Những điểm mới quan trọng trong xét tuyển ĐH,CĐ 2015
08/07/2015
Bắt đầu từ ngày 1/8, các trường ĐH,CĐ nhận hồ sơ xét tuyển sinh. Năm nay là năm đầu tiên thực hiện theo phương thức tuyển sinh mới nên thí sinh cần hết sức lưu ý thông tin xét tuyển của các trường và quy định nộp nguyện vọng để tránh thiệt thòi.
Bộ GD-ĐT quy định, trước ngày 20/7, các cụm thi phải hoàn thành công tác chấm thi và công bố điểm cho thí sinh. Ngày 1/8, các trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ. Theo đó, điểm xét tuyểncủa các trường không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định và đảm bảo yêu cầu: điểm xét tuyển đợt xét tuyển sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.
Xét tuyển nguyện vọng I: Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng
Thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển đợt I để đăng kí vào 01 trường (ĐH, CĐ), mỗi trường thí sinh được đăng kí tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng kí ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng kí sang trường khác.
Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng kí ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Thí sinh không được rút hồ sơ
Thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng kí tối đa vào 3 trường và mỗi trường được đăng kí tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển thí sinh được rút hồ sơ để đăng kí xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
Hồ sơ ĐKXT bao gồm:
Phiếu đăng kí xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, được đăng kí 4 ngành của một trường cho mỗi đợt xét tuyển, các nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Mỗi nguyện vọng cần chỉ rõ ngành đăng kí xét tuyển và tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển.
Bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi ghi rõ đợt xét tuyển và điểm của tất cả các môn thi mà thí sinh đã đăng kí dự thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi.
01 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh.
3 cách nộp hồ sơ và lệ phí ĐKXT
Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.
Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Để tạo điều kiện cho người tham gia ĐKXT, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH, CĐ nhận và trả hồ sơ ĐKXT theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, các trường cần có quy định cụ thể và công bố công khai để thí sinh thực hiện đúng quy định.
Thí sinh chỉ được chọn 1 nguyện vọng trúng tuyển
Bộ GD-ĐT quy định, các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường Dự bị đại học được phân về trường); căn cứ vào thống kê điểm do máy tính cung cấp đối với các đối tượng và khu vực dự thi; căn cứ vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển; căn cứ điểm xét tuyển của từng đợt xét tuyển do trường quy định, Ban thư ký trình HĐTS trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Khi thí sinh đăng kí vào trường nhiều hơn 1 nguyện vọng, các nguyện vọng của thí sinh đều được xét tuyển một cách bình đẳng. Nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở nhiều nguyện vọng đã đăng kí, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển ở nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất trong danh sách đăng kí của thí sinh.
Hồng Hạnh
(dantri.com.vn)