Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Trường đại học tổ chức thi riêng ở năm 2021 như thế nào?

15/12/2020

Hiện tại, các trường đại học đang lên phương án dự kiến cho tuyển sinh năm sau. Đáng chú ý trong đó là việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Tuy nhiên, kịch bản như năm 2020 có lặp lại khi hàng loạt trường đại học tốp trên, các trường khối sức khỏe đã lên phương án tuyển sinh riêng nhưng phút cuối lại thông báo hủy bỏ.

Nhiều phương án

ĐHQG TP. HCM vừa tổ chức cuộc họp cho phương án tổ chức thi riêng, dự kiến năm sau. Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tiếp tục được ĐHQG TP. HCM tổ chức 2 đợt vào năm 2021. Cụ thể, đợt 1 dự kiến vào ngày 28/3 và đợt 2 khoảng sau từ 7 - 10 ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào ngày 4/7.

Việc tổ chức kỳ thi riêng của ĐHQG TP. HCM dựa trên tinh thần giữ ổn định như các năm trước, kể cả cách thức tổ chức thi, hình thức làm bài và cấu trúc đề thi. Những điều chỉnh nhỏ hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh khi tham dự kỳ thi này.

Cụ thể, sự thay đổi nếu có là việc có thể mở rộng thêm địa điểm thi ở khu vực Tây nguyên và thêm một cụm thi khác ở miền Trung để thí sinh dễ dàng hơn trong việc di chuyển. Các cụm thi đã ổn định năm trước sẽ tiếp tục duy trì trong kỳ thi năm nay như TP. HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Việc này sẽ được hội đồng thi quyết định dựa trên thực tế số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Việc đăng ký dự thi và nộp lệ phí cũng hỗ trợ hình thức trực tuyến cho thí sinh.

Về đề thi, cấu trúc đề sẽ giữ ổn định nhưng câu hỏi sẽ tiếp tục được làm mới để phù hợp hơn với thực tế. ĐHQG TP. HCM sẽ công bố bài thi mẫu dự kiến trong tháng 12/2020, với nội dung bài thi khác với đề thi mẫu đã công bố các năm trước đó.

Tương tự, trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM cũng đang cân nhắc việc có thể tổ chức trở lại kỳ thi đánh giá năng lực. Nếu kỳ thi này được tổ chức, sẽ có điều chỉnh nhỏ về môn thi. Trong đó, thí sinh sẽ dự thi 2 môn bắt buộc gồm: Toán và Logic (2 môn này được tách ra từ môn Toán - Tư duy  logic  trước đây). Ngoài ra, thí sinh sẽ chọn thi 1 trong 4 môn tự chọn gồm Tiếng Anh, Lý, Hóa và Sinh.

Mùa tuyển sinh 2021, trường ĐH Việt Đức dự kiến sử dụng 3 phương thức xét tuyển. Đáng chú ý, trường này dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh viên đầu vào.

Cụ thể, trường ĐH Việt Đức sẽ tổ chức kỳ thi riêng testAS vào tháng 5/2021, bài thi gồm 2 phần: kiến thức cơ bản kiểm tra trình độ IQ (110 phút) và kiến thức khối chuyên ngành (145 - 150 phút). Ở phần thi kiến thức chuyên ngành, thí sinh chọn bài thi Toán học, Khoa học máy tính và Khoa học tự nhiên để xét vào ngành Khoa học máy tính. Thí sinh làm bài kỹ thuật để xét vào ngành Kỹ thuật điện và máy tính, Kỹ thuật cơ khí, Kiến trúc và Kỹ thuật xây dựng. Bài thi kinh tế học được dùng để xét tuyển vào ngành Tài chính và kế toán, Quản trị kinh doanh.

Ở phương thức xét tuyển, trường sử dụng kết quả học bạ của lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Bộ GD - ĐT tổ chức.

Phương thức xét tuyển thẳng, trường sử dụng các văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp THPT quốc tế như TestAS, SAT, IBD, AS/A-Level, IGCSE, WACE … hoặc thí sinh đạt giải học sinh giỏi Olympic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia.

