Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Có bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển?

02/01/2015

Hiện có sự khác biệt giữa cách hiểu theo dự thảo quy chế thi với cách giải thích của lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH về nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ

Tên gọi kết quả điểm thi của thí sinh (TS) trong kỳ thi THPT quốc gia hiện không được sử dụng thống nhất ngay trong chính các dự thảo quy chế: lúc là phiếu báo điểm thi (điều 29 dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia), lúc thì phiếu báo kết quả thi (điều 55 dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia), khi là giấy chứng nhận kết quả thi (điều 14 dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy).

Xét tuyển đồng loạt theo từng đợt?

Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia chỉ cho biết hội đồng thi của cụm thi in phiếu báo điểm thi nhưng không cho biết in bao nhiêu phiếu. Tuy nhiên, điều 14 dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy có ghi rõ: Mỗi TS đã đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. TS dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt; mỗi đợt xét tuyển, TS chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.

Điều 14 của dự thảo quy chế này chỉ quy định thời gian kéo dài và thời gian kết thúc toàn bộ các đợt xét tuyển: Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày; điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước; thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31-10 hằng năm đối với trường ĐH và 15-11 hằng năm đối với trường CĐ.

Như vậy, quy định này hoàn toàn giống năm 2014, không yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải bắt đầu đồng loạt ngày xét tuyển của từng đợt. Tuy nhiên, trong cách giải thích trên các phương tiện thông tin đại chúng, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH (gọi tắt là Cục Khảo thí) - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tất cả trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đều phải tiến hành xét tuyển theo từng đợt chung trong thời gian do bộ ấn định. Nếu giải thích theo cách như vậy, có thể hình dung việc xét tuyển của các trường ĐH, CĐ năm 2015 sẽ diễn ra như sau:

Trong đợt 1, từ 1 ngày (thời điểm) được quy định thống nhất chung trên cả nước, TS sẽ dùng phiếu báo điểm thi số 1 (có đóng dấu đỏ, không được dùng bản photocopy) cùng với giấy chứng nhận tạm thời tốt nghiệp THPT và phiếu đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển vào 4 ngành của cùng một trường ứng với kết quả các tổ hợp môn thi mà TS có được. TS không được dùng các phiếu báo điểm còn lại (3 phiếu) để gửi đến các trường khác trong đợt này.

Trường ĐH, CĐ sẽ xét tuyển TS theo thứ tự điểm thi từ cao xuống thấp và theo thứ tự các ngành mà TS đã đăng ký xét tuyển. Nếu TS trúng tuyển 1 trong 4 ngành đã đăng ký xét tuyển, trường ĐH, CĐ sẽ cấp giấy báo trúng tuyển. Mặc nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có các giải pháp kỹ thuật để “vô hiệu hóa” các phiếu báo điểm còn lại để TS không thể dùng các phiếu này đăng ký xét tuyển vào các trường khác trong những đợt xét tuyển tiếp theo.

Tóm lại, về bản chất, quy định này hoàn toàn giống kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung” trước đây. Đó là TS đăng ký dự thi và dự thi vào trường ĐH, CĐ nào, nếu đã trúng tuyển thì chỉ được cấp giấy báo trúng tuyển. Chỉ khi nào TS thi rớt và có điểm thi từ mức điểm sàn trở lên mới được cấp các phiếu báo điểm để đăng ký xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung vào các trường còn thiếu chỉ tiêu.

Mỗi TS chỉ có 1 NV trong mỗi đợt xét tuyển

Thuận lợi lớn nhất khi quy định thống nhất thời gian xét tuyển của tất cả trường ĐH, CĐ là tránh được tình trạng ảo, thậm chí giảm rất mạnh tình trạng trúng tuyển ảo so với những năm trước đây. Vì với kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung”, mỗi TS có thể tham gia 2 đợt thi ĐH, 1 đợt thi CĐ; còn nay chỉ được dự một kỳ thi.

Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm bất lợi cho TS. Ví dụ, trước đây, một TS giỏi chỉ cần ôn tập 4 môn (toán, lý, hóa, sinh) là có thể dự thi đợt 1 với một trường ĐH có uy tín (X) ở khối A (toán, lý, hóa) và đợt 2 với một trường ĐH uy tín khác (Y) ở khối B (toán, sinh, hóa). Tất nhiên, TS này phải dự thi 2 lần, tổng cộng 6 lượt môn thi nhưng sẽ được 2 NV chính thức. Nay, trong kỳ thi THPT quốc gia, TS này cũng thi 6 môn (3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ và 3 môn tự chọn lý, hóa, sinh) nhưng trên thực tế chỉ còn 1 NV chính thức. Khi TS gửi NV vào trường X để xét tuyển theo khối A, nếu không trúng tuyển thì cơ hội quay lại xét tuyển vào trường Y trong đợt 2 cũng sẽ không còn, vì chắc rằng trường Y đã dành hết chỉ tiêu xét tuyển trong đợt 1.

Như vậy, tình huống TS có điểm cao cuối cùng vẫn không trúng tuyển vào trường ĐH nào là hoàn toàn có thể xảy ra nếu TS chọn ngành, chọn trường để xét tuyển - đặc biệt là xét tuyển NV1 - không phù hợp. Hơn thế nữa, với quy định ràng buộc “điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước”, nhiều trường có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu nếu chỉ dựa vào nguồn tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia mà không xét tuyển thêm từ học bạ bậc THPT. 

Nguyễn Hoàng
Nguồn: nld.com.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang