Bỏ điểm sàn cao đẳng để cạnh tranh công bằng
04/05/2016
Sau khi Bộ GD&ĐT quyết định xóa bỏ điểm sàn cao đẳng (CĐ) năm 2016, dư luận cho rằng đây là giải pháp "cứu" các trường khó tuyển sinh. Song nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định: Một cuộc cạnh tranh sòng phẳng sẽ bắt đầu.
Khi Bộ GD&ĐT mở rộng cơ chế, các trường CĐ càng khó khi xét tuyển từ nguồn thí sinh (TS) đỗ tốt nghiệp và xét học bạ THPT. Theo ông Phan Minh Quảng – Tổng Thư ký Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế kỹ thuật Việt Nam: “Mở nhưng không thay đổi được cái khó trong việc tuyển sinh của các trường CĐ. Vì thế, khối các trường CĐ chuyên nghiệp phải đi theo con đường khác. Tức là ngoài tuyển sinh CĐ chính quy, phải chiêu sinh các em tốt nghiệp cấp 2, vì Nhà nước đang miễn học phí cho đối tượng học sinh”. Còn để cải thiện chất lượng đầu ra khi đầu vào không có điểm sàn, ông Quảng cho rằng, cần đổi hướng đào tạo chứ không thể làm theo cách cũ.
Còn theo phân tích của ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội, không có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào như hệ đại học, các trường CĐ không có thương hiệu, khả năng cạnh tranh thấp sẽ có nguy cơ khó tuyển sinh. Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của trường có quyền đưa ra phương án thu hút học sinh. Nhưng việc này có tác động xấu nếu truyền thông hiệu quả thấp; TS thiếu thông tin, lại không có khả năng nhận biết, tiếp nhận, phân tích năng lực bản thân. Như vậy, TS khó đánh giá đâu là trường tốt để đăng ký tham gia học, sau khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm. “Nhưng tôi cho rằng, quy định của Bộ GD&ĐT là cách cạnh tranh sòng phẳng, sẽ có tác động một thời gian. Hiện tượng TS không biết thông tin làm ảnh hưởng đến quá trình chọn trường, chọn nghề, ra trường bị thất nghiệp cao. Nhưng sau một thời gian, chính các em và phụ huynh sẽ nhận ra phải chọn ngành phù hợp với năng lực bản thân, văn hóa của gia đình và nhu cầu nhân lực xã hội” - ông Ngọc chia sẻ.
Bỏ điểm sàn không có nghĩa lợi thế thuộc về các trường CĐ công nếu vẫn hoạt động theo cơ chế ngồi chờ TS đến; hoặc không dám đưa trường vào thị trường cạnh tranh, đẩy mạnh tiếp thị ra xã hội. Cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo, xây dựng hình ảnh của trường theo cách chuyên nghiệp như cơ sở đào tạo nước ngoài. Ông Ngọc khẳng dịnh, về nội dung này chắc chắn các trường công sẽ không thể nhanh bằng khối tư thục. Đó là chưa kể các trường ngoài công lập còn chọn giải pháp đào tạo những ngành nghề không phải đầu tư nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị, mà chính là chất lượng của giảng viên.
Trần Oanh
(kinhtedothi.vn – 04/05/2016)