Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Trường thi đại học bù lỗ tiền tỉ

26/06/2012

 

Văn phòng Tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho biết: Năm 2012, có 604.281 thí sinh đăng ký dự thi vào 38 trường ĐH và 20 trường CĐ tại TPHCM. Theo đó, đợt 1 có 217.858 thí sinh đăng ký dự thi tại 189 điểm thi; Trường ĐH Sài Gòn có số thí sinh dự thi đông nhất (24.000), kế đến là Trường ĐH Công nghiệp (18.846), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (16.250), Trường ĐH Tài chính Marketing (15.641)…

 

Giảm ảo vẫn lỗ

 

Đợt 2 có 241.099 thí sinh dự thi tại 186 điểm thi, trong đó một số trường có đông thí sinh dự thi là Trường ĐH Nông Lâm (26.640), Trường ĐH Y Dược (20.100), Trường ĐH Sài Gòn (19.808). Đợt 3 có 172.324 thí sinh dự thi tại 127 điểm thi. Trong đó, Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại có số thí sinh dự thi đông nhất (28.110), kế đến là Trường CĐ Công Thương (26.276), Trường CĐ Tài chính Hải quan (21.843)…

 

Như vậy, tại cụm thi TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn có đông thí sinh dự thi nhất với 43.808 em ở 42 điểm thi, tiếp đến là Trường ĐH Nông Lâm có 40.592 thí sinh dự thi tại 35 điểm thi, Trường ĐH Công nghiệp có 29.963 em dự thi tại 18 điểm thi, Trường ĐH Tài chính Marketing có 28.247 thí sinh dự thi tại 22 điểm thi.

 

Theo thông tin từ các trường, số lượng hồ sơ ảo năm nay giảm đáng kể. Hầu hết ở mỗi đợt, thí sinh chỉ nộp một bộ hồ sơ. Việc bố trí phòng thi dựa trên tổng số hồ sơ đăng ký của thí sinh, trường không bớt được chỗ do ít có hồ sơ ảo như mọi năm. Việc thí sinh đăng ký thi đông khiến cho nhiều trường đứng trước bài toán tài chính khó khăn, thậm chí đã tính được mức lỗ cho kỳ thi lên đến tiền tỉ.

 

Bấm bụng chịu lỗ

 

Ông Phạm Thái Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm, cho biết giá thuê địa điểm thi tăng chóng mặt, từ 300.000-500.000 đồng/phòng. Trường có hơn 22.000 thí sinh dự thi nên phải thuê khoảng 500 phòng thi.

 

Chỉ riêng chi phí thuê phòng thi dự kiến đã mất hơn 200 triệu đồng. Thù lao cán bộ coi thi chi trả theo thỏa thuận nhưng cũng tăng hơn so với năm trước. Nếu phải thuê 1.000 cán bộ coi thi như dự kiến thì trường cần chi hết khoảng 500 triệu đồng. Tiền in sao đề thi dự kiến cũng tăng hơn năm trước, tốn khoảng 900 triệu đồng.

 

“Để tổ chức kỳ thi, trường phải chịu lỗ khoảng 600 triệu đồng. Nếu tính cả thù lao chấm thi thì lỗ tiền tỉ” - ông Sơn băn khoăn.

 

Tương tự, tại Trường ĐH Tài chính Marketing, ông Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo, cho biết trường thuê 467 phòng thi khối A, 393 phòng thi khối D. Số lượng cán bộ làm công tác coi thi đợt 1 là 1.500 người, đợt 2 là 1.100 người.

 

Giá thuê mỗi phòng thi khoảng 300.000 đồng, chi phí trả cho cán bộ coi thi 500.000 đồng/người/đợt. Riêng hai khâu này, trường phải bỏ ra hơn 1 tỉ đồng. Ngoài ra, còn hai khâu chiếm chi phí rất lớn là in sao đề thi và chấm thi (12.000 đồng/bài) nên tính sơ cũng đã lỗ hàng trăm triệu đồng.

 

Đại diện các trường cho biết lệ phí của thí sinh thu về chỉ 67.000 đồng/em, trong khi giá cả tăng cao nên phải bấm bụng chịu lỗ. Ông Tuấn cho biết dù lỗ nhưng vẫn hy vọng thi đông thì sẽ chọn được những thí sinh chất lượng.

 

Tuy nhiên, đại diện nhiều trường cho rằng Bộ GD-ĐT cần có sự hỗ trợ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các trường khi kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ ngày càng tốn kém.

 

Hồ sơ sai sót nhiều

 

Đại diện nhiều trường ĐH cho biết số hồ sơ sai sót năm nay rất nhiều. Trong đó, không ít trường hợp phiếu số 1 và số 2 thông tin không trùng nhau. Ngoài ra, rất nhiều hồ sơ bị sai sót mã ngành, thậm chí sai cả khối thi.

 

Ông Phạm Thái Sơn cho biết Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm phải gửi thông tin về các trường THPT và sở GD-ĐT để đối chiếu, sau đó chỉnh sửa để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.

 

Văn phòng Tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cũng cho biết số hồ sơ sai sót nhiều, chủ yếu ở mã ngành do năm nay thay đổi. Hiện các trường vẫn tiếp tục phát giấy báo thi cho thí sinh.

 

THÙY VINH

(nld.com.vn)

 

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang