Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh ĐH 2016: Nguồn tuyển giảm, chỉ tiêu tăng

28/07/2016

Hôm nay 28/7, Bộ GD&ĐT sẽ họp Hội đồng tư vấn xác định điểm sàn năm 2016. Năm nay, các trường top giữa và các trường ngoài công lập sẽ khó tuyển sinh hơn năm ngoái, bởi trong khi số lượng thí sinh giảm 15% thì chỉ tiêu tuyển sinh ĐH lại tăng lên 5%.

Thí sinh khối C gặp bất lợi lớn

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 giảm gần 120.000 so với năm 2015, tương đương 15%. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học (ĐH) chính quy hệ dân sự năm 2016 là trên 420.000 chỉ tiêu (trong đó trên 300.000 chỉ tiêu lấy kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia, 100.000 chỉ tiêu xét học bạ), chưa kể đến chỉ tiêu hệ dân sự trong khối các trường công an, quân đội. Năm 2015, tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH khoảng 400.000. Như vậy, thí sinh giảm 15%, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH lại tăng lên 5%.

Mặt khác, trong tổng chỉ tiêu Bộ GD&ĐT đưa ra, khối ngành VII (Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng) có trên 75.000 chỉ tiêu. 

Nghịch lý ở chỗ, dù chủ yếu đào tạo các ngành khoa học xã hội nhưng chỉ tiêu của các trường dành cho những thí sinh thi khối C rất ít. Những ngành học truyền thống khối C từ trước như Luật, Báo chí, Du lịch, Tâm lý, Xã hội học... tại các trường không chỉ tuyển  khối C mà ưu tiên tuyển khối D hoặc cả khối A, A1. Với những thí sinh khối C, đây là một bất lợi rất lớn.

Lý giải về tình trạng chỉ tiêu khối C của các trường ngày một hẹp, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng có 3 lý do. Thứ nhất là đầu ra của một số ngành thuộc khối C khó như Triết học, Thư viện... nên thí sinh không theo học. Thứ hai là đào tạo khối C ở trường phổ thông vẫn còn cứng nhắc. Thứ ba là khi đã đỗ vào các trường ĐH, sinh viên khối C vẫn phải học theo kiểu thầy đọc, trò chép một số môn cơ bản.

“Do đó, thí sinh không lựa chọn. Ngay cả các trường khối C như ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cũng phải chuyển hướng tuyển các khối khác như A1, D. Phổ điểm khối C năm nay không cao, điểm trung bình cũng chỉ dưới 15 điểm. Vì thí sinh không hào hứng học, đầu ra thấp. Nên các trường tuyển sinh cả các khối khác để sau khi ra trường, các em còn có thể làm được công việc khác” - ông Nhã nhận định.

Top trên cũng lo ảo

Là trường có điểm trúng tuyển khối B luôn ở top cao nhất cả nước nhưng với thực tế năm nay, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cũng chưa dám dự định điểm chuẩn vào trường như thế nào. “Nhìn vào phổ điểm thì thấy khối B cao nhưng Bộ chưa cho biết tổng số thí sinh đạt trên 25 điểm là bao nhiêu nên chúng tôi chưa thể dự đoán được gì” – PGS.Tú khẳng định.

Mặt khác, ông Tú cũng lo năm nay tình trạng ảo rất có thể xảy ra với những ngành kém hot của trường. “Mỗi thí sinh được đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Với những thí sinh điểm cao hẳn thì chắc chắn đỗ vào những ngành như Y đa khoa, Răng hàm mặt.

 Nhưng với những thí sinh không đỗ hai ngành này, nguyện vọng 2 các em đăng ký ngành khác. Nhưng ở trường thứ 2 như ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Hải Phòng, các em lại đỗ một trong hai ngành hot trên. Như vậy, các ngành nguyện vọng hai còn lại của trường sẽ rất dễ ảo. Rất có thể ĐH Y Hà Nội sẽ phải xét tuyển đến những đợt sau” – ông Tú cho hay.

Trường ngoài công lập: Khó tuyển sinh

Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, với các trường ĐH công lập, điểm sàn của Bộ GD&ĐT không có nhiều ý nghĩa nhưng quan trọng với các trường ngoài công lập. “Năm nay, các trường ngoài công lập như chúng tôi sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh.

 Vì một số trường ĐH công lập cũng xét học bạ. Năm 2015, trường đã tổ chức xét học bạ nhưng số lượng thí sinh đến nhập học rất ít. Kết thúc mùa tuyển sinh năm ngoái, với hai hình thức tuyển sinh, trường chỉ đạt trên 50% chỉ tiêu đề ra” – ông Hóa cho hay. Nói về dự kiến điểm chuẩn năm nay, ông Hóa cho biết chờ điểm sàn của Bộ, cũng giống như năm trước, trường sẽ lấy từ điểm sàn.

Còn đại diện trung tâm tuyển sinh, ĐH Thành Đô cho biết năm 2015, đợt 1 trường chỉ tuyển sinh được rất ít. Trường trông chờ ở các đợt xét tuyển sau. “Mùa tuyển sinh năm nay cũng giống năm 2015. Thực trạng chung của các trường ngoài công lập là đợi các trường công lập tuyển sinh xong rồi mới đến lượt mình. Trước và trong đợt đầu xét tuyển, chúng tôi chỉ nhận được một số ít hồ sơ những thí sinh xét tuyển bằng học bạ” – vị đại diện trung tâm tuyển sinh này cho biết.

Điểm xét tuyển đợt sau có thể thấp hơn đợt trước

Chiều 27/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm nay, với các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa, phổ điểm lệch về phía điểm cao nhiều hơn so với năm trước nên phổ điểm tổng hợp của các trường truyền thống A, A1, B có nhích về phía điểm cao. Các môn và khối còn lại tương tự như năm trước. Đặc biệt năm nay độ phân hóa phổ điểm về phía điểm cao tốt hơn nhiều. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay các trường tốp trên không có thay đổi gì nhiều so với điểm chuẩn năm trước.

Đối với các trường điểm chuẩn khối D mặc dù điểm môn tiếng Anh thấp hơn nhưng do số lượng thí sinh thi môn này là bắt buộc nên điểm để xác định ngưỡng chất lượng đầu vào cũng không có thay đổi nhiều. Đối với các trường tốp giữa có thể một số ít sẽ biến động. Năm nay quy chế tuyển sinh của Bộ không cấm các trường quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn hoặc bằng đợt trước.

Nghiêm Huê (tienphong.vn – 28/07/2016)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang