Đại học liên tục cập nhật điểm chuẩn dự kiến
18/08/2015
Nhiều trường ĐH liên tục cập nhật điểm chuẩn dự kiến khi lượng hồ sơ biến động trong những ngày cuối.
Ngày 17/8, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM thay đổi điểm trúng tuyển dự kiến đã công bố trước đó. Một số ngành có điểm chuẩn dự kiến công bố đợt sau tăng so với đợt trước từ 1,5 đến 2 điểm. Cụ thể, ngành điều khiển tàu biển tăng từ 22 lên 22,5; kỹ thuật điện tử, kỹ thuật điện tử truyền thông, kỹ thuật điều khiển tự động hoá tăng 25,5 lên 26,25; kỹ thuật tàu thuỷ 20 lên 22; kỹ thuật cơ khí từ 27 lên 27,5; kỹ thuật công trình xây dựng 25,5 lên 26,25; kỹ thuật xây dựng công trình giao thông 24,5 lên 25,25; công nghệ thông tin 25 lên 25,75 (tất cả các ngành này môn toán nhân hệ số 2); kinh tế vận tải 19,5 lên 19,75; kinh tế xây dựng 19 lên 19,25…
Điểm chuẩn dự kiến Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng thay đổi trong đó một số ngành tăng như nhóm ngành kinh tế - kinh doanh- quản lý là 21,06 tăng 0,37 điểm; ngôn ngữ Anh: 21,56 tăng 0,43 điểm; luật kinh tế: 21,19 tăng 0,38 điểm; liên thông đại học 18,5 điểm tăng 0,25 điểm.
Tới thời điểm này, điểm chuẩn dự kiến của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng tăng, trong đó ngành y đa khoa từ 23,75 lên 24; răng hàm mặt từ 23,75 lên 24,25; y tế cộng đồng 22,5 lên 22,75; điều dưỡng 21,25 lên 21,5; xét nghiệm y học 23,25 lên 23,5; kỹ thuật hình ảnh y học 23 lên 23,25; khúc xạ nhãn khoa 22,75 lên 23.
Trong khi đó, điểm chuẩn tạm thời của Trường ĐH Luật TP.HCM vừa công bố cụ thể như quản trị luật A:23, A1:22, D1:22; Luật A:23, A1:21, C:25, D1:21; quản trị kinh doanh A:22, A1:20,1, D1:20,2; ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý D1:20.
Trong khi đó, điểm chuẩn dự kiến vào Trường ĐH Y dược TP.HCM được công bố cụ thể như sau: ngành bác sĩ đa khoa 27,75; bác sĩ răng hàm mặt 27,25; dược sĩ đại học 26,25; cử nhân xét nghiệm y học 24,75; bác sĩ y học cổ truyền 24,5; bác sĩ y học dự phòng 23,75; cử nhân xét nghiệm hình ảnh y học 23,5; cử nhân điều dưỡng đa khoa 23; cử nhân phục hồi chức năng 23; cử nhân điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức 23; dược sĩ cao đẳng 22,75; cử nhân điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh 22,75; cử nhân kỹ thuật phục hình răng 22,25; cử nhân y tế công cộng 22,25.
Trả hàng nghìn hồ sơ
Hai trường nhận được lượng hồ sơ khủng nhất tại khu vực TP.HCM là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết tính đến ngày 16/8, nhà trường đã nhận được khoảng 9.000 hồ sơ và đã giải quyết cho thí sinh rút hơn 2.500 hồ sơ, hiện tại còn 6.305 hồ sơ. Với chỉ tiêu tuyển sinh 3.300 trong đó các ngành sư phạm 1.840, ngoài sư phạm 1.460 chắc chắn gần 3.000 thí sinh sẽ phải rút hồ sơ.
Tương tự, chỉ tính đến hết ngày 15/8 Trường ĐH Sài Gòn nhận tới 12.182 hồ sơ trong đó có 4.730 thí sinh rút hồ sơ. Với chỉ tiêu 4.000 trường phải căng mình trả lại hồ sơ cho thí sinh.
Lãnh đạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết, trong ngày 17/8 có gần 600 thí sinh không đạt ngưỡng điểm xét tuyển đã rút hồ sơ. Ngoài ra trường cũng nhận thêm 500 hồ sơ từ thí sinh đến nộp.
Trong khi đó, theo thống kê của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đến ngày 17/8 đã có 3.906 thí sinh nộp hồ sơ, trong khi chỉ có 2.400 chỉ tiêu hệ đại học. Vì vậy tới thời điểm hiện tại chắc chắn hơn 1.500 thí sinh phải rút hồ sơ để tìm cơ hội ở trường khác.
Ngoài ra một số trường khác cũng phải căng mình trả hồ cho thí sinh như ĐH Công nghiệp, ĐH Mở, ĐH Công nghiệp thực phẩm, ĐH kinh tế TP.HCM.
(vietnamnet.vn)