Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Rối như canh hẹ
27/08/2012
Trái với những kỳ vọng về thay đổi trong cách thức xét tuyển sau nguyện vọng 1, năm nay mỗi trường đưa ra mỗi cách xét tuyển khiến thí sinh rối bời. Dù thời hạn được kéo dài đến 30-11, trên thực tế, nhiều trường vẫn còn nhiều chỉ tiêu xét tuyển, nhưng “cánh cửa” nguyện vọng bổ sung đã đóng sập ngay khi công bố điểm trúng tuyển. Cách làm này không chỉ khiến tình hình xét tuyển rối bời mà ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh.
Quy định mù mờ
Trong Quy chế tuyển sinh năm 2012, Bộ GD-ĐT có nhiều thay đổi về thời hạn và quy định cách thức xét tuyển so với năm 2011. Về thời hạn xét tuyển, bộ không quy định các mốc thời gian cho NV2, NV3 như mọi năm mà các trường được hoàn toàn tự chủ về thời gian xét tuyển cho đến khi đủ chỉ tiêu. Theo đó, thời gian xét tuyển sau NV1 mà Bộ GD-ĐT đưa ra không có điểm khởi đầu mà chỉ có điểm kết thúc là hết ngày 30-11-2012.
Có thể nói, trong các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT năm nay lại có sự đá nhau về thời gian. Quyển những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 do Nhà xuất bản Giáo dục (Bộ GD-ĐT) ở phần 10 điều cần ghi nhớ của thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 tại điều thứ 7 có ghi rõ: “Trước ngày 25-8, thí sinh đến nơi đã nộp hồ sơ nhận giấy báo trúng tuyển và nhận giấy chứng nhận kết quả thi (phiếu điểm), rớt NV1 nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn”.
Theo quy định này, có nghĩa là trước ngày 25-8, những thí sinh rớt NV1 nhận phiếu điểm để tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong khi đó, ở Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2012 do Bộ GD-ĐT ban hành, tại mục b, Điểm 2 của Điều 33 có quy định: “đối với những thí sinh có nguyện vọng học tại trường không tổ chức thi (thí sinh mượn trường thi), trước ngày 10-8, trường tổ chức thi in và gửi phiếu điểm, dữ liệu kết quả thi cho trường không tổ chức thi để những trường không tổ chức thi in giấy báo trúng tuyển, phiếu điểm cho thí sinh”.
Như vậy, cả hai tài liệu hướng dẫn này, Bộ GD-ĐT đều không đưa ra mốc thời gian bắt đầu xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, với những trường đã tổ chức thi tuyển sinh chắc chắn không thể không hiểu việc xét tuyển các nguyện vọng bổ sung sau NV1 chỉ thực hiện sớm nhất là từ ngày 25-8 mới đảm bảo công bằng cho thí sinh. Thế nhưng, hàng loạt trường ĐH công lập lại đưa ra mốc thời gian bắt đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung từ ngày 10-8, thậm chí có trường kết thúc xét tuyển vào ngày 25-8 như Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, ĐH Xây dựng miền Trung, ĐH Văn Lang…
Trong khi đó, nhiều trường tại TPHCM như Trường ĐH Tài chính Marketing, ĐH Kinh tế, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Nông Lâm TPHCM đến tận ngày 20-8, thậm chí ngày 23-8 mới chuyển phiếu điểm đến Sở GD-ĐT TPHCM, Văn phòng tuyển sinh của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM.
Thí sinh chịu thiệt
Năm nay việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung thí sinh không chỉ rối với thời hạn xét tuyển của các trường mà còn mướt mồ hôi với những trường cố tình giành giật, “giam” thí sinh thi nhờ vào trường khác. Hàng loạt trường không tổ chức thi như Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (hệ CĐ), CĐ Kinh tế TPHCM, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM… đã phải giải quyết cho hàng trăm thí sinh thi nhờ trúng tuyển nhưng bị các trường không gửi dữ liệu đăng ký dự thi nên nếu trúng tuyển cũng không có giấy báo nhập học.
Liên tục từ ngày 22 ngày 24-8, hàng chục thí sinh thi nhờ vào Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã đến trường này khiếu nại vì sao trường không cấp giấy báo trúng tuyển để làm thủ tục nhập học. Theo cán bộ tuyển sinh của trường, những thí sinh này đăng ký thi nhờ vào hệ CĐ và thi tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Tuy nhiên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không gửi dữ liệu cho Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm nên trường này không biết để cấp giấy trúng tuyển, phiếu điểm cho thí sinh. Đáng nói hơn, nhiều thí sinh khác thi nhờ ở Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân đã được trường in luôn giấy báo nhập học và không gửi dữ liệu cho những trường khác.
Một điểm đáng bàn nữa là năm nay, do thay đổi về mã ngành đăng ký dự thi nên rất nhiều trường đã chủ quan không cập nhật phần mềm tuyển sinh khiến hàng loạt trường in sai phiếu điểm vào giờ chót nên nhiều thí sinh chịu thiệt khi mất cơ hội đăng ký xét tuyển vào trường khác. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM ngày 23-8 mới chuyển phiếu điểm đến Sở GD-ĐT TPHCM và Văn phòng tuyển sinh Bộ GD-ĐT tại TPHCM nhưng tất cả phiếu điểm đều in sai. Sau khi bị phản ánh, trường mới thông báo hủy và ngày 24-8 mới in lại phiếu điểm mới. Trong khi đó, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân tới ngày 24-8 mới chuyển dữ liệu và phiếu điểm cho thí sinh.
Đáng nói là Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn in luôn phiếu điểm cho thí sinh thi nhờ đạt trên điểm sàn CĐ nhưng lại không có phần xét tuyển nguyện vọng bổ sung nên phiếu điểm của thí sinh bị các trường như CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, CĐ Điện lực, CĐ Vinatex… từ chối khi thí sinh đăng ký xét tuyển.
Nghiêm trọng nhất là hàng loạt trường CĐ như CĐ Công thương, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, CĐ Phú Lâm… in phiếu điểm cho thí sinh thi CĐ nhưng lại ghi “kết quả điểm thi ĐH năm 2012”.
Thanh Hùng
(sggp.org.vn)