Tuyển sinh 2014: dùng dằng riêng - chung
03/12/2013
Trong khi ĐH Quốc gia Hà Nội đã sẵn sàng tuyển sinh riêng, có thể áp dụng ngay trong năm 2014 thì nhiều trường ĐH công lập khác tỏ ra chưa mặn mà với phương án mới này.
Có ý kiến cảnh báo khi năng lực của các trường chưa đồng đều, mục đích thực hiện tuyển sinh riêng của nhiều trường không hẳn vì chất lượng mà cốt yếu chỉ để “gom” được thật nhiều thí sinh, tăng nguồn tuyển, tăng nguồn thu. Việc “thả cửa” tuyển sinh riêng có thể để lại nhiều hậu quả mà Bộ GD-ĐT sẽ phải “đau đầu” giải quyết sau này.
“3 chung” đến cùng
GS Ngô Thế Chi - giám đốc Học viện Tài chính - khẳng định trường vẫn sẽ theo phương án “ba chung” đến cùng vì “thí sinh có thể liên thông, dùng chung kết quả, không đỗ trường này còn xét tuyển được vào trường khác”.
“Chưa kể mỗi trường có một đặc thù riêng, trường khan hiếm tuyển sinh thì có xu hướng dễ dãi trong coi thi và cả trong quá trình chấm thi. Việc nới lỏng chấm thi thực tế đã được một số trường áp dụng ngay trong khi vẫn đang thực hiện ba chung” - GS Chi nhận định.
TS Lê Thị Thu Thủy - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương - cho hay trường chưa có phương án tuyển sinh riêng. Nếu thực hiện tuyển sinh riêng, các trường vốn không có giáo viên ở các môn văn hóa theo cấp học phổ thông sẽ gặp nhiều khó khăn.
Còn PGS.TS Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho rằng việc để các trường tự quyết cách thức tuyển sinh là xu thế tất yếu, nhưng các trường vẫn cần sự hỗ trợ ở khâu ra đề.
“Cần thiết có một đơn vị chuyên trách làm đề thi vì năng lực từng trường rất khác nhau mà việc ra đề rất khó. Tốt nhất là có đơn vị độc lập tập hợp được các chuyên gia, chuyên ra đề thi theo chuẩn, sau đó chuyển cho cơ quan như Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đánh số đề thi, bảo đảm bí mật đề thi” - PGS Thắng nói.
Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng - hiệu trưởng Trường ĐH FPT, trường ĐH thực hiện phương án tuyển sinh thông qua bài thi đánh giá năng lực học sinh (có kèm điều kiện đạt điểm sàn kỳ thi “ba chung”) trong suốt bảy năm qua - khẳng định việc tuyển sinh riêng theo đánh giá năng lực học sinh là đáp số phù hợp cho cuộc thi tuyển lựa người học ĐH.
“Ngay cả tuyển dụng sau này, các đơn vị cũng đánh giá theo tố chất, chứ nào có phải kiểm tra lại toàn bộ kiến thức các em đã học được trong trường?” - TS Tùng phân tích. Tại Trường ĐH FPT, ở kỳ thi sơ tuyển, thí sinh sẽ chỉ phải thi trong vòng một buổi với phần thi trắc nghiệm 90 câu kéo dài 120 phút và bài viết luận trong thời gian 60 phút.
Kết hợp riêng - chung
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho hay thực tế Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từng xây dựng đề án tuyển sinh riêng khi Bộ GD-ĐT đưa ra chủ trương này như một “quyền ưu tiên” cho các trường ĐH trọng điểm vài năm trước.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất khiến trường không thực hiện được kế hoạch là thời điểm tuyển sinh. Theo ông Lương, nếu tuyển sinh riêng trước “ba chung”, số dự thi rất đông nhưng “ảo” cũng lớn, sau này thí sinh lựa chọn cơ hội trúng tuyển ở các trường ĐH khác tại kỳ thi “ba chung” thì rất rối cho nhà trường.
Nếu tuyển sinh trùng thời điểm “ba chung”, trong khi kết quả tuyển sinh riêng vào trường không sử dụng chung để xét vào trường khác thì thiệt thòi cho thí sinh, số lượng dự tuyển sẽ rất ít. Còn tuyển sinh riêng sau “ba chung” thì người dự thi phần lớn là học sinh có học lực không tốt, không phải là đối tượng tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
“Gần đây, trường cũng nghĩ đến phương án sơ tuyển trước “ba chung”, nhưng sơ tuyển thế nào là một bài toán không đơn giản. Ở thời điểm này trường vẫn đang chờ Bộ GD-ĐT ban hành quy chế mới. Nếu quy định mới thật sự phù hợp để áp dụng thi riêng, trường sẽ tiếp tục nghiên cứu và thông báo ở thời điểm để đủ thời gian cho thí sinh chuẩn bị” - PGS Lương nói.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc tuyển sinh qua bài thi đánh giá năng lực mà ĐH Quốc gia Hà Nội đang xây dựng có một số điểm tương đồng với cách làm của Trường ĐH FPT. Song khác biệt lớn là thí sinh thi vào Trường ĐH FPT sau kỳ “thi riêng” sẽ lại tiếp tục “khăn gói” tham gia kỳ thi “ba chung”, chứ không được nhận quyết định trúng tuyển ngay. Vậy khi Bộ GD-ĐT chấm dứt việc “xin - cho” tuyển sinh riêng, trường nào đủ điều kiện là thực hiện, liệu Trường ĐH FPT có bỏ điều kiện “ba chung” đi kèm?
TS Lê Trường Tùng cho hay trường sẽ vẫn duy trì việc kết hợp đánh giá theo yêu cầu riêng với kết quả thi “ba chung”. Kể cả khi “ba chung” kết thúc sứ mệnh lịch sử thì ĐH FPT sẽ lại kết hợp với việc đánh giá kết quả thi tốt nghiệp THPT theo nguyên lý “có thêm bộ lọc sẵn có thì càng tốt”.
Thực tế, hằng năm tại Trường ĐH FPT vẫn có 15-20% thí sinh dù vượt qua bài thi đánh giá năng lực, nhưng sau đó lại trượt kỳ thi “ba chung”, không đủ điều kiện trở thành SV theo đúng quy chế. Số thí sinh này vẫn có cơ hội học ở Trường ĐH FPT theo một chương trình đào tạo chủ yếu về tiếng Anh, chờ năm sau tiếp tục tham dự kỳ thi “ba chung” để xét có thể đỗ ĐH hay không.
NGỌC HÀ
Khó triển khai phỏng vấn đại trà
Trước phương án thi riêng bằng cách kết hợp nhiều hình thức đánh giá (làm bài đánh giá năng lực, phỏng vấn, xét hồ sơ), PGS.TS Lê Trọng Thắng cho rằng trong điều kiện bảo đảm minh bạch, công khai ở VN còn quá nhiều hạn chế, thì nếu thi riêng mà người phỏng vấn đánh giá theo chủ quan hay “chấm điểm theo quan hệ” thì kết quả thi cử sẽ không thể chính xác. “Cũng phải lưu ý hình thức phỏng vấn rất phù hợp với việc tuyển sinh hẹp, đối tượng tuyển sinh cho các chương trình chất lượng cao như ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến triển khai. Nhưng khi tiến hành đại trà, mỗi trường có đến vài chục nghìn thí sinh thì phương thức này chắc chắn cần những điều chỉnh cho phù hợp” - ông Thắng nói.
|
Nguồn: tuoitre.vn