7 điểm/môn thi, thí sinh mới có cơ hội vào trường đại học tốp đầu
12/07/2015
Qua tuần đầu chấm thi, theo nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh, điểm thi của thí sinh cao, phổ điểm trải dài đều ở mức 5-6-7 điểm, thí sinh có điểm xuất sắc ít hơn mọi năm…Chính vì điều này làm công tác xét tuyển của nhiều trường đại học sẽ có nhiều biến động.
Phổ điểm thi phân hóa thí sinh
Tại cụm thi 19, tỉnh Sơn La do Trường Đại học Tây Bắc chủ trì đã chấm thi từ ngày 7/7. Theo lãnh đạo trường ĐH Tây Bắc, kết quả bước đầu cho thấy, phổ điểm nhiều nhất là từ 4 - 7 điểm, mức điểm 8 – 9 cũng đã có nhưng không nhiều.
Tại cụm thi Trường Đại học Thủy Lợi, theo GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng nhà trường, trưởng Ban chấm thi cho biết, theo nhận định ban đầu của cán bộ chấm thi thí sinh làm bài khá tốt và phổ điểm trung bình tập trung ở mức 5 – 7 điểm, cũng có nhiều bài thi đạt 9 – 10 điểm.
Còn tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, theo lãnh đạo nhà trường, phổ điểm trải đều ở mức 6,5 – 7,5 điểm, điểm cao như 9 – 10 ít hơn mọi năm. Cụm thi Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cũng ước tính phổ điểm ban đầu rơi nhiều vào mức từ 5 - 7 điểm.
Cụm thi Trường Đại học Vinh, theo lãnh đạo nhà trường qua số bài chấm cho thấy phổ điểm môn Văn trải dài từ 4 - 8 điểm, môn Địa lí số thí sinh đạt điểm từ 6 - 8 tương đối nhiều. Lượng bài thi được điểm 7,8,9 ở các môn cũng khá nhiều, ít điểm liệt.
Nhận định ban đầu về mức điểm thi năm nay, lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho hay, qua đánh giá lượng bài thi như đã chấm cho thấy điểm có tính phân loại cao và rải đều từ điểm liệt đến điểm 8 – 9. Với phổ điểm này sẽ dễ dàng cho các trường từ tốp đầu đến tốp sau tuyển thí sinh thuận lợi. Trường tốp đầu sẽ lấy những thí sinh đạt điểm gần, cận ngưỡng và điểm tuyệt đối, tiếp đó là thứ tự xuống những trường tốp dưới
Một chuyên gia tuyển sinh nhận định, với học sinh chỉ có nguyện vọng lấy điểm xét tốt nghiệp THPT thì mức trung bình phổ biến là hoàn toàn hợp lý. Còn phổ điểm khá giỏi từ mức 7 – 8 và 9 – 10 sẽ ít dần lên cũng là đúng theo tiêu chí đánh giá năng lực học tập của thí sinh để các trường đại học lớn tuyển người học.
Trường ĐH tốp đầu: Dự kiến điểm chuẩn sẽ nhiều biến động
Mặc dù nhận định phổ điểm thi năm nay cao nhưng lãnh đạo nhiều trường đại học cho biết, hiện rất khó dự đoán điểm xét tuyển vào trường bởi năm nay một kỳ thi với 2 mục đích, phải chờ có phổ điểm chung chính thức của cả nước và điểm ngưỡng quy định của Bộ GD-ĐT mới định ra mức dự kiến điểm chuẩn.
Với các trường đại học tốp đầu, điểm chuẩn hàng năm thường có khoảng cách khá xa với mức điểm ngưỡng mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Do đó, năm nay mặc dầu tuyển sinh có nhiều thay đổi lớn nhưng với kế hoạch chuẩn bị từ trước nên ngay từ khi công bố phương án tuyển sinh 2015, nhiều trường đã quy định rõ điều kiện tuyển của mình.
Cụ thể, trường ĐH Kinh tế quốc dân, khi công bố phương án tuyển sinh đã nói rõ điểm trúng tuyển vào từng ngành cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ ít nhất 2 điểm. Trong xét tuyển đợt 1, Trường xét ngành nguyện vọng 1 (NV1) trước. Tại mức điểm trúng tuyển vào từng ngành, nếu còn chỉ tiêu, Trường xét tiếp ngành NV2 cho những thí sinh có đăng ký ngành NV2. Trường xét tương tự như vậy đối với ngành NV3, ngành NV4.
Tương tự, Học viện tài chính cũng xét tuyển theo từng ngành. Điểm trúng tuyển vào từng ngành cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo ít nhất 2 (hai) điểm.
Tiếp tục thực hiện phương thức tuyển sinh theo năm trước, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trước khi thi đã “lọc” thí sinh bằng hình thức yêu cầu thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc 03 môn xét tuyển, tính cho 06 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên. Trường sẽ kiểm tra điều kiện này dựa trên học bạ THPT (bản gốc) của thí sinh trúng tuyển khi đến Trường làm thủ tục nhập học. Chính vì vậy, thí sinh có điểm ở kỳ thi quốc gia chung dù cao nhưng không đáp ứng được điều kiện cần trên vẫn bị loại.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường sẽ đưa ra một ngưỡng điểm để giúp những thí sinh không có cơ hội vào trường đỡ mất công nộp hồ sơ.
Như vậy, với phổ điểm thi năm nay cao, dự đoán có thể điểm chuẩn một số ngành của trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ “nhích” hơn năm trước một chút.
Cũng dùng phương pháp loại trừ ngay thí sinh có lực học trung bình từ vòng nộp hồ sơ, Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu điều kiện để được nộp hồ sơ dự tuyển là điểm trung bình chung học tập từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở lên, hạnh kiểm từ loại khá trở lên, tổng điểm 3 môn thi theo từng khối thi đạt mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường.
Học viện Ngân hàng cũng khẳng định điều kiện sơ tuyển của thí sinh là phải có điểm trung bình chung tích lũy tất cả môn của từng năm học THPT từ 6,5 điểm trở lên.
Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến sơ tuyển đầu vào với tiêu chí tổng điểm trung bình 5 học kỳ THPT (6 học kỳ đối với TS đã tốt nghiệp các năm trước) của các môn toán, hóa, sinh phải trên 7 đối với hệ bác sĩ và trên 6 đối với hệ cử nhân.
Sẽ có ngưỡng điểm chung cho tất cả các tổ hợp
Trao đổi với Dân trí, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sau khi có kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc, Bộ GD -ĐT sẽ phân tích xác định ngưỡng chất lượng đầu vào phù hợp để dựa vào đó các trường lên phương án xét tuyển.
Ngưỡng chất lượng đầu vào là ngưỡng tối thiểu mà các trường không được phép tuyển thí sinh có kết quả thi thấp hơn.
Theo ông Ga, đối với kỳ thi "ba chung" do số khối thi rất ít nên Bộ qui định điểm sàn cho từng khối. Đối với kỳ thi THPT quốc gia do tổ hợp các môn xét tuyển rất đa dạng cách xác định ngưỡng chất lượng đầu vào sẽ khó có thể xác định cho từng tổ hợp xét tuyển mà có thể, ví dụ xác định một ngưỡng chung cho tất cả các tổ hợp xét tuyển dựa vào thống kê kết quả điểm sàn của gần 10 năm thực hiện kỳ thi "ba chung".
|
Hồng Hạnh
Nguồn: dantri.com.vn