Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Thi THPT Quốc gia 2019: Vẫn chưa xác định được mục tiêu chính?

26/11/2018

Theo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng, cách thức triển khai kỳ thi sẽ được điều chỉnh ở một số khâu: ra đề thi, công tác coi thi, công tác tổ chức thi, công tác chấm thi, công bố kết quả thi và phương thức sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đến thời điểm này, việc thay đổi đề thi và thử nghiệm là quá gấp gáp, rất khó để qua đủ các vòng thử nghiệm với tất cả học sinh lớp 12…

Học sinh lưu ý 6 điểm mới

Theo Bộ GD&ĐT, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bảo đảm phù hợp với năng lực học sinh phổ thông, có độ phân hóa phù hợp. Quá trình xây dựng đề thi sẽ tăng cường công tác thử nghiệm để từng bước chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi thi; huy động câu hỏi thi đề xuất từ nhiều nguồn, nhất là chú trọng câu hỏi thi từ nguồn đề xuất của các giáo viên, giảng viên, chuyên gia. Quy trình xây dựng đề thi chính thức sẽ chú trọng cải tiến khâu phản biện và thẩm định để bảo đảm đề thi phù hợp với yêu cầu kỳ thi THPT quốc gia cả về độ khó và độ cân bằng giữa các mã đề. 

Bộ GD&ĐT cũng cho hay sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bảo đảm phù hợp với năng lực học sinh phổ thông, có độ phân hóa phù hợp.

Với công tác coi thi, mỗi tỉnh tiếp tục tổ chức một Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì; điều động cán bộ giảng viên trường ĐH, CĐ tham gia phối hợp theo nguyên tắc các trường địa phương nào thì không tham gia phối hợp tại địa phương đó. Quá trình tổ chức thi, để tăng cường bảo mật, Phó Trưởng điểm thi là cán bộ trường ĐH, thư ký và cán bộ PA03 có trách nhiệm quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi và chuyển giao về hội đồng thi; túi đựng bài thi được niêm phong bằng giấy mỏng chuyên dụng, dùng một lần. Đáng chú ý, tại các điểm thi và hội đồng thi sẽ đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi và bài thi 24/24 giờ.

Công tác chấm thi, trong đó công tác chấm thi trắc nghiệm sẽ do Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức chấm tập trung. Các phòng chấm thi sẽ phải đặt camera giám sát 24/24 giờ; cán bộ giám sát chấm trắc nghiệm phải am hiểu về công nghệ thông tin… Phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được sửa đổi, nâng cấp theo hướng phân quyền cụ thể và mã hóa dữ liệu để tránh người dùng can thiệp; cán bộ xử lý bài thi không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân thí sinh với nội dung trả lời trắc nghiệm (đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm); người được cấp quyền truy cập có thể mở được nhưng không sửa được thông tin…

Phương án công bố kết quả thi sẽ điều chỉnh theo hướng tăng tính công khai. Bộ GD&ĐT sẽ công bố thông tin tổng hợp, phân tích kết quả thi cùng các số liệu, biểu bảng thống kê và phổ điểm các môn thi; phối hợp với các hội đồng thi công bố kết quả cho thí sinh.

Sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp: trong xét tốt nghiệp, điểm của các bài thi THPT quốc gia sẽ chiếm 70%, còn lại 30% là điểm trung bình năm lớp 12 của thí sinh. Đối với mục tiêu kết quả thi làm cơ sở để xét tuyển ĐH, CĐ sẽ điều chỉnh theo hướng tăng cường phát huy tính tự chủ của các cơ sở giáo dục. Thông tin về tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ phải chỉ rõ phương thức tuyển sinh; ngoài việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, các trường có thể dùng phương thức khác để tuyển sinh…

Trong kì thi THPT quốc gia năm 2018 gây bàng hoàng dư luận bởi sự gian lận chấm thi ở một số tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... Thế nên, thay đổi quan trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nằm ở khâu chấm thi. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT “sai đâu sửa đó”, khắc phục lỗi chấm thi mà quên một khâu rất quan trọng trong kì thi này đó là coi thi. Mặc dù mỗi phòng có 24 mã đề/24 thí sinh. Nhưng thực chất trong đó chỉ có 3-4 đề được trộn và xuất ra 24 đề, đồng nghĩa với đề có số câu giống nhau khá cao.

Do đó, nếu giám thị cho phép học sinh trao đổi, thậm chí có người giải đề thì kết quả điểm thi của nhiều thí sinh rất cao. Bởi thế, dù sẽ có rất nhiều hội đồng thi không đúng quy chế nhưng rất khó xử lí bởi mỗi kì thi kết thúc là hội đồng thi đó giải tán, trách nhiệm lãnh đạo hội đồng hay giám thị, nhân viên cũng hết. Cho dù hội đồng thi đó diễn ra tùy tiện thế nào thì biên bản vẫn được ghi là “nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế”. Khi “sự đã rồi”, muốn xử lí cũng không còn chứng cứ. 

Hơn nữa, kết quả thi THPT quốc gia của địa phương đó cao là thành tích giáo dục-văn hóa của không chỉ địa phương, mà là thành tích chung của sở GD&ĐT và của cả lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cho nên mặc dù biết thí sinh đó, hội đồng đó nhờ gian lận mà điểm cao nhưng họ chẳng dại gì “vạch áo cho người xem lưng”…

Đề thi có gấp gáp?

