Hai ngày nữa (12/8), đợt 1 xét tuyển vào đại học, cao đẳng sẽ kết thúc. Mặc dù năm nay Bộ GD &ĐT đã có nhiều điều chỉnh, tuy nhiên cuộc chạy đua xét tuyển của thí sinh và các trường vào thời điểm cuối vẫn rất căng thẳng.
Thí sinh “từ chối” ngồi nhà xét tuyển
Để tránh tình trạng rối loạn tuyển sinh diễn ra như năm 2015, năm nay Bộ GD &ĐT đã cho phép thí sinh ngồi nhà đăng ký xét tuyển qua mạng. Theo đó, thí sinh chỉ cần dùng tài khoản, truy cập vào trang web tuyển sinh, với thao tác điền những thông số đơn giản là có thể hoàn thành hồ sơ xét tuyển của mình.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), giải pháp này giúp tránh triệt để tình trạng “sàn chứng khoán” tuyển sinh gây vất vả cho thí sinh: “Đăng ký trực tuyến thí sinh đỡ vất vả hơn khi phải vượt đường xa đến tận trường nộp hồ sơ. Thời gian chờ đợi rút ngắn khiến các em bớt lo lắng, hồi hộp. Trong khi đó, việc không được rút ra - đút vào hồ sơ, không công bố thứ hạng điểm số cũng bớt áp lực cho thí sinh”, ông Trinh khẳng định.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của Bộ GD&ĐT, suốt từ ngày 1/8 tới nay, các trường đã ghi nhận hàng chục nghìn lượt thí sinh và người nhà vẫn lặn lội đường xa đến tận trường làm thủ tục xét tuyển.
Những ngày cuối, anh Nguyễn Xuân Trung (xã Lang Sơn, Hạ Hòa, Phú Thọ) mới quyết định đưa con gái vượt hơn 140km về nộp hồ sơ tại ĐH Bách khoa Hà Nội. “Cháu được 22 điểm, đắn đó mãi mới quyết định xét tuyển vào ĐH Bách khoa. Trường này lại xét tuyển theo cách mới, bố con tôi không hiểu nhiều, phải xuống tận nơi hỏi cho chắc. Xét tuyển có khi còn quan trọng hơn thi, nếu chọn không đúng, làm hồ sơ không cẩn thận trượt như chơi!”, anh Trung chia sẻ.
Theo GS. Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, hiện trường đã nhận được khoảng 2.000 hồ sơ nguyện vọng 1 và khoảng vài nghìn hồ sơ nguyện vọng 2. Phần lớn hồ sơ đều do thí sinh trực tiếp đến trường nộp: “Đây cũng là tâm lý bình thường của các em và gia đình. Năm nay, có nhiều đổi mới trong tuyển sinh, đặc biệt ở các trường “top”. Vì vậy, các em muốn đến trực tiếp để hỏi han, tư vấn, nhiều em cũng đến để… tham quan trường, thêm động lực xét tuyển” , ông Thụ giải thích.
Trường “top” còng lưng… chống thí sinh ảo
Trong thời gian xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh được nộp 2 nguyện vọng vào 2 trường khác nhau trong đợt 1 và không được rút ra - nộp vào như năm trước. Điểm mới này tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ, điểm mới này đã khiến các trường rơi vào thế phải ra sức tìm cách chống… hồ sơ ảo.
Bởi lẽ, một thí sinh nộp hồ sơ vào cùng lúc 2 trường. Với mức điểm của mình các em rất có thể sẽ đỗ cả 2 trường nhưng không thể rút hồ sơ ra. Các trường cũng không thể biết thí sinh đó có là của mình không cho đến lúc… cầm giấy báo điểm của thí sinh trong tay.
Để hạn chế rủi ro, nhiều trường đã phải căng mình tìm phương án chống thí sinh ảo, đặc biệt là ở khối trường top giữa. Ông Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing cho biết, trường phải “lọc” thí sinh bằng phương pháp loại trừ. Theo đó, nếu trong phiếu đăng ký xét tuyển của thí sinh ghi xét tuyển vào trường có điểm chuẩn nhóm ngành kinh tế cao hơn điểm chuẩn của Trường ĐH Tài chính - marketing thì thí sinh này sẽ được xếp vào danh sách thí sinh ảo vì nếu đã dám đăng ký trường có điểm cao hơn thì khả năng đỗ trường đó thí sinh sẽ không chọn trường mình.
Tương tự, Trường ĐH Văn Hiến TP Hồ Chí Minh buộc phải làm cách khá cầu kỳ và mất công sức để lọc ảo là…gọi điện thoại cho từng thí sinh. Theo bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Trưởng phòng Truyền thông và sự kiện, sau khi thí sinh nộp hồ sơ, trường sẽ gửi danh sách đăng ký của các em cùng địa chỉ và số điện thoại về từng khoa để giảng viên khoa đó chia nhau gọi điện tư vấn cho các em.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết, trường đã nhận được 4.000 hồ sơ xét tuyển nhưng cũng dự trù tỷ lệ ảo 50%. Sau khi xét tuyển đợt 1 nếu không đủ chỉ tiêu truờng sẽ xem xét quyết định nhận hồ sơ xét tuyển vào các đợt tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, các trường buộc phải chấp nhận tỷ lệ ảo để giảm khó khăn cho thí sinh và người nhà, tránh tình trạng rối loạn tuyển sinh. “Tuy nhiên, Bộ cũng đã đưa ra hướng cho các trường lọc ảo bằng việc bắt buộc phải nộp giấy báo điểm (duy nhất) về trường sau khi biết điểm chuẩn và trúng tuyển. Nếu sau thời gian quy định thí sinh không nộp thì coi như em đó bị hủy kết quả trúng tuyển. Điều này sẽ giúp các trường nắm được sĩ số trước khi thí sinh nhập học để có kế hoạch tuyển sinh tiếp”, ông Ga nói.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT số thí sinh có tổng điểm thi 3 môn theo các tổ hợp môn thi truyền thống đạt mức điểm sàn (15 điểm) là khoảng hơn 400.000 thí sinh, con số này giảm khoảng 120.000 em so với năm 2015, trong khi đó tổng chỉ tiêu tuyển sinh cả nước là 320.000. Con số này chỉ dành cho trường xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, ngoài ra còn hơn 100.000 chỉ tiêu xét tuyểna bằng học bạ.
|
Duy Đăng (baogiaothong.vn – 10/08/2016)