Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014: Rối vì khu vực ưu tiên
09/06/2014
Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT về đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, vấn đề thay đổi cộng điểm ưu tiên khu vực (KV) và đối tượng cho thí sinh khiến nhiều trường rất rối. Trong đó, việc kiểm tra hồ sơ thí sinh được ưu tiên KV1, KV2, KV2-Nông thôn (KV2-NT) đang trở nên phức tạp và khiến nhiều trường rối bời.
Thay đổi ưu tiên khu vực
Nhiều năm nay, quy chế tuyển sinh quy định những thí sinh thuộc KV1, KV2-NT, KV2 sẽ được hưởng ưu tiên theo khu vực và điểm chênh lệch giữa thí sinh trúng tuyển được ưu tiên cao nhất (KV1) với thí sinh không được ưu tiên (KV3) là 1,5 điểm, nếu cộng thêm điểm đối tượng 01 sẽ là 3,5 điểm.
Theo đó, KV1 gồm các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Với quy định như vậy, diện thí sinh được hưởng ưu tiên KV1 rất nhiều, chẳng hạn toàn bộ thí sinh thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên, kể cả các thí sinh ở các thành phố như Gia Lai, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột... cũng được hưởng ưu tiên KV1.
Năm nay, theo cách tính điểm mới thì thí sinh được ưu tiên KV1 phải thuộc các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 (Quyết định 447 của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Quyết định 539 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 nếu thí sinh học trung học tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các xã trên).
Ngoài điều chỉnh điểm ưu tiên cho KV1, Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2014, Thông tư 06 của Bộ GD-ĐT cũng điều chỉnh quy định thí sinh KV2 gồm các thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1). Như vậy, các quy định đều không nhắc đến có hay không việc thay đổi thí sinh thuộc KV2-NT.
Nhiều rắc rối
Lẽ ra cùng với việc thay đổi quy định về khu vực ưu tiên thì phải điều chỉnh phần mềm tuyển sinh để công tác xử lý hồ sơ sẽ không rắc rối và quá phức tạp như hiện nay. Do đó, nhiều trường có lượng hồ sơ lớn đang rất rối trong việc rà soát, kiểm tra tính chính xác của thí sinh thuộc khu vực ưu tiên.
Một cán bộ tuyển sinh tại TPHCM phân tích: “Trong phần mềm xử lý hồ sơ tuyển sinh năm nay của Bộ GD-ĐT cũng có nhiều vấn đề và không thể kiểm tra được thí sinh khai khu vực ưu tiên có đúng hay không. Bởi lẽ phần mềm cũng chỉ có dữ liệu mã tỉnh, mã huyện chứ không hề cập nhật đến từng xã, thôn như quy định đã điều chỉnh. Ngay cả việc thay đổi mã trường THPT cũng chưa cập nhật kịp thời khi các sở GD-ĐT đã ban giao hồ sơ đăng ký dự thi cho các trường”.
Trao đổi về vấn đề này, Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM cho rằng: “Thực tế hiện nay không thể nào kiểm tra từng hồ sơ của thí sinh thuộc khu vực ưu tiên. Nếu căn cứ theo Quy chế tuyển sinh, chỉ có thí sinh ở KV1 và KV2, còn thí sinh KV2-NT sẽ tính ra sao hay vẫn giữ theo quy định cũ, cũng không hề nhắc đến”. Vì vậy, để kịp tiến độ in giấy báo dự thi cho thí sinh, trường tạm thời chưa thể kiểm tra đối với thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực. Sau khi thi, có kết quả trường sẽ thống kê và kiểm tra từng hồ sơ, đồng thời rà soát gửi hồ sơ về các sở GD-ĐT để kiểm tra.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM với 37.800 hồ sơ đăng ký dự thi cũng đang chạy đua với việc kiểm tra hồ sơ của thí sinh. PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết: “Thực tế năm nay khâu xử lý hồ sơ tốn quá nhiều thời gian. Hiện trường phải rút ra từng hồ sơ một để dò xem thí sinh khai có đúng khu vực ưu tiên hay không. Vì kiểm tra bằng phương pháp thủ công nên trường phải huy động đến vài chục người để làm việc này”.
Ngoài ra, để tránh rắc rối xảy ra cho thí sinh, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM sẽ in trên giấy báo dự thi yêu cầu thí sinh thuộc khu vực ưu tiên phải mang kèm theo hộ khẩu photocopy trong ngày làm thủ tục thi để kiểm tra, đối chiếu.
Trong khi đó, một số trường khác do có quá nhiều hồ sơ của thí sinh thuộc ưu tiên khu vực cũng gác lại việc kiểm tra từng hồ sơ mà chờ sau khi thi có kết quả mới kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, cách xử lý này của một số trường chắc chắn sẽ đối diện với nhiều rắc rối khi thí sinh có kết quả. Bởi theo quy chế, mọi chỉnh sửa, sai sót và điều chỉnh của thí sinh phải được thực hiện trước khi thi.
Do đó, nếu không kiểm tra, rà soát hết thì trong quá trình in giấy báo, kết quả trúng tuyển của nhiều trường sẽ gây ảnh hưởng đến thí sinh.
THANH HÙNG
Nguồn: sggp.org.vn