Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Đăng ký tuyển sinh qua mạng: Không có cơ hội đăng ký lại

25/07/2016

Ngày 1/8 tới, thí sinh bắt đầu cuộc đua đăng ký xét tuyển ĐH đợt 1. Năm nay thí sinh có thể đăng ký bằng nhiều hình thức như: trực tuyến, qua bưu điện hoặc đến trực tiếp tại các trường. Trong đó, hình thức đăng ký trực tuyến đang được Bộ GD&ĐT cũng như các trường kỳ vọng sẽ được thí sinh quan tâm để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí.

Đăng ký qua phần mềm chung của Bộ

Điểm mới trong đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ 2016 đó là nếu đăng ký trực tuyến, các thí sinh đăng ký qua website của Bộ GD&ĐT  http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, năm nay Bộ đã có một số điều chỉnh nhất định trong công tác xét tuyển sinh ĐH, CĐ như hồ sơ không được rút ra, nộp vào; Thí sinh chỉ đăng ký một lần, không có điều chỉnh như năm 2015.

Mặt khác, ông Ga cho biết, gói dữ liệu của thí sinh, các trường có thể lấy theo từng ngày hoặc đến ngày cuối. “Tuy nhiên năm nay, Bộ yêu cầu các trường ĐH không được công bố dữ liệu của thí sinh đăng ký vào trường mình trên mạng, tránh gây hoang mang cho thí sinh. Mặt khác, thí sinh có thể hiểu nhầm số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành đào tạo” - ông Ga nói.

Còn theo ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy lợi, việc tất cả thí sinh đều phải đăng ký qua phần mềm của Bộ sẽ giúp các trường kiểm soát số lượng thí sinh đăng ký về từng trường. “Nếu để thí sinh đăng ký vào website của từng trường, dễ dẫn đến tình trạng các trường không biết thí sinh đó đã đăng ký những trường nào, đã hết nguyện vọng hay chưa. Không có sự kết nối dữ liệu, các trường tuyển sinh sẽ lộn xộn” - ông Thạc cho hay. Theo đánh giá của ông Thạc thì phần mềm này giải quyết được những khó khăn của các trường trong việc tuyển sinh chung từ kết quả thi THPT quốc gia hiện nay.

Thí sinh không có cơ hội đăng ký lại

Theo dự kiến, từ 25/7 đến 30/7, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được đăng ký thử bằng phần mềm trực tuyến mới này và nếu có vướng mắc sẽ điều chỉnh. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng phần mềm này rất tiện. “Tôi tin rằng sẽ có khoảng 80% thí sinh sẽ đăng ký bằng hình thức này. Tuy nhiên, những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển, rất có thể lượng thí sinh đăng ký sẽ tăng lên. Bộ GD&ĐT cũng cần tính toán phương án giảm tải” - ông Điền cho hay.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, số lượng thí sinh đăng ký trực tuyến sẽ không như Bộ GD&ĐT kỳ vọng. “Vào ĐH là sự kiện trọng đại của mỗi gia đình. Do đó, nhiều phụ huynh và ngay cả các thí sinh sẽ không yên tâm khi không được trực tiếp đến trường nộp phiếu đăng ký hoặc gửi qua bưu điện” - ông Lập nghi ngại.

“Sau khi khai xong phiếu, khi ấn câu lệnh gửi đi, lập tức sẽ được hỏi một lần nữa để khẳng định quyết định của thí sinh là quyết định cuối cùng. Do đó, nếu thí sinh đã ấn nút gửi, mọi thông tin sẽ không thể sửa được nữa. Thí sinh có muốn đăng ký lại cũng không được. Dữ liệu sẽ được lập tức gửi về máy chủ” - ông Điền cho biết. 

Thận trọng trong nộp hồ sơ

Khác với mọi năm, kỳ xét tuyển năm nay, thí sinh khi trúng tuyển phải xác nhận với trường bằng cách nộp cho trường bản chính của giấy chứng nhận kết quả thi. Quá thời hạn quy định, thí sinh coi như không nhập học và hủy kết quả trúng tuyển. Đó là một trong những điểm mới của cách xét tuyển đại học- cao đẳng (ĐH- CĐ) năm nay so với năm 2015 được ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết tại ngày hội xét tuyển ĐH- CĐ tổ chức tại TPHCM ngày 24/7.

Ông Nghĩa cho biết, quy định tuyển sinh năm nay có nhiều thay đổi và điểm mới, đặc biệt là thời gian đăng kí xét tuyển ngắn hơn và học sinh phải xác nhận học tại trường. Ở đợt 1 xét tuyển là 12 ngày và 10 ngày ở các đợt bổ sung. Trong các đợt xét tuyển, thí sinh không được rút lại hồ sơ đã nộp. 

Vì vậy, theo ông Nghĩa trong lịch xét tuyển năm 2016, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải xác nhận với trường mình trúng tuyển là có nguyện vọng học bằng cách nộp cho trường bản chính của giấy chứng nhận kết quả thi (mỗi thí sinh chỉ được cụm thi cấp 1 bản chính). Các thí sinh chỉ trúng tuyển một trường cũng phải đăng ký xác nhận nhập học. “Nếu thí sinh nào không nộp giấy báo điểm thì nhà trường coi như không học và sẽ hủy kết quả trúng tuyển”, ông Nghĩa lưu ý.

Về điểm chuẩn, đại diện Bộ GD &ĐT khẳng định, phổ điểm năm nay tương đương 2015, nhưng số học sinh dự thi giảm so với năm ngoái nên chắc chắn điểm xét tuyển sẽ giảm hơn so với năm 2015 từ 0,5 điểm. “Nếu thí sinh có điểm thi bằng điểm chuẩn của trường, ngành năm ngoái thì việc nộp hồ sơ có thể trúng tuyển.

 Nhưng nếu thấp hơn năm ngoái 0,5 điểm thì phải cân nhắc vì có thể điểm sẽ thay đổi ở thời gian cuối. Vì thế, các em có thể tham khảo điểm trúng tuyển năm ngoái của các ngành để làm cơ sở nộp hồ sơ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ngày 28/7 Hội đồng đảm bảo ngưỡng chất lượng tối thiểu sẽ họp quyết định ngưỡng đầu vào để công bố. Kết quả sơ bộ các môn chính Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học đều  cho thấy điểm trung bình nằm ở ngưỡng  5 - 6 điểm. 

Môn Ngoại ngữ  thấp hơn.  “Bên cạnh đó, chỉ tiêu vào ĐH năm nay khoảng 400.000, trong đó, có khoảng 300.000 chỉ tiêu vào các trường ĐH lấy kết quả thi THPT quốc gia, 100.000 chỉ tiêu xét từ  học bạ. Từ đó thí sinh có thể dự đoán được điểm sàn năm nay sẽ như thế nào” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.

Ông Trần Văn Nghĩa cho biết: Để có thể đăng ký được trực tuyến, thí sinh phải có các điều kiện: mã số dự thi của mình, số chứng minh thư nhân dân, số điện thoại di động liên hệ, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và các trường muốn đăng ký đã đẩy dữ liệu của trường lên mạng. Về mã số dự thi, nếu thí sinh quên thì cần lên sở GD&ĐT của mình để xin lại. 

Hoa Ban - Nguyễn Dũng
(tienphong.vn – 25/07/2016)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang