Tuyển sinh theo nhóm trường: Phải có thương hiệu mới nên tham gia
21/04/2016
Việc tổ chức tuyển sinh chung của nhóm các trường đại học lần đầu tiên diễn ra trong kỳ tuyển sinh đại học sắp tới khiến cả trường tốp trên lẫn tốp dưới đều lo lắng. Việc thí sinh e ngại với những thay đổi trong tuyển sinh khiến ngay cả ĐH Ngoại thương cũng phải đề phòng.
Xôn xao về tuyển sinh nhóm
Thời gian gần đây, thông tin ĐH Ngoại thương, một trong những trường tốp đầu cả nước sẽ không tuyển sinh riêng cho năm học 2016 - 2017 mà tham gia nhóm trường tuyển sinh chung đã gây xôn xao trong giới sĩ tử. Đây cũng là tâm lý chung của không ít thí sinh khi thấy trong danh sách này còn bao gồm nhiều trường ĐH tốp đầu cả nước. Điều thí sinh lo ngại là nếu đăng ký tuyển sinh vào nhóm này thì có được đăng ký vào các trường ngoài nhóm khác không khi cả nước có tới hơn 400 trường ĐH, CĐ.
PGS. TS Lê Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết, phụ huynh, học sinh cần hiểu rõ việc xét tuyển của nhóm 10 trường gồm ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, Học viện Ngân hàng và ĐH Công nghệ GTVT.
Bà Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh, việc thí sinh đăng ký dự tuyển vào ĐH Ngoại thương theo phương án tuyển sinh này vẫn đảm bảo quyền lợi được đăng ký tối đa 4 ngành trong nhóm trường. Thí sinh có thể lựa chọn các phương án sau: 4 trường, mỗi trường 1 ngành; 3 trường, 2 ngành vào 1 trường, mỗi trường còn lại 1 ngành; 2 trường: mỗi trường 2 ngành; 1 trường trong nhóm 10 trường (2 ngành) và 1 trường ngoài nhóm (2 ngành). Tuy nhiên, thí sinh cần ghi thứ tự ưu tiên trường, ngành trên phiếu đăng ký. Thí sinh trúng tuyển ưu tiên nào thì sẽ không xét trúng tuyển ưu tiên tiếp theo. Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết, quy chế tuyển sinh theo nhóm chỉ áp dụng với ĐH Ngoại thương cơ sở Hà Nội.
“Phân khúc” ngay trong nhóm
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này, số thành viên tham gia nhóm tuyển sinh chung đã tăng lên 11 trường. Thành viên mới nhất là ĐH Thăng Long. Ông Điền cũng cho biết, ngày 22-4 sẽ chốt danh sách các trường đăng ký vào nhóm này và khả năng sẽ có 12 thành viên tham gia.
Có thể thấy, trong nhóm các trường tuyển sinh chung theo đề án của ĐH Bách khoa Hà Nội, có sự xuất hiện của một số trường tốp sau. Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi, ông Nguyễn Quang Kim cho biết, trường này xác định, những thí sinh có điểm thi cao sẽ đăng ký vào trường tốp đầu như Bách khoa, Ngoại thương…
Là trường tốp giữa, ĐH Thủy lợi đã cân nhắc kỹ khi tham gia nhóm vì sẽ tuyển những thí sinh có mức điểm thấp hơn các trường tốp đầu. Tuy nhiên, điểm thuận lợi với trường là không phát sinh thí sinh ảo. Ông Nguyễn Quang Kim cũng cho rằng, nếu không tuyển đủ chỉ tiêu ngay đợt đầu tiên, trường sẽ tiếp tục tuyển bổ sung nhưng chắc khó xảy ra trường hợp này.
Trước thắc mắc liệu các trường tốp trên có “hớt” hết nguồn tuyển của trường tốp dưới, PGS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Trường nào cũng muốn tuyển được thí sinh tốt, nhưng đó là do danh tiếng và dự báo của các trường, do ngành nghề của các trường đào tạo mang lại. Trường nào không tuyển đủ chỉ tiêu, theo tôi, không nên đổ cho các trường tốp trên. Chúng tôi cũng chỉ tuyển đủ chỉ tiêu của mình”.
Mặc dù còn băn khoăn về nguồn tuyển nhưng TS Nguyễn Hoàng Long - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ GTVT cho biết: “Chúng tôi đã xác định tất cả các yếu tố. Thứ nhất, tham gia tuyển sinh theo nhóm có lợi thế là giảm tối đa thí sinh ảo. Thứ hai, đây là cơ hội tốt cho thí sinh đăng ký theo ngành nghề yêu thích. Ví dụ các em yêu thích ngành Cầu đường, nếu không trúng tuyển vào trường ĐH Xây dựng thì sẽ là ĐH GTVT hoặc ĐH Công nghệ GTVT. Như vậy, thí sinh có cơ hội trúng tuyển cao và được vào đúng ngành yêu thích”.
Ông Nguyễn Quang Kim cũng nhận định, những trường chỉ lấy điểm trúng tuyển bằng ngưỡng bảo đảm chất lượng của Bộ GD-ĐT hay muốn xét tuyển bằng học bạ thì không tham gia tuyển sinh nhóm là đúng bởi không được lợi gì. Theo quy định, khi đã tham gia vào nhóm tuyển sinh chung, các thành viên phải thống nhất hình thức xét tuyển chung và không được tuyển sinh riêng theo nhu cầu phát sinh của trường.
Vinh Hương (anninhthudo.vn – 21/04/2016)