Bộ GD-ĐT trả lời các câu hỏi về một kỳ thi chung
10/09/2014
Tại buổi họp báo chiều ngày 9.9, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã trả lời các câu hỏi liên quan đến kỳ thi quốc gia chung được bắt đầu triển khai từ năm 2015.
Theo quy định, các học sinh trung học phổ thông có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được miễn thi tốt nghiệp còn thi đại học có được miễn hay không? Chứng chỉ nào sẽ được xét miễn thi? Trên thực tế, việc mua chứng chỉ ngoại ngữ khá dễ dàng chỉ mất 200-300 ngàn đồng, Bộ GD-ĐT sẽ có quy định thế nào để chặt chẽ trong việc xét duyệt?
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Theo quy định, chỉ có một vài chứng chỉ mới được xét miễn thi chứ không phải tất cả. Chứng chỉ quốc tế chắc chắn là được còn các chứng chỉ khác phải cân nhắc.
Trước mắt, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ chỉ được xét miễn thi tốt nghiệp. Sau đó, Bộ sẽ lên phương án thành lập các Trung tâm ngoại ngữ quốc gia để đánh giá chất lượng ngoại ngữ của thí sính thay cho việc thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp.
Vậy Bộ GD-ĐT có lộ trình công bố chứng chỉ như thế nào, tiêu chí ra sao?
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Tất nhiên Bộ sẽ có giải pháp kỹ thuật để kiểm tra chứng chỉ. Trong thời gian tới Bộ sẽ cụ thể hóa bằng văn bản, đây là việc bắt buộc phải làm. Các học sinh cứ yên tâm có năng lực thực sự thì sẽ có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Nếu tổ chức thi quốc gia theo cụm có xảy ra tình trạng quá tải không; cơ sở vật chất có đảm bảo chất lượng thi? Theo dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức các ngày trong tuần có gây ách tắc giao thông không, có nên bố trí cuối tuần giảm lưu lượng thí sinh dự thi ở các tỉnh thành phố?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Về vấn đề này, Bộ sẽ nghiên cứu, tính toán cụ thể để không xảy ra tình trạng quá tải, bố trí cụm thi theo khoảng cách địa lý với số lượng trung bình 30000-40000 thí sinh/ cụm thi.
Thế việc tổ chức thi cụm, việc hình thành cụm như thế nào trên nguyên tắc như thế nào, việc khoanh vùng các cụm thi ra sao?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Chuyện quá tải sẽ được giải quyết trên cơ sở tính toán nghiên cứu sơ bộ số lượng thí sinh dự thi từng vùng từng miền khác nhau để có sức chứa 30.000-40.000 thí sinh/cụm… Đồng thời sẽ tính đến phương án tổ chức nhiều cụm thi hơn.
Nội dung đề thi trong kỳ thi quốc gia 2015 sẽ có thay đổi ra sao?
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Về cơ bản, cấu trúc đề thi phục vụ kỳ thi quốc gia 2015 sẽ giống kỳ thi đại học năm 2014.
Thời gian làm bài thi giống thi đại học, môn thi tự luận làm bài trong thời gian 180 phút, môn thi trắc nghiệm làm bài trong thời gian 90 phút. Để đảm bảo ổn định, nội dụng thi vẫn nằm chủ yếu trong chương trình sách giáo khoa lớp 12 để thí sinh không gặp khó về kiến thức.
Công tác tổ chức thi có gì thuận lợi cho thí sinh?
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Việc thiết kế kỳ thi THPT quốc gia giữ lại tinh túy tốt nhất "kỳ thi 3 chung", xét năng lực đội ngũ, cơ sở vật chất, năng lực tổ chức thi… và tính toán mang đến thuận lợi cho học sinh, mang bài toán tối ưu để mở rộng cụm thi vừa đủ để vừa sức tải của cụm thi.
Trong quá trình hoàn thiện phương án, chúng tôi đã thăm hỏi ý kiến trên nhiều đối tượng như giám đốc một số Sở GD-ĐT và hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng, các trường đại học cao đẳng, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trong cả nước.
Nếu các em học sinh trượt tốt nghiệp trung học phổ thông năm trước thì phải đăng kí kỳ thi THPT để xét duyệt. Việc cho thi tối đa 8 môn để phát huy hết năng lực và tăng khả năng đậu các trường đại học, cao đẳng…
Mục đích việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là cơ sở dữ liệu tin cậy để nhiều trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả không phải tổ chức thi bổ sung.
Việc xét tốt nghiệp THPT năm 2015 có gì khác so với năm 2014?
Ông Trần Văn Kiên, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Bộ sẽ duy trì quy định xét tuyển THPT như năm 2014. Theo đó, việc xét tốt nghiệp THPT sẽ căn cứ vào điểm thi các môn thi tối thiểu (4 môn thi) và điểm đánh giá quá trình học tập của học sinh ở lớp 12.
Các thí sinh năm trước không thi đỗ đại học, cao đẳng trong kỳ thi THPT quốc gia năm sau sẽ thi như thế nào trong khi chỉ có nguyện vọng và đại học?
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Với những trường hợp này, thí sinh chỉ cần chọn các môn để thi tuyển sinh mà không phải thi tối thiểu bốn môn như học sinh cần xét tốt nghiệp THPT.
Bộ GD-ĐT có khống chế các trường thi bổ sung?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Mục đích việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là cơ sở dữ liệu tin cậy để nhiều trường sử dụng kết quả không phải tổ chức thi bổ sung. Các trường có thể thi bổ sung để chọn thí sinh phù hợp với ngành nghề của họ. Sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia như thế nào là lựa chọn của từng trường…
Điểm mới nhất của kỳ thi TPHT quốc gia tổ chức vào năm 2015 là như thế nào. Việc đổi mới có ảnh hưởng đến quy chế xét duyệt thí sinh vào các trường đại học cao đẳng như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Điều mới của kỳ thi này là thí sinh không còn phải đăng ký trường trước rồi mới thi như lâu nay vẫn làm, mà thí sinh thi xong, sẽ căn cứ vào kết quả cụ thể của mình để đăng ký trường đại học, cao đẳng cho phù hợp.
Về điều kiện đăng ký xét duyệt vào các trường đại học, cao đẳng thì các trường sẽ thông báo, tránh tình trạng đăng ký ào ạt như mọi năm, thí sinh căn cứ vào số điểm và năng lực để đăng ký. Dự kiến, Bộ sẽ chỉnh sửa phần mềm tuyển sinh cho phù hợp tạo thuận lợi cho học sinh nhà trường trong việc xét điểm. Hơn nữa, tất cả điểm thi sẽ được thông báo công khai được lên mạng, kèm số thống kế nhất định để các trường dựa vào đó tuyển sinh.
Nguyễn Tuấn - Tuệ Nguyễn (ghi)
Nguồn: thanhnien.com.vn