Cùng với đó, không ít chuyên gia tuyển sinh bày tỏ băn khoăn khi mà quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT ban hành bao gồm 9 bước. Theo đó, các câu hỏi sau khi thẩm định sẽ được thử nghiệm, bảo đảm mỗi câu có tối thiểu 50 lượt học sinh làm thử, sau đó tiếp tục chỉnh sửa và thử nghiệm một lần nữa với ít nhất 50 lượt học sinh làm thử. Sau khi hoàn thiện, câu hỏi được rà soát, lựa chọn để đưa vào ngân hàng thi chuẩn hóa. Như vậy, với những thay đổi như năm nay, Bộ GD&ĐT có thời gian cho việc xây dựng một ngân hàng đề thi đủ mạnh? Việc đưa đề thi cho học sinh làm thử thì đã có quy trình bảo mật hay chưa? Hàng ngàn học sinh được làm thử đề thi đang được hoàn thiện là không công bằng với những học sinh khác không được tiếp xúc câu hỏi thi thử, không biết về nội dung, dạng đề, độ khó-dễ để tập dượt trước kỳ thi quan trọng này. 

Cụ thể, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ vẫn còn nhiều băn khoăn. Bởi đến thời điểm này, kỹ thuật làm đề và chuẩn hoá để có ngân hàng đề thi chuẩn không kịp nữa rồi. Vì lấy đâu ra học sinh cuối lớp 12 để thử nghiệm, phân tích trắc nghiệm rồi chuẩn hoá đề thi... Trong khi đó, việc thử nghiệm bộ đề rất quan trọng để đảm bảo các câu trắc nghiệm không quá khó hoặc quá dễ đối với thí sinh lớp 12 trải ở khắp các vùng miền khác nhau của đất nước. Về ngân hàng đề thi, nếu giờ mang đi chuẩn hoá sẽ không có mẫu học sinh học xong chương trình lớp 12 để thử nghiệm. Chả lẽ, thời điểm này Bộ sẽ  thử nghiệm trên đối tượng vừa ở lớp 11 vào được ít tháng, khi chưa hoàn thành học kỳ I của lớp 12. Nếu như vậy, sẽ không cho kết quả chính xác về độ thử nghiệm. TS Vinh cho rằng, việc thực nghiệm đề thi lẽ ra phải có kế hoạch dài hơi,  làm ở các năm trước nữa thì giờ mới có ngân hàng câu hỏi đảm bảo hơn.

Từ thực tế, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, để thầy trò có cơ sở dạy và học, Bộ cần xây dựng đề minh họa càng sớm càng tốt. Ví dụ đề có 4 cấp độ gồm: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao thì học sinh cần biết để đạt được 5 điểm, những câu hỏi đó ở mức độ nào. Ngược lại, phần vận dụng thấp, vận dụng cao sẽ được xử lý thế nào trong đề mẫu, từ đó có hướng ôn tập. Bởi lẽ, theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, kỳ thi THPT quốc gia rất quan trọng đối với học sinh. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, dù chưa biết đề thi năm nay sẽ thay đổi như thế nào nhưng trường vẫn giao giáo viên ôn tập cho học sinh dựa trên bộ đề của năm trước nhưng bỏ đi những câu hỏi khó. Khi có đề minh họa, giáo viên sẽ xây dựng đề dựa trên cấu trúc đó thì học sinh sẽ học chuẩn hơn.

Bộ GD&ĐT trả lời “tiền hậu bất nhất”

Bày tỏ tại hội thảo nghề nghiệp mới đây, TS Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô, Hà Nội  cho hay, giáo viên hiện có nhiều áp lực từ phía cán bộ quản lý và những quy định, chính sách của ngành. TS Quân nêu ví dụ ngày 25/9, trong buổi giải trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nói: “Kỳ thi THPT quốc gia 2019 có mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT, kiến thức chủ yếu ở chương trình lớp 12”.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thứ XIV đang diễn ra, Bộ trưởng lại phát biểu khác. Cụ thể, ngày 26/10, Bộ trưởng nói: “Kỳ thi THPT quốc gia 2019 thực hiện để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để tuyển sinh vào trường đại học, cao đẳng”. Như vậy, với ý kiến này, kỳ thi trở lại nguyên trạng là kỳ thi hai trong một.

Theo TS Võ Thế Quân, hai lần phát biểu của Bộ trưởng khiến giáo viên, học sinh rất hoang mang. Chỉ còn 7 tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 bắt đầu nhưng hiện tại vẫn không rõ định hình của kỳ thi là gì, chỉ để xét tốt nghiệp hay có cả hai mục đích. Trong khi đó, điều này phải rất rõ ràng để giáo viên, học sinh triển khai việc học sao cho phù hợp. Từ đó dẫn đến cấu trúc của đề thi cũng không rõ ràng. Bởi theo quy định hiện hành, kỳ thi “hai trong một” sẽ có cấu trúc gồm 40% kiến thức nâng cao và 60% gồm kiến thức cơ bản.

Về nội dung, năm 2017 nội dung chủ yếu tập trung lớp 12, năm 2018 bao gồm lớp 11 và 12, năm 2019 bao gồm lớp 10, 11 và 12. TS Quân cho rằng, không hiểu tại sao Bộ GD&ĐT lại đưa ra quy định ngặt nghèo với học sinh như vậy khi kiến thức bao gồm ở cả 3 khối? Và cũng không hiểu đến năm 2019 có thi kiến thức của cả 3 khối hay không?

Thực tế theo TS Quân, gánh nặng hiện nay đè lên đầu học sinh lớp 12 là ôn xong chương trình lớp 12 sẽ ôn tiếp lớp 11 và 10. Thi trắc nghiệm lại không có trọng tâm nào cả nên học sinh phải ôn lại toàn bộ chương trình của 3 khối. Đó là gánh nặng quá tải hiện nay cho học sinh và giáo viên lớp 12 trong phạm vi cả nước. Và theo TS Quân, Bộ GD&ĐT cần có câu trả lời sớm chứ không thể không rõ ràng như vậy...

N.Thương
baophapluat.vn – 25/11/2018

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang