Nóng vấn đề “điểm sàn” tuyển sinh Y Dược
29/12/2015
Xung quanh việc mở ngành đào tạo Y - Dược của Trường ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành này được quan tâm đặc biệt.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), ông Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Minh Lợi – Phó Cục trưởng Cục KHCN và Đào tạo (Bộ Y tế) đã trả lời nhiều câu hỏi về vấn đề trên trong cuộc họp báo chiều 28/12 tại trụ sở của Bộ GD&ĐT.
- Trong năm tới, liệu có quy định riêng về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường khối ngành Y - Dược?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Để chuẩn bị cho tuyển sinh năm 2016, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị họp với các trường ở cả 3 miền, các Sở GD&ĐT. Một trong những vấn đề được đưa ra xin ý kiến tại các hội nghị này là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành Y - Dược.
Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục Đại học, các trường được tự chủ tuyển sinh, nếu đặt ra quá nhiều quy định liệu có vi phạm Luật hay không? Điều này chúng ta phải xin ý kiến các trường và toàn xã hội.
Bên cạnh đó, có nhiều phương thức tuyển sinh, có trường tuyển đầu vào dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhưng cũng có trường tuyển sinh dựa vào kết quả học THPT… Điểm sàn chỉ có ý nghĩa khi trường xét tuyển từ điểm kỳ thi THPT quốc gia; với trường xét tuyển riêng thì có yêu cầu nhất định trong Đề án tuyển sinh riêng của trường để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Vì thế, việc có đưa ra “điểm sàn” cho các trường khối ngành Y - Dược hay không, chúng tôi còn phải bàn bạc, xin ý kiến.
Ông Nguyễn Đức Hinh: Ngày 15/12, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y - Dược đã họp. Một đề nghị đã nhận được sự đồng thuận là kỳ tuyển sinh 2016, các trường ĐH Y - Dược vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia; đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành điểm ngưỡng cho các trường Y - Dược; yêu cầu tất cả các trường Y - Dược, kể cả của ĐHQG Hà Nội, trường công lập và ngoài công lập đều phải áp dụng theo quy định này.
Còn mức điểm là bao nhiêu phải đợi khi kỳ thi THPT 2016 có kết quả. Nhưng sơ bộ, các thầy trong Hội đồng dự kiến khoảng 21 điểm…, ngoài ra có một số ý kiến khác.
Luật quy định tự chủ, nhưng nghề Y là nghề đặc biệt nên ngoài bàn tay vô hình của kinh tế thị trường cũng cần có bàn tay hữu hình của quản lý nhà nước.
- Nếu không đi đến quyết định về “điểm sàn” cho khối Y - Dược, Bộ GD&ĐT có biện pháp gì để quản lý tuyển sinh đầu vào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Chúng tôi không chỉ tham khảo ý kiến xã hội mà với các cấp quản lý, các trường cũng đã hỏi ý kiến về vấn đề này. Tôi cũng mong Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH Y – Dược sẽ đưa ra ngưỡng điểm và khuyến nghị các trường; từ đó, chúng tôi cũng có căn cứ về mặt chuyên môn để khuyến nghị các trường về việc này.
Vừa rồi, khi có phản ánh của báo chí, chúng tôi đã yêu cầu các trường tư thục, đa ngành báo cáo về điểm đầu vào đào tạo y đa khoa. Theo đó, các trường đều báo cáo họ tuyển sinh từ mức 20 điểm trở lên. Riêng trường Võ Trường Toản có một năm trong hai năm gần đây lấy từ 19 điểm.
- Dự kiến Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được tuyển sinh bao nhiêu chỉ tiêu ngành Y - Dược?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Thông tư 32 quy định rõ về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Do đó, khi trường đăng ký chỉ tiêu trước hết phải so với thông tư 32. Về quan điểm chung, chúng tôi cho rằng, những trường mới đào tạo không nên mở rộng quy mô.
- Nếu Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã bổ sung đủ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất nhưng chưa thành lập phân hiệu ở Bắc Ninh thì có ảnh hưởng tới việc trường được phép tuyển sinh Y – Dược hay không?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại ở trong Hà Nội; trong khi đó, hiện chúng ta đang có chủ trương giãn học sinh, sinh viên trong nội thành. Mặt khác, cơ sở Bắc Ninh của Trường được thành lập trước khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực.
Đoàn thẩm định liên ngành GD&ĐT - Y tế ngày 5/10 đã có chủ trương để trường thực hiện song song hai vấn đề: Hoàn thiện điều kiện mở ngành và xúc tiến thành lập phân hiệu tại Từ Sơn (Bắc Ninh); và giờ vẫn tiếp nối quan điểm này.
