Đổi mới môn thi ngoại ngữ THPT quốc gia: Trở tay không kịp
09/03/2015
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015, các trường THPT đều tăng tốc hoàn thành chương trình, tập trung ôn luyện cho học sinh lớp 12 theo hướng đổi mới thi cử. Tuy nhiên, có sự thay đổi đột ngột là môn thi ngoại ngữ sẽ có phần tự luận đang gây bỡ ngỡ cho nhiều thí sinh…
Chạy nước rút ôn luyện
Suốt thời gian dài việc học ngoại ngữ ở nước ta “chẳng giống ai”, chỉ chú trọng cấu trúc, ngữ pháp nên kỹ năng nghe - nói - viết của học sinh đều yếu. Tuy mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh ở TPHCM khá hơn so với các địa phương khác, nhưng kỹ năng viết vẫn là nỗi lo chung. Cụ thể, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, nhiều học sinh lớp 12 ở các trường không chuyên ngoại ngữ cũng chật vật với phần bài viết tự luận ngắn với nội dung đơn giản. “Với thời lượng dành cho môn ngoại ngữ quá ít, trong đó luyện viết chỉ có 1 tiết/tuần, lại thêm sĩ số lớp quá đông nên giáo viên không thể luyện sâu, sửa bài kỹ cho 40 - 50 học trò được” - Đó là giãi bày của giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường THPT. Chính vì thế, thông tin trong kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra, môn thi ngoại ngữ sẽ có phần tự luận khiến không ít giáo viên lẫn học sinh âu lo.
Cô Võ Thị Bích Lan, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Khuyến TPHCM cho biết: “Đầu năm học, Bộ GD-ĐT thông báo môn ngoại ngữ thi trắc nghiệm, bây giờ sát ngày thi lại nói có thêm phần tự luận khiến thầy trò đều bất ngờ, trở bộ không kịp. Mặc dù, trong ôn luyện chúng tôi cũng cho học sinh làm quen với kỹ năng viết, nhưng thời lượng trau dồi ít, học sinh còn bỡ ngỡ với dạng bài tự luận”. Như thế sau khi hoàn thành chương trình học thì thời gian ôn luyện dành cho tất cả các môn học còn rất ngắn và dù muốn tăng tốc ôn luyện kỹ năng viết luận cho học sinh thì trường nào cũng rơi vào tình trạng cập rập như chữa cháy và đối phó chớp nhoáng là chính.
Tuy nhiên, do bắt nhịp với hướng đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, một số trường THPT ở TPHCM đã kết hợp ôn luyện thêm kỹ năng viết cho học trò nên không bị bất ngờ. Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân TPHCM cho biết: “Trong ôn luyện môn ngoại ngữ, giáo viên của trường vẫn luôn chú trọng rèn cả kỹ năng viết, tập viết luận nên học sinh lớp 12 cũng được làm quen với dạng này và có thể thích ứng với kỳ thi”.
Theo một số giáo viên dạy tiếng Anh khác, đổi mới thi cử để đánh giá đúng năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh là cần thiết, nhưng phải có lộ trình chứ không thể vội vàng và triển khai cập rập như hiện tại. Học sinh phổ thông cần có thời gian để làm quen với cách học viết, tự luận bằng tiếng Anh một cách từ từ.
Nhiều thông tin còn mù mờ
Có thể nói, hệ quả của quá trình dài quen với cách dạy và học ngoại ngữ “chay” hay còn gọi là học lệch chẳng những không hiệu quả mà còn tạo thói quen đối phó - học để thi là chính. Vì thế, một khi chương trình, phương pháp dạy ngoại ngữ chưa đổi mới theo hướng thực học và đạt trình độ chuẩn quốc tế, có thể giao tiếp nghe nói, viết bằng tiếng Anh thì việc đánh giá chất lượng vẫn mang tính phiến diện. Chính vì vậy, việc bổ sung phần bài luận môn ngoại ngữ trong đề thi chỉ là thay đổi phần ngọn và đang tạo áp lực khiến thầy và trò phải ôn luyện theo kiểu nhồi nhét, kể cả áp dụng chiêu học tủ, học lệch.
Quá lo lắng trước thay đổi về thi môn ngoại ngữ, nhiều phụ huynh không chỉ yêu cầu nhà trường tăng tốc luyện thi thêm phần viết luận mà còn chủ động tìm thầy kèm cặp con em mình tại nhà. Chị Hoàng Thị Oanh có con học lớp 12 ở Trường THPT Hùng Vương bộc bạch: “Theo dõi, chờ đợi để xem hình hài quy chế kỳ thi THPT quốc gia chính thức ra mắt có gì mới, phụ huynh lẫn học sinh đều căng thẳng. Bây giờ nghe nói môn ngoại ngữ sẽ thi bài viết luận con tôi lo sốt vó. Quy định cứ thay đổi như chong chóng thế này thì con cái chúng tôi chạy đua sao kịp…”.
Trong khi nhiều giáo viên, phụ huynh có con học ở các trường THPT “dị ứng” với thông tin đề thi môn ngoại ngữ có thêm phần viết luận thì một số chuyên gia, giảng viên dạy ngoại ngữ ở các trường ĐH lại đồng thuận. Bởi lẽ, kết quả ở phần viết luận chiếm 25% này sẽ giúp các trường phân loại được trình độ ngoại ngữ của thí sinh để xét tuyển ĐH. Hơn nữa, việc đổi mới cách thi ngoại ngữ sẽ tác động dần cách học sao cho hiệu quả, cải thiện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học sinh phổ thông. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc tập huấn cách thức chấm bài sao cho chính xác, công bằng vì việc đánh giá bài tự luận dễ mang nhiều cảm tính, ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi quốc gia quan trọng này.
Không chỉ “rối” với thay đổi đột ngột của Bộ GD-ĐT như nêu trên, nhiều giáo viên lẫn học sinh cũng chưa rõ quy định miễn thi môn ngoại ngữ sẽ triển khai như thế nào và chứng chỉ loại nào, chuẩn nào được phép miễn? Theo một hiệu trưởng trường THPT, ngày đăng ký dự thi THPT quốc gia đã đến gần mà cả thầy lẫn trò vẫn mù mờ về nhiều thông tin. Nếu Bộ GD-ĐT không có hướng dẫn sớm về chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ thì khi triển khai đăng ký, mọi việc sẽ rối rắm và gây khó cho các trường.
KHÁNH HÀ
Nguồn: sggp.org.vn