Đại học Quốc gia Hà Nội: Thi năng lực cho sinh viên trúng tuyển
11/09/2014
Trong 2 ngày 10 và 11/9, tại Hà Nội, trên 1.200 thí sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội dự thi vào các hệ đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế theo phương thức thi đánh giá năng lực.
Đây là năm đầu tiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thí điểm áp dụng bài thi đánh giá năng lực chung để tuyển chọn các em vào hệ chất lượng cao, tài năng, các chương trình tiên tiến, chuẩn quốc tế sau khi đã trúng tuyển kỳ thi 3 chung vào các ngành của trường. Dự kiến, phương thức thi này sẽ được Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng để tuyển sinh đại trà vào năm 2015.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã huy động 110 cán bộ tham gia coi thi và phục vụ đợt thi, chuẩn bị 459 máy tính tại 14 phòng thi để các thí sinh làm bài, chia làm 4 ca thi.
Bài thi đánh giá năng lực chung được xây dựng theo mô hình đề thi trắc nghiệm bao gồm phần bắt buộc và phần tự chọn với tổng số 140 câu hỏi, thời gian làm bài là 195 phút, các thí sinh làm bài thi trên máy tính. Tổng điểm tối đa là 140 điểm.
Bài thi là sự tích hợp các nội dung kiểm tra đánh giá trên cơ sở khoa học về đánh giá năng lực, tập trung đánh giá các năng lực cốt lõi như năng lực nhận thức, năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo, năng lực thẩm mỹ và khả năng tư duy. Bài thi bao gồm 20% số câu ở cấp độ dễ, 60% số câu cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó.
Đề thi gồm 3 phần riêng biệt làm trong thời gian hạn định. Thí sinh làm lần lượt từng phần như sau: phần 1 là kiến thức toán (tư duy định lượng), gồm 50 câu hỏi, thực hiện trong 80 phút. Phần 2 là kiến thức ngữ văn (tư duy định tính), gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài là 60 phút. Phần 3 gồm hai nội dung: kiến thức khoa học tự nhiên và kiến thức khoa học xã hội.
Thí sinh lựa chọn một trong hai nội dung, sau thời gian 2 phút nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung tư duy định lượng. Mỗi nội dung gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thời gian làm bài là 55 phút.
Việc thi và chấm thi được thực hiện trên máy tính trong các phòng thi chuyên dụng. Đề thi cho từng cá nhân sẽ được xáo trộn ngẫu nhiên về câu hỏi, phương án để các thí sinh không thể “nhìn bài nhau” và cũng không thể sử dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài. Việc thi và chấm thi trực tiếp trên máy tính sẽ hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực so với việc giám khảo trực tiếp chấm bài thi, đảm bảo nhanh chóng, chính xác.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị cho kế hoạch tuyển sinh đánh giá năng lực này từ năm 2004. Đề án thí điểm đổi mới tuyển sinh đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội hướng tới mục tiêu đổi mới phương thức và nội dung tuyển sinh để tuyển chọn được ứng viên có đầy đủ năng lực, phẩm chất cần thiết và phù hợp để học tập tốt ở bậc đại học.
Cách làm này nhằm thúc đẩy sự đổi mới về chương trình, việc dạy và học ở bậc phổ thông theo hướng từ “trang bị kiến thức” sang “phát triển năng lực,” đồng thời, giúp giảm áp lực xã hội trong các kỳ tuyển sinh đại học. Đây cũng là cách làm phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng đổi mới của giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
Dự kiến, năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực trước khi diễn ra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia./.
Việt Hà (vietnamplus.vn)