Hiện nay, đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT đang hướng dẫn Trường làm Đề án thành lập phân hiệu và nhà trường cũng đang xúc tiến công việc này. Đây là nội dung chúng tôi yêu cầu trường nhanh chóng hoàn thiện, không đặt là điều kiện để nhà trường được phép tuyển sinh hai ngành Y - Dược.
- Các giảng viên khoa Y Dược của Trường ĐH KInh doanh và Công nghệ Hà Nội nhiều người đã ở độ tuổi nghỉ hưu. Liệu điều này có liên quan đến chất lượng đào tạo Y - Dược hay không?
Ông Nguyễn Đức Hinh: Về vấn đề giảng viên của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc rất kỹ càng.
Chúng tôi cảm ơn lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vì sự chuẩn bị trong nhiều năm vừa qua và sự cầu thị khi chịu sự điều chỉnh của văn bản 7836 - Bộ Y tế...
Về độ tuổi của các thầy, anh em trong đoàn kiểm tra cũng đã thảo luận và đây cũng là vấn đề tôi rất suy nghĩ và mong các bạn suy nghĩ tìm giải pháp giúp chúng tôi.
Tuy nhiên, ai cũng hiểu, tuổi sinh hoạt và tuổi con người còn sức khỏe làm việc không phải lúc nào cũng đồng hành.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Vấn đề này, chúng ta cần phải kín kẽ, ở nhiều góc độ để giải quyết để làm sao có sự kế thừa phát triển giữa các thế hệ.
Bên cạnh đó, Nghị định số 141 của Chính phủ có quy định: Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
Tuy nhiên, ở các trường ngoài công lập, chúng ta chưa có quy định làm việc đến tuổi nào.
Cho đến nay, chúng tôi có tranh luận và nói đến một hướng là: Thủ trưởng cơ sở đào tạo phải xem xét các giảng viên có đủ sức khỏe để làm việc hay không; rồi có quy định về hành chính là phải có chứng nhận đủ sức khỏe làm việc của ngành Y tế.
Và quan điểm của chúng tôi là phải có đội ngũ kế cận, trường mới có thể phát triển hài hòa.
Ông Nguyễn Minh Lợi: Đối với giảng viên chuyên ngành, không phân biệt trường công - tư đều phải có chứng chỉ hành nghề. Nếu độ tuổi cao mà không được cấp chứng chỉ hành nghề cũng không được làm giảng viên chuyên ngành.
- Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát ra sao với các trường đào tạo Y Dược, đặc biệt là các trường đa ngành và trường ngoài công lập?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước không phân biệt trường công – tư hay trường đa ngành. Trong hệ thống của chúng tôi có 21 trường đào tạo Y, trong dó có 14 trường đa ngành và 5 cơ sở ngooài công lập; 26 trường đào tạo dược có 14 trường ngoài công lập và 16 trường đa ngành. Như vậy cũng không có gì khác biệt so với các nước khác.
Chúng tôi có kiểm soát lúc mở ngành, kiểm soát hàng năm và có rà soát tổng thể theo từng thời kỳ. Ví dụ, năm 2014, Bộ GD&ĐT có rà soát và dừng 207 ngành không đảm bảo điều kiện, trong đó có 6 cơ sở đào tạo Y Dược.
Tới đây, hai Bộ GD&ĐT – Y tế họp và thống nhất sẽ kiểm tra các trường đào tạo y dược để chẩn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Nguyễn Minh Lợi: Chúng tôi tiến hành kiểm tra toàn bộ các trường, không kể công hay tư. Về lộ trình, chúng tôi sẽ xem xét trường nào cần kiểm tra trước và có kế hoạch cụ thể phối hợp giữa hai Bộ; sau đó sẽ có khuyến cáo cụ thể và đề xuất để các trường đảm bảo chất lượng đào tạo.
- Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shanggri-la thành lập Trường ĐH Y Dược quốc tế Hoa Lâm, ý kiến hai Bộ về vấn đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Quan điểm thành lập trường, chúng tôi dựa trên quy định chung, không căn cứ đó là công hay tư.
Ông Nguyễn Đức Hinh: Đất nước ta có 90 triệu dân, nhưng số trường đào tạo bác sĩ chưa được 20 trường. Trên thế giới, từ 2 – 3 triệu dân lại có một trường Y, với cách tính như vậy, chúng ta có thể biết ngay Việt Nam cần bao nhiêu trường.
Tôi được biết, nước Mỹ có tới 151 trường Y, nước Pháp có 32 trường… Nhưng để mở một trường Y rất khó, kể cả với trường công lập. Làm thế nào để đất nước có thêm trường Y có chất lượng thực sự là một bài toán.
Hiếu Nguyễn (ghi)
Nguồn: giaoducthoidai.vn