Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh đại học năm 2024: Thận trọng mở ngành mới

18/01/2024

Để đón đầu xu thế, hàng loạt cơ sở giáo dục đại học tuyên bố tuyển sinh một số ngành mới năm học 2024 - 2025.

Ngoài ngành liên quan đến công nghệ vi mạch bán dẫn, một số trường tuyển sinh ngành về giao thông thông minh, game, trí tuệ nhân tạo…

Đáp ứng nhu cầu xã hội

Năm 2024, Trường ĐH Việt Đức tuyển sinh 6 ngành học; trong đó có ngành mới là Kỹ thuật giao thông thông minh. TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, đây là ngành cần thiết trong điều kiện Việt Nam phát triển thành quốc gia công nghiệp hóa, đô thị hóa.

“Trước mắt, nhà trường dự kiến tuyển sinh từ 20 - 30 sinh viên. Sau khi kết thúc năm thứ nhất, nhà trường sẽ xem xét kết quả học tập, đồng thời nghiên cứu, đánh giá tác động của thực tiễn để có thể mở rộng quy mô tuyển sinh, đào tạo trong năm 2025”, TS Hà Thúc Viên trao đổi.

Kỹ thuật giao thông thông minh có tính liên ngành cao, TS Hà Thúc Viên viện dẫn các ngành: Cơ khí, IT (Công nghệ thông tin), Cơ điện tử và khối kiến thức của hệ thống giao thông vận tải truyền thống. Qua đó, nhằm thúc đẩy “di chuyển xanh” trên toàn cầu với việc áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) vào hệ thống giao thông.

Từ năm nay, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) tuyển sinh 8 chương trình đào tạo mới theo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), PGS.TS Nguyễn Hoàng Việt – Phó Hiệu trưởng thông tin. Năm 2024, Trường ĐH Thương mại cũng bổ sung thêm 2 chương trình đào tạo: Công nghệ tài chính ngân hàng (ngành Tài chính – Ngân hàng); Kinh doanh số (ngành Thương mại điện tử).

Theo thông báo kế hoạch xây dựng đề án mở ngành đào tạo trình độ đại học của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), năm 2024, nhà trường dự kiến mở 6 ngành mới. Việc này đóng vai trò quan trọng trong đa dạng hóa, mở rộng ngành đào tạo; đáp ứng nhu cầu xã hội và nâng cao vị thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Dấu hiệu tích cực tự chủ đại học

Năm học 2024 - 2024, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam chính thức bổ sung 6 chương trình đào tạo và 1 chuyên ngành mới. Theo GS Rick Bennett - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, từ năm học 2024, các chương trình cử nhân: Kinh doanh và Quản lý, Kinh tế và Quản lý, Tài chính và Kế toán do Đại học London cấp bằng sẽ chính thức được giảng dạy tại nhà trường. Qua đó, mang đến nhiều lựa chọn học tập hơn cho sinh viên trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và tài chính.

“Việc giới thiệu các chương trình đào tạo và chuyên ngành mới đánh dấu bước tiến quan trọng của Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam trong mở rộng và phát triển. Đây cũng là phản ứng của chúng tôi đối với nền kinh tế Việt Nam và chương trình nghị sự của Chính phủ trong các lĩnh vực: Game, công nghệ, kinh doanh và truyền thông”, GS Rick Bennett nhấn mạnh, đồng thời cho biết, các chương trình được thiết kế để bắt kịp nhu cầu thị trường, trang bị những kỹ năng cần thiết, giúp các em tự tin gia nhập thị trường lao động.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, những chương trình này sẽ mở ra cánh cửa mới, giúp các bạn trẻ sẵn sàng trở thành công dân toàn cầu trong thế giới ngày nay. Trường đã thành lập dự án BUV GamePad – Trung tâm Đổi mới, Đầu tư và Ươm tạo Khởi nghiệp cho các dự án về Lập trình - Thiết kế - Đồ họa Game. Dự án được kỳ vọng là bệ phóng cho những tài năng trẻ; thu hút và đào tạo những cái tên đầu ngành trong tương lai thông qua mô hình nuôi dưỡng và định hướng phát triển.

Nhìn nhận về ngành công nghiệp game, GS Rick Bennett trao đổi, đây một trong những lĩnh vực năng động, giàu tiềm năng nhất của nền kinh tế số, nắm giữ vai trò chiến lược trong tầm nhìn phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành bài toán nan giải, kìm hãm đà tăng trưởng của nhóm ngành này.

Theo Hiệp hội Phát triển Game Việt Nam, khoảng 30% nguồn nhân lực hiện hữu có khả năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp phát triển và phát hành game. Số liệu này báo hiệu nhu cầu về nguồn cung nhân lực chất lượng cao trong ngành.

Việc nhiều cơ sở giáo dục đại học mở thêm một số ngành mới cho thấy dấu hiệu tích cực của chủ trương, chính sách tự chủ, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận; đồng thời lưu ý, các trường không nên chạy theo số lượng hoặc mở ngành với mục đích tăng nguồn thu từ học phí của người học.

Trước khi mở ngành, cần đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện cần và đủ để không ảnh hưởng xấu đến thương hiệu nhà trường; trên hết là đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, không nên ồ ạt mở ngành, chương trình mới vì có thể gây khó khăn trong tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Ngoài tăng cường giám sát, hậu kiểm của cơ quan quản lý Nhà nước; các cơ sở giáo dục đại học cần có trách nhiệm với người học, xã hội khi mở ngành, tránh hệ lụy không đáng có, như thất nghiệp sau khi ra trường, gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.

Theo TS Lê Viết Khuyến, việc các trường mở thêm ngành học mới là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhất là trong bối cảnh các ngành nghề thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Tuy nhiên, mở thêm ngành cần được cân nhắc trên cơ sở khảo sát từ nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động; đồng thời chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Minh Phong
https://giaoducthoidai.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2024-than-trong-mo-nganh-moi-post668876.html

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang