Xét tuyển ĐH năm 2015: Nghiên cứu kỹ để tránh trượt oan
16/03/2015
Ngày 15-3, hàng nghìn học sinh đã tập trung tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội để nghe tư vấn về phương thức tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 với sự có mặt của 70 trường ĐH, CĐ, học viện. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, thí sinh có khả năng được đăng ký, thay đổi nguyện vọng qua mạng thay vì phải đến từng trường.
Lo ít cơ hội vì chỉ có 1 nguyện vọng 1
Câu hỏi khiến cả phụ huynh và thí sinh quan tâm là liệu có thiệt thòi không khi các năm trước, thí sinh thi bao nhiêu khối sẽ có bấy nhiêu nguyện vọng 1; còn năm nay, theo quy chế mới, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng 1 vào 1 trường. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT khẳng định, theo quy định xét tuyển mới, dù thí sinh có thi nhiều tổ hợp môn để đăng ký vào nhiều trường cũng không có cơ hội lựa chọn như năm trước. “Tuy nhiên, thí sinh sẽ được đăng ký tối đa 4 ngành khác nhau trong cùng trường. Quan trọng hơn, trong đợt xét tuyển thứ nhất, thí sinh được thay đổi nguyện vọng, rút hồ sơ khi thấy điểm thi thực tế không khả quan” – ông Trần Văn Nghĩa phân tích.
Liên quan đến việc đăng ký nhiều môn thi, thí sinh lo ngại liệu có khả năng môn mình đăng ký sẽ bị trùng lịch thi. Ông Trần Văn Nghĩa khẳng định, lịch thi từng môn sẽ được công bố chính thức trong hướng dẫn thi do Bộ GD-ĐT ban hành vào trung tuần tháng 3. Với 8 môn thi, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thi trong 4 ngày, dự kiến, mỗi ngày có 2 môn thi với giờ thi độc lập, đảm bảo thí sinh có thể dự thi tối đa 8 môn. Do đó, các em có thể yên tâm, không có môn thi nào bị trùng lịch thi.
Ngoại ngữ năm nay cũng là một trong những môn thi khiến thí sinh lo lắng, sau khi Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi Ngoại ngữ không chỉ gồm các câu hỏi trắc nghiệm mà sẽ có thêm phần tự luận. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, thí sinh không nên hoang mang vì dù có thay đổi thì đề thi sẽ tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm trước. Riêng môn Ngoại ngữ có phần thi viết nhưng không yêu cầu quá cao hay nằm ngoài khả năng và những gì các em đã được học ở chương trình THPT.
Có thể đăng ký qua mạng
Không thể có cùng một lúc 2 nguyện vọng 1 để lựa chọn, thí sinh dự xét tuyển ĐH, CĐ năm nay được tư vấn, phải tận dụng tốt nhất lợi thế có được từ các điểm mới trong quy chế xét tuyển ĐH, CĐ để không bị trượt oan. Theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh nên lựa chọn những tổ hợp môn có mức điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển vào nguyện vọng 1 với 4 ngành học khác nhau trong cùng 1 trường ĐH. Ví dụ thí sinh thi 5 môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Tiếng Anh thuộc 3 khối A, A1 và D, thì nên xem khối nào có tổng điểm cao nhất để sử dụng đăng ký xét tuyển.
Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, năm nay, thí sinh không phải đăng ký dự thi vào các trường, ngành trước. Sau khi có kết quả thi, các em mới phải đăng ký ngành, trường. Vì thế, thí sinh sẽ hạn chế được tình trạng bị trượt do chọn nhầm ngành, trường. Việc căn cứ vào đâu để chọn trường, ngành để đăng ký xét tuyển có thể dựa vào điểm chuẩn năm trước để tham khảo. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần căn cứ vào năng lực, sở thích cá nhân. Một điểm mới có thể sẽ giúp thí sinh bớt lo lắng hơn, theo ông Trần Anh Tuấn, là khả năng các trường có thể áp dụng phương án cho thí sinh đăng kí nguyện vọng qua mạng. Đặc biệt, khi muốn thay đổi, các em cũng có thể đăng ký lại qua mạng. Nếu thực hiện được biện pháp này, những thí sinh ở xa sẽ đỡ vất vả hơn nhiều trong việc thay đổi nguyện vọng của mình.
Vinh Hương (anninhthudo.vn)