Tuyển sinh ĐH 2015: “Canh bạc” xét tuyển
07/08/2015
Việc xét tuyển ĐH, CĐ năm nay được ví như là chơi chứng khoán khi ngay từ những ngày đầu tiên đã nhộn nhịp thí sinh nộp - rút hồ sơ
Trường ĐH Bách khoa TP HCM đã công bố số lượng thí sinh (TS) tạm dự kiến gọi nhập học và mức điểm thấp nhất hiện tại của TS ở các ngành đào tạo dựa trên danh sách đăng ký xét tuyển theo ngành tính đến hết ngày 4-8. Thế nhưng, thông tin xét tuyển ngành cập nhập đến hết ngày 5-8 đã có sự thay đổi tăng và giảm ở một số ngành. Nhà trường lưu ý từ nay đến ngày 20-8, TS vẫn có thể nộp hồ sơ vào, rút ra nhưng cần lên mạng theo dõi để xem có cần rút hay không.
Chơi bài ngửa
Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Thay vì TS đăng ký chọn trường rồi mới thi thì năm nay, TS thi xong, biết điểm mới đi xét tuyển ĐH, CĐ. Số TS tham gia xét tuyển và mức điểm thấp nhất của TS cũng được các trường cập nhật hằng ngày nên ngay từ những ngày đầu của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 đã có nhiều TS rút hồ sơ.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng việc xét tuyển năm nay đích thực là chơi bài ngửa bởi TS biết điểm của mình rồi mới đi xét tuyển. Dựa vào điểm thi của mình, TS sẽ lựa chọn để nộp vào trường phù hợp nhưng với những TS có điểm không cao thì có thể phải điều chỉnh. Trong những ngày vừa qua, tại trường đã có 1.500 TS nộp hồ sơ xét tuyển và 9 trường hợp đã rút hồ sơ với nhiều lý do khác nhau.
Tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM, có 20 TS rút hồ sơ trong những ngày vừa qua. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, số TS rút hồ sơ đã là 50 trường hợp. PGS-TS Đỗ văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết với mức điểm 17-18, những TS này cảm thấy không an toàn nên rút để xét tuyển ở trường khác. Theo ông Dũng, năm nay, trường chỉ xét tuyển đối với TS có điểm thi từ 17- 18 trở lên (tùy ngành), nếu xét từ 15 điểm trở lên thì số lượng TS rút hồ sơ vào lúc này chắc còn nhiều hơn.
Trường ĐH Kinh tế TP HCM đã có một số trường hợp TS rút hồ sơ vì lo ngại 19-20 điểm là ở ngưỡng không an toàn. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thái - chuyên viên quản lý đào tạo, công tác sinh viên - cho biết trường cũng trả lại hơn 10 hồ sơ xét tuyển của TS gửi qua đường bưu điện có mức điểm thấp hơn điểm xét tuyển. “Tính đến hết ngày 6-8, trường đã nhận được 3.938 hồ sơ xét tuyển với mức điểm thấp nhất là 18” - thạc sĩ Thái nói.
Sẽ có làn sóng “tháo chạy”
Xét tuyển nguyện vọng 1 vào ĐH, CĐ năm nay được nhiều người ví von là chơi chứng khoán bởi hồ sơ liên tục được nộp vào, rút ra. Theo đại diện của nhiều trường ĐH, thời gian từ ngày 12 đến 17-8 sẽ rất nhộn nhịp.
Ở phía Nam, cơ sở 2 của Trường ĐH Ngoại thương vẫn là nơi hàng đầu về lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng. Chỉ sau 3 ngày xét tuyển, ngành kinh tế (đối ngoại) tuyển 600 chỉ tiêu mà đã có 761 TS đăng ký; ngành quản trị kinh doanh có 150 chỉ tiêu mà đã có 591 hồ sơ; ngành tài chính ngân hàng lấy 150 chỉ tiêu nhưng tới 451 hồ sơ. Phổ điểm của TS tập trung ở mức từ 24 đến 26 và từ dữ liệu cho thấy điểm chuẩn dự kiến của cơ sở này năm nay sẽ ở mức 26-26,75 đối với khối A, A1; khối D1 từ 25 -25,75 (tăng 2 đến 3 điểm so với năm 2014).
Theo các chuyên gia, với đà này thì sẽ diễn ra một cuộc “tháo chạy” của những TS có điểm xét tuyển dưới mức dự kiến. Ba trường có thể là đối tượng của những TS này là Trường ĐH Kinh tế TP HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM và Trường ĐH Kinh tế - Luật. Khi nhóm TS này chạy đến thì lại đẩy một bộ phận TS có điểm thấp ở 3 trường này “tháo chạy” sang trường tốp sau để có cơ hội trúng tuyển.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng có thể tới đây, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM lại đón nhận một bộ phận TS “tháo chạy” khỏi Trường ĐH Bách khoa TP HCM và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; kéo theo đó là điểm chuẩn có thể nhích lên và một bộ phận TS đã đăng ký xét tuyển vào trường phải rút vì nguy cơ không trúng tuyển.
Bảo đảm độ an toàn
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho rằng TS nên cân nhắc thứ tự các nguyện vọng và không vội vã với việc này. TS cần lưu ý những khó khăn trong việc rút hồ sơ, nếu xác định rút thì thực hiện từ đầu; ngược lại, không nên vội vã rút hồ sơ mà lựa chọn thứ tự giữa các nguyện vọng và sau khi cân nhắc kỹ thì hãy theo đến cùng.
Cũng theo ông Nghĩa, thời điểm nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 là giai đoạn quan trọng nhất bởi các trường đều dành đến 70% chỉ tiêu tuyển sinh ở giai đoạn này. TS nên nộp hồ sơ theo nguyên tắc: Điểm càng lệch theo chiều hướng tăng so với những năm trước càng xa thì độ an toàn càng cao. Đặc biệt, TS nên lưu ý phải tận dụng tối đa 4 ngành trong một trường để bảo đảm độ an toàn theo thứ tự từ 1-4. Những TS đạt điểm sàn trở lên là 15-16 có thể chọn ngành ĐH và CĐ vào cùng một trường để bảo đảm an toàn.
Y.Anh
|
HUY LÂN
(nld.com.vn)