Không đỗ tốt nghiệp THPT, vẫn nhận chục giấy báo nhập học
27/08/2012
“Cháu nó không đỗ tốt nghiệp THPT, tôi đang tính cho nó học nghề đề đi xuất khẩu lao động thế mà gần 2 tuần nay các trường Cao đẳng, Trung cấp vẫn gửi giấy báo mời cháu nhập học với chi phí trên trời. Tôi cũng đang hoang mang chưa biết thế nào”.
Dù chưa có giấy báo trúng tuyển chính thức của các trường ĐH, CĐ nhưng hàng nghìn thí sinh ở Nghệ An không đậu NV1, cũng như không vượt qua điểm sàn của Bộ GD-ĐT quy định, vẫn nhận được hàng chục giấy báo nhập trúng tuyển, nhập học của các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp (CĐ-TCCN) mà các em không hề dự thi cùng nhiều câu chuyện bi hài. Thậm chí, có trường hợp thí sinh không đỗ tốt nghiệp THPT vẫn được hàng chục trường CĐ, TCCN “lạ hoắc” ở khắp nơi gọi nhập học cùng với những lời mời hấp dẫn.
Nhiều em học sinh khá bất ngờ, ngỡ ngàng khi nhận hàng loạt giấy báo trúng tuyển, nhập học của các trường CĐ, TCCN mà mình không hề đăng kí. Trước một “rừng” trường mời gọi nhập học, nhiều học sinh và phụ huynh rất lúng túng, bối rối, không biết chọn ngành nào, trường nào cho phù hợp.
Em Nguyễn Xuân Trí ở xóm 8, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương dự thi khối B - khoa điều dưỡng Trường ĐH Y khoa Vinh được 14,5 điểm, thiếu 2 điểm so với điểm chuẩn của trường. Cả gia đình Trí đang rất buồn vì kết quả này thì bỗng dưng giấy báo nhập học từ khắp nơi tới tấp gửi về. Hàng chục giấy mời xét tuyển và giấy báo nhập học của các trường in tên Nguyễn Xuân Trí với đúng ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ nhà, số điện thoại cái nào cũng đẹp và trang trọng. Bố mẹ Trí hoa cả mắt vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhiều hôm gia đình chị Nguyễn Thị Tư được phen mừng hụt vì cứ ngỡ con mình có “vé” vào một trường ĐH, CĐ nào ngờ toàn những trường lần đầu con chị biết đến.
Mang một tập giấy báo, thư nhập học của các trường chưa kịp bóc, chị Tư bức xúc: “Trong lúc đang chờ giấy báo điểm để xem cháu có có nguyện vọng 2 vào trường nào không thì gia đình tôi nhận đến hàng chục lá thư gọi nhập học của các trường, toàn những trường mà lần đầu tôi và cháu nghe thấy chứ không dự thi, cũng không đăng ký nguyện vọng vào đó. Các trường làm thế này làm chúng tôi càng hoang mang, lo lắng không biết chọn nghề, chọn ngành nào cho phù hợp với cháu”.
Trong lúc chờ giấy báo điểm từ NV1, Trí đang đi phụ hồ xây dựng cũng phải bỏ dở công việc vì nhân viên bưu điện liên tục gọi điện lên nhận thư nhập học. Trước những lời mời chào hấp dẫn đó, Trí không khỏi dao động trong việc chọn trường cũng như chọn ngành nghề để theo học. "Em chẳng biết trường nào trong đống giấy báo này cả. Khi nộp hồ sơ dự thi em đã tìm hiểu về các trường ĐH, CĐ khá kĩ càng mà cũng chưa bao giờ được nghe đến những tên trường tương tự. Đọc xong em cứ thấy mình như bị tung hỏa mù, chẳng biết đâu mà lần", Trí cho biết.