Lo đứt gánh giữa đường

Ở kỳ tuyển sinh 2020, nhiều trường đại học cũng lên kế hoạch tổ chức kỳ thi riêng. Tuy nhiên, hàng loạt trường đại học tốp trên, các trường khối sức khỏe đã lên phương án tuyển sinh riêng nhưng phút cuối lại thông báo hủy bỏ.

Cụ thể, GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường khối ngành sức khỏe cho hay, một trong các phương án mà hội đồng sẽ thảo luận là tổ chức kỳ thi riêng ở năm 2020. Tuy nhiên, cuối cùng phương án này không được triển khai vì phải có một số điều kiện như có ngân hàng đề thi và chắc chắn Bộ GD - ĐT sẽ phải hỗ trợ. Nếu các trường tổ chức thì các cơ quan khác cũng phải vào cuộc như chính quyền, công an… như vậy chi phí rất lớn và phải có quy chế tài chính cụ thể. Ngoài ra, cần phải tính toán đến việc tổ chức thi như thế nào, bảo đảm an ninh, an toàn. Điều khó khăn với các trường là thời gian chuẩn bị quá gấp gáp.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng như dự kiến ban đầu mà theo 3 phương thức. Đó là tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD - ĐT, xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã điều chỉnh phương án tuyển sinh năm 2020. Theo đó, trường sẽ không tổ chức kỳ thi riêng như kế hoạch trước đây. Chốt phương án tuyển sinh chính thức năm 2020, trường ĐH Tôn Đức Thắng sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: xét theo kết quả học tập bậc THPT; xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020; xét tuyển thẳng.

Còn TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TP. HCM cho rằng, trong quy chế tuyển sinh năm 2020 có một số yêu cầu mới đối với các trường tổ chức kỳ thi riêng. Do thời gian từ khi ban hành quy chế đến khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều nên trường quyết định tạm ngưng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Năm 2020 trường chỉ sử dụng 3 phương thức xét tuyển là: kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM năm 2020; xét tuyển học bạ THPT.

Với ĐHQG TP. HCM, năm 2020 đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho hơn 53.000 thí sinh đăng ký. Kỳ thi diễn ra đồng loạt tại bốn cụm thi, gồm TP. HCM, Nha Trang, Bến Tre, An Giang với 30 địa điểm thi. Trong đó, cụm thi tại TP. HCM có đông thí sinh dự thi nhất với hơn 40.000 thí sinh tại 21 địa điểm thi. Bài thi được ra dưới hình thức trắc nghiệm với 120 câu hỏi ở nhiều lĩnh vực. Thời gian làm bài trong 150 phút.

Tuy nhiên, thống kê từ bốn cụm thi trong đợt một, chỉ có khoảng 44,5% thí sinh tham dự kỳ thi trong khi tổng số thí sinh đăng ký là khoảng 53.000 người. Với số liệu này, kỳ thi có 23.768 thí sinh tham dự, bỏ thi là 29.573 người.

Trong đó, tỉ lệ vắng thi ở cụm thi TP. HCM cũng dẫn đầu với 23.780 vắng thí trong tổng số 43.770 người đăng ký (tỉ lệ 45,67%). Tiếp đó là Nha Trang với 41,82%; Bến Tre là 38,59% và An Giang là 37,06%.

Theo lãnh đạo ĐHQG TP. HCM, số thí sinh vắng nhiều đã nằm trong dự đoán của Hội đồng tổ chức thi. Có 3 nguyên nhân dẫn đến số thí sinh bỏ thi nhiều. Thứ  nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thứ hai là kỳ thi diễn ra sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT nên nhiều bạn đã biết kết quả, thậm chí tự tin với kết quả thi rồi nên không cần thi nữa. Và đặc biệt là nhiều thí sinh đã đậu đại học bằng cách xét học bạ.

QUẾ SƠN
svvn.tienphong.vn – 15/12/2020

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang