Về đâu trường nghề ?
Trường Trung cấp nghề (TCN) Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương vừa khai giảng hệ trung cấp niên khóa 2011-2013. Năm nay, trường chỉ tuyển được 269 học viên. Để thu hút học viên, thời gian qua, trường đã tiến hành nhiều hình thức chiêu sinh trên các phương tiện truyền thông cũng như đến tận các trường để tư vấn. Tuy nhiên, kết quả cũng chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu.
Khó đạt chỉ tiêu
Ở nhiều trường nghề, tình trạng eo sèo trong tuyển sinh đang diễn ra. Tại Trường TCN Du lịch Khôi Việt - TPHCM, mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 600 học viên nhưng từ năm 2009, số học viên tuyển được chỉ hơn 300 học viên/năm. Riêng năm 2010, số học viên đăng ký học nghề chỉ còn khoảng 250 học viên. Ông Hà Kim Vọng, hiệu trưởng nhà trường, trăn trở: “Năm nay, không biết chúng tôi có tuyển được số lượng như năm trước hay không vì hiện các trường nghề rất nhiều, trong khi số học sinh không tăng nên các trường phải cạnh tranh nhau”.
Còn tại Trường TCN Nhân Đạo, để tuyển đủ 610 chỉ tiêu cho hệ TCN, từ đầu năm, trường cũng đã tuyển sinh đợt 1. Riêng đợt tuyển sinh chính thức diễn ra vào tháng 10 này, trường đã thực hiện nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh dành cho học sinh ở các trường. Ông Nguyễn Phan Hòa, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện nhiều hình thức như vận động, tư vấn hướng nghiệp nhưng năm nay, e sẽ khó đạt chỉ tiêu đưa ra”.
Ở những trường nghề mới thành lập, tình trạng tuyển sinh còn khó khăn hơn. Trường TCN Ngọc Phước, quận 12 - TPHCM được thành lập từ cuối năm 2009 nhưng đến hết năm 2010, trường chỉ tuyển được 32 học viên dù đã tiến hành nhiều hình thức chiêu sinh, tiếp thị. Theo ông Ngô Minh Tuấn, phó hiệu trưởng nhà trường, năm nay, để thu hút học viên, trường đã xây thêm ký túc xá, thư viện, khu vui chơi giải trí… với hy vọng tăng số lượng tuyển sinh trong thời gian tới.
Thiếu đầu tư
Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH), tính đến cuối năm 2010, cả nước có 1.233 cơ sở dạy nghề, bao gồm 123 trường cao đẳng nghề (CĐN), 300 trường TCN và 810 trung tâm dạy nghề, tuyển được trên 1,745 triệu người. Dễ dàng nhận thấy thời gian gần đây, hàng loạt trường CĐN, TCN ra đời nhằm giúp người lao động tiếp cận nghề một cách tốt nhất, nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo.
Tuy nhiên, sự nở rộ các trường nghề đã khiến cho công tác tuyển sinh càng khó khăn. Ông Lê Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường CĐN số 3 Bộ Quốc phòng, cho biết tại địa bàn nơi trường hoạt động có đến 5 trường CĐN và 2 cơ sở giáo dục dạy nghề khác có tham gia dạy nghề nên xảy ra sự cạnh tranh, chia sẻ nguồn tuyển sinh.
Một nguyên nhân nữa khiến việc tuyển sinh nghề gặp khó khăn là hiện nay, ngoài các trường nghề trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH quản lý có tuyển sinh học nghề thì các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ GD-ĐT cũng tham gia tuyển sinh hệ CĐN, TCN. Điều đó càng khiến cho các trường của Bộ LĐ-TB-XH vốn đã khó khăn trong công tác tuyển sinh lại càng khó cạnh tranh với những trường có “mác” cao đẳng, đại học thuộc Bộ GD-ĐT. Bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐN Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, cho rằng có quá nhiều trường đại học, cao đẳng mọc ra và họ có tham gia đào tạo nghề nên việc tuyển học viên không phải là chuyện dễ đối với các trường nghề trong thời điểm hiện nay.
Sự trùng lắp giữa các ngành nghề đào tạo, chưa tạo nên thế mạnh riêng cũng là lý do khiến các trường khó thu hút học viên. Qua phân tích số liệu tuyển sinh cho thấy những nghề như kế toán doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản trị máy tính… luôn dẫn đầu chỉ tiêu tuyển sinh. Trong khi đó, những ngành nghề vốn khan hiếm lao động trên thị trường như cơ khí, cơ điện tử, điện công nghiệp… lại có chỉ tiêu tuyển sinh rất thấp. Một hiệu trưởng trường nghề tại TPHCM trăn trở: Lý do khiến các trường chỉ chú trọng đến những ngành nghề thuộc khối dịch vụ vì chi phí đầu tư trang thiết bị ít nhưng dễ thu lợi nhuận. Trong khi những ngành nghề thuộc khối kỹ thuật có vốn đầu tư cao, khó thu hồi vốn nên không mấy trường chịu bỏ chi phí đầu tư.
Giáo viên yếu và thiếu
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa, nhận định: “Đội ngũ giáo viên dạy nghề chưa bảo đảm cơ cấu, giáo viên lý thuyết và thực hành chưa đủ, thiếu kinh nghiệm thực tế, yếu ngoại ngữ và khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Riêng đối với trung tâm dạy nghề cấp huyện, đội ngũ giáo viên thiếu cả về số lượng và chất lượng nên không bảo đảm phục vụ công tác dạy nghề cho lao động trên địa bàn.
|
Huỳnh Nga
26/10/2011 – nld.com.vn