Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội: Cân nhắc kỹ nguyện vọng

04/05/2016

Từ nay tới ngày 10-5 là khoảng thời gian để học sinh (HS) lớp 9 trên địa bàn Hà Nội đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2016-2017. 

Toàn thành phố có khoảng 81.500 HS sẽ tham dự kỳ thi do Sở GD-ĐT tổ chức vào ngày 8-6-2016. Đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển là khâu quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến kết quả của kỳ thi, bởi vậy, việc cân nhắc NV sao cho phù hợp với năng lực, điều kiện và sở thích là điều vô cùng cần thiết đối với HS.

Quy định hợp lý?

Thi tuyển kết hợp với xét tuyển là phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016-2017, cũng là phương thức được Hà Nội duy trì từ nhiều năm nay nhằm tuyển chọn HS tốt nghiệp THCS có đủ điều kiện theo học tiếp ở các loại hình trường theo điều kiện và khả năng. Đây là phương thức được đánh giá là có tác động tích cực đến chất lượng giáo dục ở cấp THCS, bởi ngoài điểm thi hai môn ngữ văn và toán, trong thành phần điểm xét tuyển có kết quả học tập, rèn luyện của HS ở 4 năm học cấp THCS.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Mối quan tâm hàng đầu đối với HS, phụ huynh trên địa bàn thành phố ở thời điểm này là chọn lựa NV như thế nào để vừa đáp ứng năng lực học tập, vừa thuận tiện với điều kiện đi lại của HS. Quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội năm nay nêu rõ: "HS đã trúng tuyển vào trường THPT công lập phải học ổn định hết cấp học tại trường THPT đó".

Đã có không ít ý kiến phụ huynh tỏ ý băn khoăn, cho rằng quy định này là quá cứng nhắc; khó có thể bảo đảm rằng, mọi HS, phụ huynh đều cảm thấy hài lòng tuyệt đối với sự lựa chọn "đầu vào" của mình bởi khi đăng ký NV, họ chưa có nhiều thông tin cụ thể về nhà trường. Bà Mai Thị Kim Tình, phụ huynh HS lớp 12 Trường THPT Thạch Bàn thắc mắc: Trong trường hợp bố mẹ chuyển công tác, gia đình chuyển chỗ ở thì con cái phải được tạo điều kiện để theo học tại nơi ở mới, quy định không được thay đổi môi trường học tập liệu có hạn chế quyền lợi của HS?

Giải đáp về vấn đề nói trên, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Đây không phải là quy định cứng nhắc. Với trường hợp đặc biệt phát sinh trong quá trình học tập, HS cần phải chuyển trường thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ ra quyết định. Việc để HS tự do chuyển trường là không công bằng với những HS khác. Trên địa bàn Hà Nội có tới 115 trường THPT công lập, mức điểm "đầu vào" của các trường có biên độ từ hơn 20 điểm đến 55-56 điểm. HS có gần một tháng để cân nhắc, quyết định chọn lựa NV dự tuyển sao cho phù hợp với năng lực học tập và điều kiện đi lại.

Xác định rõ điều kiện dự tuyển 

Từ những quy định trên, rõ ràng, việc xác định điều kiện dự tuyển của từng loại hình trường để lựa chọn NV phù hợp là vô cùng quan trọng đối với mỗi HS. Trong đó, quy định về hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đối với những HS có NV dự tuyển vào trường THPT công lập là yêu cầu bắt buộc. Nếu không có hộ khẩu Hà Nội, các em phải xác định ngay từ khâu khai hồ sơ dự tuyển là chỉ được phép theo học tại các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường trung cấp chuyên nghiệp. 

Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Nếu HS (hoặc bố, mẹ) đã hoàn thành thủ tục nhập hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, có giấy hẹn nhận kết quả của công an quận, huyện, thị xã thì sẽ được chấp thuận đăng ký dự tuyển vào trường THPT công lập, song, khi nhập học, HS phải nộp ngay hộ khẩu, nếu không sẽ bị loại khỏi danh sách trúng tuyển của trường.

Còn nhớ, cách đây vài năm, tại Hà Nội từng có một trường hợp HS học đến lớp 11 vẫn chưa hoàn thành điều kiện về hộ khẩu, khiến em buộc phải chuyển sang học trường THPT ngoài công lập. Để xảy ra sự việc này không chỉ có lỗi của gia đình HS, mà còn có phần trách nhiệm không nhỏ từ phía nhà trường khi tiếp nhận hồ sơ của HS. Bởi vậy, trong mùa tuyển sinh năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các thủ tục khi HS nhập học. Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên: "Chỉ những HS đúng đối tượng và độ tuổi quy định, đủ hồ sơ hợp lệ, đạt điểm chuẩn thì mới được đưa vào danh sách trúng tuyển. Các đơn vị phải kiểm tra kỹ hồ sơ của HS, nếu đầy đủ và hợp lệ thì mới được nhận".

Như trên đã nói, với những HS không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, các em chỉ được đăng ký NV dự tuyển vào các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, HS vẫn phải đăng ký thi tại một trường công lập để lấy kết quả xét tuyển. Khi đã trúng tuyển vào trường ngoài công lập, HS không được chuyển về học tại trường công lập. Năm học 2016-2017, trên địa bàn thành phố có hơn 100 cơ sở tuyển sinh đối tượng HS này, với tổng chỉ tiêu khoảng 28 nghìn HS, bảo đảm đáp ứng mọi NV của HS sau khi tốt nghiệp THCS.

Ngày 20-5-2016, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố số lượng HS đăng ký dự tuyển vào từng trường THPT công lập tại các phòng GD-ĐT và trên Báo Hànộimới. Căn cứ vào dữ liệu này, HS có thể quyết định việc đổi NV dự tuyển. HS muốn thay đổi NV dự tuyển nộp đơn (theo mẫu) tại các phòng GD-ĐT trong hai ngày 21 và 23-5-2016.

Thống Nhất
(hanoimoi.com.vn – 04/05/2016)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang