Bắt đầu cuộc đua tuyển sinh đại học
15/01/2024
So với những năm trước, năm nay, nhiều trường đại học (ĐH) khu vực phía Bắc công bố các thông tin tuyển sinh sớm hơn vài tháng.
Mở nhiều ngành mới
Những ngày qua, thí sinh liên tiếp nhận được thông tin mở ngành mới dự kiến tuyển sinh trong năm nay của 2 trường ĐH top đầu khối ngành kinh tế là Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Trường ĐH Ngoại thương năm 2024 xét tuyển 4.130 chỉ tiêu, tăng 30 chỉ tiêu so với năm 2023. Trường ĐH này dự kiến tuyển sinh ngành mới là Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, đồng thời bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với ĐH Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại trụ sở chính Hà Nội.
Theo thông báo kế hoạch Xây dựng đề án mở ngành đào tạo trình độ ĐH của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, năm 2024, nhà trường dự kiến sẽ mở 6 ngành mới, gồm Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Quan hệ lao động. Đây là bước chuẩn bị để sắp tới trường công nghệ trực thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân ra đời. Chỉ tiêu dự kiến của các ngành này là 400. Như vậy nếu được phép tuyển sinh, tổng số ngành của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2024 là 66 ngành với 6.600 chỉ tiêu.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, khẳng định Việt Nam đang thiếu mặt bằng chung trong xét tuyển ĐH. Đánh giá về học bạ đang bị dễ dãi. Trong khi đó, đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây chỉ đáp ứng công tác xét tốt nghiệp THPT.
|
Tiếp tục siết phương thức xét tuyển kết hợp điểm học bạ
Năm nay, Trường ĐH Ngoại thương giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh như năm 2023. Trong số đó có 2 phương thức xét tuyển kết hợp với kết quả học tập THPT (học bạ) là xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia/đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên, hệ không chuyên của các trường THPT.
Điểm đáng quan tâm nhất ở 2 phương thức này là thí sinh phải có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24,0 điểm trở lên. Đây là điểm hoàn toàn mới so với các mùa tuyển sinh trước.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho biết, nhà trường giữ ổn định phương thức xét tuyển với lý do là hằng năm thực hiện đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên được xét tuyển ở các phương thức khác nhau và nhận thấy chất lượng đồng đều giữa các phương thức; giữ ổn định để thí sinh không bị ảnh hưởng tâm lý vào giai đoạn cuối chuẩn bị xét tuyển. Nếu có thay đổi nhà trường sẽ có dự lệnh sớm để các em có phương án chuẩn bị.
Đối với việc sử dụng kết quả học tập THPT, nhà trường đã cân nhắc các nhóm đối tượng và tỷ lệ chỉ tiêu phù hợp cũng như các điều kiện cao để đảm bảo có thể lựa chọn nhóm thí sinh tốt nhất.
“Chúng ta không nên có tâm lý phủ nhận kết quả đánh giá trong cả một quá trình của giáo dục phổ thông mà nên tôn trọng, chấp nhận có cơ sở khoa học và đồng hành để giúp cho hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng tốt hơn, tiệm cận với giáo dục quốc tế”, bà Hiền nói.
Năm nay, một số trường ĐH không xét tuyển học bạ. Việc trường ĐH từ chối xét tuyển học bạ đặt ra yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông đối với các trường THPT. Thực tế này đòi hỏi cấp quản lí vào cuộc để “siết lại” chất lượng, trả điểm học bạ của học sinh về với giá trị thực.
NGHIÊM HUÊ
https://tienphong.vn/bat-dau-cuoc-dua-tuyen-sinh-dai-hoc-post1604426.tpo