Cùng cảnh ngộ với Trí là em Nguyễn Hoàng Thành ở cùng xóm. Câu chuyện “bị” các trường CĐ, TCCN tới tấp gửi giấy báo nhập học khiến gia đình Thành và hàng xóm cười ra nước mắt. Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Bắc - mẹ Thành cũng đang phân vân chưa biết xử trí thế nào khi con mặc dù không đỗ tốt nghiệp THPT nhưng vẫn nhận được giấy báo nhập học của các trường CĐ, TCNN.
Cầm trên tay gần một chục lá thư “bảo đảm” của các trường gửi về, chị Bắc cho biết: “Ngày nào mà có bác đưa thư đến là y như rằng có từ 1-2 giấy báo nhập học của cháu. Cháu nó không đỗ tốt nghiệp THPT, tôi đang tính cho nó học nghề đề đi xuất khẩu lao động thế mà gần 2 tuần nay các trường CĐ, Trung cấp ở đâu vẫn cứ gửi giấy báo mời cháu nhập học với chi phí trên trời. Tôi cũng đang hoang mang chưa biết thế nào”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các vùng nông thôn, miền núi ở Nghệ An, trường hợp giấy báo nhập học “đổ bộ” vào nhà thí sinh như Trí và Thành không phải là chuyện hiếm trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay cũng như một vài năm trở lại đây. Cứ đến thời điểm các trường ĐH, CĐ công bố điểm chuẩn là thí sinh thi trượt NV1 vẫn nhận được giấy gọi nhập học. Theo quy chế tuyển sinh, các trường không được gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Thế nhưng, nhiều đơn vị đào tạo vẫn “lách luật” và công khai vi phạm khiến tâm lý phụ huynh, học sinh bất ổn.
Điểm chung trong các giấy báo nhập học của các trường đó là những “chiêu” giới thiệu có cánh, hấp dẫn để thu hút học sinh, phụ huynh như: học phí phải chăng, chất lượng bảo đảm, sau thời gian học tại trường, học sinh có thể học liên thông, học liên kết với các trường ĐH, CĐ danh tiếng trong và ngoài nước, được các giảng viên, chuyên gia nước ngoài trực tiếp giảng dạy…
Thậm chí có trường còn “mạnh tay” hỗ trợ học bổng 500.000 đồng/SV nhập học NV1 và học bổng 200.000 đồng/SV nhập học đợt 1, 2, 3, 4; giảm từ 10-20% học phí nếu phụ huynh nhập học đóng học phí từ 1-3 năm học hay có tường còn gửi giấy gọi nhập học liên tiếp 2 lần cho "chắc ăn". Đi kèm với những lời mời gọi đó, các trường cũng không quên liệt kê các khoản học phí, lệ phí nhập học. Trong đó, có không ít khoản đóng góp “trên trời” như nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị thực hành, quỹ khuyến học thi đua…
Sáng ngày 26/8, trong vai một thí sinh không đỗ tốt nghiệp THPT và có nhu cầu nhập học, PV Dân trí đã điện thoại cho một đơn vị tuyển sinh ở Thái Nguyên có cơ sở đào tạo tại Hà Nội gửi giấy báo nhập học để được nghe “tư vấn” làm thủ tục nhập học. Khi PV thắc mắc: “Không đỗ tốt nghiệp THPT liệu có nhập học được không” thì vị này hứa chắc nịch: “Em yên tâm, khi vào học ban đầu chỉ mất 3 tháng để hoàn thành hết chương trình học phổ thông rồi sau đó em học tiếp và có thể liên thông chính quy với tất cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước”.
Anh Trần Văn Đại, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu - một phụ huynh bức xúc: “Năm nào tôi cũng thấy tình trạng loạn gửi giấy báo tuyển sinh của các trường về cho các em học sinh nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc để giải quyết tình trạng này. Với kiểu chiêu sinh thế này, không hiểu chất lượng giáo dục của các trường đó như thế nào. Liệu có em nào chọn đại, học đại một trường trong số các trường gửi giấy báo đó không. Tôi nghĩ các bậc phụ huynh cũng cần sáng suốt để lựa chọn ngành nghề cho con mình phù hợp, tránh tiền mất tật mang”.
Nguyễn Duy - Doãn Hòa
(dantri.com.vn)