Tuyển sinh ĐH: Lộn xộn quy định môn thi chính
11/06/2014
Đến thời điểm này, các trường đại học đã công bố môn thi chính tuyển sinh 2014 theo chủ trương mới của Bộ GD-ĐT (môn thi được phép nhân hệ số 2 khi tính tổng điểm tuyển sinh).
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 231 ngành học của 32 trường ĐH, CĐ có nhân hệ số môn thi chính trong kỳ thi tuyển sinh năm nay. Đa số các trường chỉ chọn nhân hệ số với môn ngoại ngữ, môn năng khiếu ở các khối thi tuyển cho ngành ngôn ngữ và ngành năng khiếu.
Tuy nhiên, nếu “soi” vào danh sách này, sẽ thấy việc lựa chọn môn thi chính của các trường khá khác biệt.
Mỗi trường một ý
Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội quy định môn thi chính là tiếng Anh cho tất cả các ngành tuyển sinh khối A1 và D1.
Cũng tuyển sinh khối A1 và D1 nhưng Trường ĐH Thành Tây lại có quy định khác. Các ngành Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Khoa học máy tính của trường này tuyển sinh khối D1 có quy định môn thi chính là môn văn. 3 ngành này cũng đồng thời tuyển sinh cả khối A, nhưng lại quy định môn thi chính đối với khối thi này khác nhau, cụ thể là ngành Kế toán và Tài chính – Ngân hàng là môn lý, ngành Khoa học máy tính lại là môn toán.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) tuyển sinh khối A và A1 cùng với điểm môn toán nhân hệ số 2.
Đặc biệt hơn cả, trong 70 ngành đào tạo bậc ĐH tại trường ĐH Cần Thơ chỉ có ngành Luật (A, C, D1, D3) là không quy định môn thi chính.
Các ngành còn lại đều có quy định môn thi chính như: Toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp. Các môn thi chính này được quy định theo từng khối thi.
Như ngành Giáo dục Tiểu học (A, D1) có môn thi chính là toán; ngành Giáo dục công dân (C) có môn thi chính là ngữ văn; ngành Sư phạm Vật lý (A, A1) có môn thi chính là vật lý; ngành Sư phạm Hóa học (A, B) có môn thi chính là Hóa học; ngành Sư phạm Sinh học (B) có môn thi chính là Sinh học; ngành Sư phạm Lịch sử (C) có môn thi chính là lịch sử; ngành Sư phạm Địa lý (C) có môn thi chính là địa lý; ngành ngôn ngữ Anh (D1) có môn thi chính là tiếng Anh…
Tuy nhiên, cùng nhóm ngành sinh học nhưng ngành Sư phạm Sinh học và Sinh học của trường ĐH Cần Thơ nhân hệ số môn sinh trong khi ngành Sinh học ứng dụng lại là toán.
Quy định để kiếm thí sinh
Theo phương án thay thế điểm sàn được Bộ triển khai thực hiện từ năm 2014, các trường được phép xác định điểm xét trúng tuyển sau khi nhân hệ số môn chính với tất cả các khối thi. Trung bình điểm xét tuyển sau khi nhân hệ số không thấp hơn trung bình điểm xét tuyển cơ bản theo quy định của Bộ mà trường đã lựa chọn.
Mục tiêu của Bộ khi đưa ra quy định này là để tạo cơ hội trúng tuyển cao hơn cho các thí sinh giỏi môn thi chính, giúp trường tuyển được thí sinh phù hợp. Với cách xác định điểm mới, thí sinh có điểm môn thi chính (do trường quy định) cao nhưng có tổng điểm 3 môn thi dưới mức điểm xét tuyển cơ bản (điểm sàn cũ) vẫn có cơ hội trúng tuyển.
Đồng thời, quy dịnh này sẽ khắc phục hạn chế của quy định cũ về nhân hệ số các môn năng khiếu, khi mà các trường có thể tuyển sinh dưới điểm sàn khi nhân hệ số các môn năng khiếu. Đây cũng sẽ là một cơ hội cho các trường khó tuyển sinh tăng nguồn tuyển.
Trước thực tế các trường xác định môn nhân hệ số khác nhau dù cùng một ngành tuyển hay một khối thi tuyển, tiết lộ về phương thức chọn môn thi chính, lãnh đạo một trường đại học khẳng định không trường nào chọn môn thi chính để làm khó thí sinh, hạn chế thí sinh vào trường mình. Vì vậy, môn được chọn làm môn thi chính nhân hệ số là những môn thí sinh thường đạt điểm cao ở các kỳ thi trước, việc nhân hệ số các môn này sẽ giúp tổng điểm thí sinh tăng lên, số lượng thí sinh trúng tuyển vào trường nhiều hơn.
“Do đó, khi áp dụng nhân hệ số, ưu tiên về việc kéo được nhiều thí sinh trúng tuyển được trường ưu tiên hơn là sự phù hợp với ngành nghề đào tạo” - vị lãnh đạo này cho biết.
Ngân Anh (vietnamnet.vn)