Đợt 1 xét tuyển ĐH 2016 đang dần đi đến những ngày cuối cùng (1-12/8). Năm nay, thí sinh nộp hồ sơ vào các trường đều có sự tính toán kỹ lưỡng vì không được thay đổi nguyện vọng. Tuy nhiên, với những thí sinh đăng ký qua đường bưu điện vẫn còn những sai sót rất ngô nghê.
Nộp phiếu đăng ký xét tuyển từ… 2015
Ông Mạc Văn Tạo, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trong số hồ sơ đăng ký của thí sinh gửi về trường, có một số hồ sơ không hợp lệ. Các lỗi thường gặp của thí sinh là đăng ký sai mã ngành, đã đăng ký online hoặc đăng ký quá số nguyện vọng được phép. “Có thí sinh trường phải gọi điện hỏi trực tiếp xem em đó đăng ký ngành gì, vì trường không “dịch” được. Trong phiếu đăng ký, ngành thí sinh đăng ký ghi bằng mã, nên nhà trường phải gọi điện lại để chỉnh sửa cho các em” - ông Tạo cho hay.
Tương tự, tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết có 25 trường hợp phải sửa lại hồ sơ đăng ký. Trong đó, chủ yếu là ghi sai mã ngành, nộp số trường đăng ký nhiều hơn quy định. “Thậm chí, có trường hợp thí sinh còn in phiếu đăng ký xét tuyển từ năm 2015 để nộp cho trường” – ông Điền cho hay.
Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay, đến nay tổng cộng có 65 hồ sơ không hợp lệ. Lỗi chủ yếu của thí sinh là dùng nhiều hình thức đăng ký. Trong khi đó, Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết có tổng cộng 48 hồ sơ sai sót với các lỗi chủ yếu là đăng ký 2 nguyện vọng trùng nhau; sai mã đăng ký xét tuyển; đăng ký 2 phiếu vào 2 trường trong nhóm GX, đăng ký 3 nguyện vọng vào một trường…
Trường ĐH Xây dựng cũng có 85 hồ sơ không hợp lệ. Có khá nhiều lỗi sai trong hồ sơ như nguyện vọng 1-2 chưa đăng ký chuyên ngành; đăng ký thừa nguyện vọng; cả 4 nguyện vọng đều đăng ký vào 1 trường; đã đăng ký online nhưng vẫn nộp hồ sơ trực tiếp; đăng ký xét tuyển theo nhóm GX nhưng lại không dùng đúng mẫu đơn đăng ký xét tuyển của nhóm; gửi sai trường đăng ký xét tuyển; chưa đăng ký mã ngành xét tuyển; tổ hợp môn không hợp lệ; mã xét tuyển không hợp lệ…
Đăng ký hệ đại học, hồ sơ lại ghi cao đẳng
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một số trường khu vực phía Nam. PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, qua hơn 1 tuần nhận hồ sơ xét tuyển, trường phát hiện có khá nhiều thí sinh sai sót, đặc biệt là hồ sơ gửi qua đường bưu điện.
“Phần lớn lỗi của các em là ghi sai thông tin mã đăng ký xét tuyển, mã ngành và hội đồng tuyển sinh trường. Thậm chí có em điểm khá cao, đăng ký vào hệ đại học nhưng trong hồ sơ lại ghi hệ cao đẳng, khi nhà trường liên hệ thì mới biết em ghi sai ký hiệu…”, ông Hoàn nói. Theo ông Hoàn, với những trường hợp này, trường đã chỉ đạo bộ phận nhận tuyển sinh liên hệ qua điện thoại đến từng thí sinh để xác nhận lại thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các em an tâm. Ngoài ra, trường cũng phát hiện hơn 20 trường hợp các em vừa đăng ký xét tuyển trực tuyến nhưng vẫn nộp thêm phiếu đăng ký qua đường bưu điện. “Đối với những trường hợp này, trường cũng điện thoại đến các em để thông báo về việc các em đã đăng ký trực tuyến thì không thể đăng ký thêm bằng đường bưu điện…”, ông Hoàn kể.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, vẫn còn nhiều thí sinh khá “ngô nghê” trong quá trình chọn ngành, chọn trường. “Ngay trước khi bắt đầu đợt xét tuyển, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển tối thiểu là 17 điểm với các ngành hệ chất lượng cao và 18 - 19 điểm với các ngành còn lại, thế nhưng nhiều em dưới mức điểm này vẫn cứ nộp hồ sơ vào. Với những trường hợp này, các em vừa nộp vào là coi như rớt chứ không cần phải đợi xét tuyển gì nữa vì điểm chuẩn không bao giờ có ở mức này”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết, việc xét tuyển vào ĐH- CĐ đang vào giai đoạn nước rút, dù thời gian không nhiều nhưng thí sinh, phụ huynh nên giữ bình tĩnh để lựa chọn được ngành nghề phù hợp năng lực, sở trường lại vừa an toàn trong xét tuyển. “Khác với năm trước, năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển trong bối cảnh không biết tỷ lệ chọi, không biết thứ hạng của mình, do đó, có sự chênh lệch giữa những ngành học. Vì thế, thí sinh cần nộp đúng quy chế. Có trường hợp vô tình hay hữu ý, thí sinh nộp 2 trường, theo nguyên tắc hệ thống sẽ “chặn” trường thứ 3, nếu lỡ trường đó lại là nguyện vọng chính đáng thì thí sinh sẽ bị thiệt”, ông Lý khuyên.
Các trường bắt đầu dự kiến điểm chuẩn
PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Mở TPHCM cho biết, điểm chuẩn năm nay của trường có thể sẽ giảm nhẹ từ 0,5- 1 điểm hoặc cao hơn tùy thuộc vào độ hot của ngành.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho biết, mặt bằng chung điểm chuẩn năm nay của trường có thể giảm nhẹ. Những ngành ít hồ sơ, thí sinh có điểm từ 15- 17 sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển. Còn những ngành như công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học... điểm chuẩn năm nay có thể mức 19 - 20 điểm.
Tương tự, TS Trần Đình Lý, Trường phòng Đào tạo trường Đại học Nông lâm TPHCM cho biết, điểm chuẩn năm nay có thể tương đương 2015, một số ngành có thể giảm, một số có thể tăng. Tuy nhiên, mức độ giảm và tăng rất nhẹ. Trong khi đó, PGS-TS Lê Hoàng Nghiêm, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Tài nguyên Môi trường TPHCM cho biết, điểm chuẩn năm nay của trường chỉ có thể bằng hoặc cao hơn chứ không giảm so với năm trước.
|
Nghiêm Huê - Nguyễn Dũng
(tienphong.vn – 10/08/2016)