Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

“Bùng nổ” sinh viên hệ tại chức

Dư luận gần đây "nóng" lên với việc một số tỉnh không tuyển công chức học dân lập, tại chức. Bức xúc càng lớn khi số lượng sinh viên được đào tạo ở các hệ này là con số khổng lồ.

 

Địa phương nói “không” cũng đào tạo nhiều

 

Đà Nẵng là thành phố nổ "phát súng" đầu tiên nói “không” với thí sinh tốt nghiệp hệ tại chức, song chính ở địa phương này, hình thức đào tạo này vẫn rất nhiều. Đơn cử là hàng loạt địa chỉ đang đào tạo hệ tại chức, như Viện ĐH mở Hà Nội chi nhánh Đà Nẵng; Trường ĐH Đông Á liên kết với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Huế; Trường ĐH Duy Tân; Trường ĐH Kiến trúc...

 

Thậm chí, các Trường ĐH Bách khoa, Ngoại ngữ, Kinh tế Đà Nẵng... cũng liên kết với các trường mở thêm các ngành học tại chức với số lượng học viên lên tới hàng vạn.

 

Thạc sĩ Nguyễn Cao Chương - Giám đốc Viện ĐH Mở Hà Nội tại Đà Nẵng cho hay, từ khi TP.Đà Nẵng nói "không" với sinh viên tại chức, khi lên lớp tại chức, nhiều giảng viên cũng tỏ ra chán nản.

 

Tại Huế, theo PGS-TS Nguyễn Hoàng - Trưởng ban Đào tạo ĐH Huế, hiện mỗi năm ĐH này tuyển 4.500 sinh viên hệ tại chức. Con số này bằng khoảng 60-70% so với số sinh viên chính quy tuyển vào hàng năm.

 

Ông Cái Vĩnh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Về mặt pháp lý, bằng tại chức và bằng chính quy có giá trị ngang nhau. Tuy nhiên, trên thực tế chất lượng đào tạo hệ tại chức đang có vấn đề nên người sử dụng lao động mới e ngại.

 

Theo ông Tuấn, từ trước đến nay, Thừa Thiên- Huế chưa bao giờ tuyên bố không tuyển người tốt nghiệp ĐH các hệ ngoài chính quy. Nhưng thực tế tuyển dụng công chức tại các huyện cho thấy, người tốt nghiệp ĐH hệ tại chức được sử dụng rất ít. Năm 2010, qua tổng hợp, số người tốt nghiệp ĐH tại chức trúng tuyển công chức chỉ chiếm khoảng 10% tổng số lao động trúng tuyển.

 

Nguyên nhân của tình trạng này là do giữa người tốt nghiệp ĐH tại chức và chính quy có sự chênh lệch lớn về trình độ, số người học tại chức có trình độ giỏi rất hiếm hoi.

 

Tuyển học sinh phổ thông là phổ biến

 

Tìm hiểu tại Sở GDĐT Khánh Hòa được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều cơ sở, trường học liên kết đào tạo hệ ĐH vừa học vừa làm (tại chức). Đáng chú ý, các cơ sở liên kết này tuyển học viên là học sinh phổ thông là phổ biến. Đó là chưa tính đến hoạt động đào tạo của khoa ĐH tại chức thuộc Trường ĐH Nha Trang và các trường dân lập.

 

Trường ĐH Nha Trang hiện đào tạo hơn 12.000 sinh viên hệ tại chức, tại 20 điểm liên kết trên toàn quốc. Một lãnh đạo khoa Tại chức, ĐH Nha Trang cho biết: Những năm trước, khoa có tuyển học sinh phổ thông học hệ ĐH 4 năm. Nhưng kể từ năm học 2011, khoa không có kế hoạch tuyển học sinh phổ thông nữa vì số lượng đăng ký học ít, chủ yếu là đào tạo hệ liên thông.

 

Thực tế, học sinh vừa tốt nghiệp THPT thi vào hệ tại chức còn rất phổ biến ở Thừa Thiên- Huế. Điều này nghe có vẻ "trái khoáy" với cách hiểu của hệ tại chức là hệ "vừa học, vừa làm". Nguyễn Văn H - học viên tại chức của ĐH Huế cho hay, vì thi hệ chính quy không đỗ nên chuyển sang học tại chức.

 

Ông Cái Vĩnh Tuấn cho rằng, việc tuyển học sinh tốt nghiệp THPT vào học đại học tại chức không vi phạm quy chế. Vấn đề cần giải quyết hiện nay là chấn chỉnh công tác đào tạo hệ tại chức để không còn tình trạng sinh viên tại chức non kém về trình độ.

 

Theo số liệu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố tháng 4.2010, cả nước đã có gần 1 triệu sinh viên hệ tại chức, trong khi tổng số sinh viên khoảng 2 triệu. Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, quy mô tại chức gần bằng 50% so với quy mô đào tạo chung là không thể chấp nhận được. Chưa kể, nếu chỉ 50% trong số này thuộc diện vừa học, vừa làm thì có nghĩa số công chức bỏ việc đi học hàng tháng là rất lớn. (L.P)

 

Vân Anh - An Sơn - Mai Khuê

27/10/2011 – danviet.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang