trình định hướng, hỗ trợ cho người học, đồng thời cũng là trách nhiệm đối với sự phát triển chung của hệ thống, của cộng đồng. Trước hết, việc cung cấp thông tin và dự báo về sự phát triển các ngành nghề, nhu cầu nguồn nhân lực của các bộ, ngành là rất quan trọng, góp phần định hướng chủ đạo. Tiếp đó là vai trò tư vấn của nhà trường, các thầy cô giáo, của phụ huynh, các cố vấn, những người đã đi trước trong lĩnh vực ngành nghề. Việc định hướng và lựa chọn ngành nghề đào tạo cần bám sát vào năng lực, sở trường, thiên hướng, phẩm chất của người học, do vậy đội ngũ tư vấn cần thực sự có đủ kiến thức, thông tin và kỹ năng. Thị trường lao động với những sức ép, yêu cầu mới cũng sẽ có tác động hữu hiệu đến việc lựa chọn ngành theo học của các thí sinh. Tôi cho rằng tâm lý đám đông đang giảm dần trong các kỳ tuyển sinh, vì trong thời kỳ thông tin ngày càng đa chiều, lựa chọn của người học nói chung sẽ có các điều chỉnh theo hướng tích cực, chủ động và có tầm nhìn dài hạn.

Thu Phương (thực hiện)
https://cand.com.vn/giao-duc/dang-ky-xet-tuyen-theo-tam-ly-dam-dong-dang-giam-dan-i662311/

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang