Thi tốt nghiệp THPT: Cách làm bài thi khôn ngoan
01/06/2013
Ngày mai (2.6), học sinh lớp 12 trên toàn quốc sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước giờ thi, các chuyên gia có những lời khuyên, “thủ thuật” giúp thí sinh làm bài vừa không phạm quy vừa đạt điểm cao nhất có thể.
Nên chọn phần riêng đã học
Tham gia chương trình Tư vấn mùa thi năm 2013 của Báo Thanh Niên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), tư vấn: “Mặc dù không yêu cầu phải chọn phần đề riêng ứng với chương trình được học như những năm trước, song Bộ GD-ĐT khuyến cáo các thí sinh (TS) nên chọn phần đề riêng ứng với chương trình mình được học và ôn tập để có kết quả bài thi cao nhất”.
Trong quá trình học, rõ ràng chương trình nâng cao có những phần nội dung kiến thức khó hơn chương trình cơ bản. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều giáo viên và chuyên gia đã từng tham gia làm đề thi, phải tính toán, cân nhắc sao cho mức độ khó giữa hai phần riêng tương đương nhau để khi vào phòng thi TS sẽ khó nhận ra được phần riêng nào dễ hơn. Vì vậy, cần tránh trường hợp TS học nâng cao nghĩ rằng vì phần đề riêng dành cho chương trình cơ bản dễ hơn nên chọn làm, sau đó lại lúng túng vì kiến thức chưa được ôn tập kỹ.
Đối với bài thi trắc nghiệm, ông Nghĩa tư vấn: “TS nên bắt đầu từ câu số 1, lần lượt lướt nhanh, quyết định làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn. Đối với những câu chưa làm được cũng cần xem xét loại trừ các phương án sai, đánh dấu vào nháp”. Theo ông Nghĩa, TS nên thực hiện đến câu trắc nghiệm cuối cùng trong đề, sau đó quay trở lại làm những câu đã tạm thời bỏ qua, cố gắng trả lời tất cả các câu để có cơ hội giành điểm cao nhất.
Đề mở vẫn phải đủ ý
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đề thi năm nay dành 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Việc ra đề mở, kích thích khả năng sáng tạo, vận dụng của TS được Bộ GD-ĐT xem là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng học thuộc lòng, học vẹt của một bộ phận học sinh hiện nay.
Một giáo viên của Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) tham gia chấm thi nhận xét: “Các em có vẻ hào hứng với đề mở nhưng nhiều khi quá sa đà vào việc “tán hươu, tán vượn” viết rất dài dòng, dùng nhiều từ hoa mỹ nhưng đọc mãi người chấm không nhặt ra được ý tưởng nào hay để cho điểm, thậm chí còn bị coi là không hiểu đề”.
Bởi vậy, các giáo viên khuyến cáo rằng đề mở nhưng vẫn có ba rem đáp án chi tiết, vì vậy TS đừng tham dài mà nên viết ngắn gọn nhưng đủ ý. “Cấu trúc đề thi môn văn thường gồm 3 câu, phần nghị luận xã hội chiếm chưa đầy 1/3 tổng số điểm bài thi (3 điểm) nên TS không nên dành quá nhiều thời gian để say sưa với phần này mà quên các câu hỏi khác”, bà Kim Anh - giáo viên dạy văn Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) khuyên.
Ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên môn địa lý Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, tư vấn: “Với từng câu hỏi, TS cần dành thời gian phác thảo đề cương, vạch ra các ý cần trả lời sau đó mới “đắp” thêm phần lập luận, minh chứng vào. Cách làm này giúp TS không bị sót ý hoặc sa đà vào những vấn đề không cần thiết”.
Trong quá trình làm bài thi, TS cần nhận dạng, phân loại đề thi, yêu cầu của đề để định hướng làm bài, tránh lạc đề. TS cần bao quát đề thi, xem đề có mấy câu hỏi, biểu điểm thế nào để có hướng phân bổ thời gian làm bài, tránh tập trung vào một số câu mà bỏ qua các câu còn lại.
Tuệ Nguyễn
Nguồn: thanhnien.com.vn