12.000 máy tính đi đâu sau kỳ thi “không giống ai” của ĐHQG HN?
14/12/2015
Hơn 12.000 máy tính đã được huy động để phục vụ cho kì tuyển sinh năm 2015 của ĐHQG HN. Những chiếc máy này đang ở đâu?
Những câu hỏi xung quanh kỳ thi
Đại học Quốc gia Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT tổng kết về kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2015 và phương hướng tuyển sinh năm 2016.
Theo đó, kỳ thi đại học theo phong cách riêng biệt, chỉ có tại ĐHQG HN, được cho là thành công tốt đẹp ngay trong lần đầu tổ chức.
Những tiêu chí đặt ra trước đó như chất lượng đầu vào, về tính kinh tế, về số lượng học viên…, đều ít nhất đạt mức “mong đợi”.
Bản báo cáo cho hay, với hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn trên máy tính, kỳ thi còn có tên gọi “Đánh giá năng lực” này đã thể hiện nhiều ưu điểm so với kỳ thi 3 chung của Bộ GD&ĐT, như đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan; tiết kiệm chi phí xã hội…
Cũng theo công văn này, 436 phòng thi ngoại ngữ, 266 phòng thi đánh giá năng lực, 12.203 máy tính, 62 máy chủ và 19 máy phát điện đã được trang bị để đảm bảo cho kỳ tuyển sinh diễn ra thật suôn sẻ.
Do lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, vốn có nền tảng CNTT lạc hậu, lại theo phong cách “một mình một chợ” nên bản thân kỳ thi đã vấp phải nhiều hồ nghi của dư luận.
Đó là những thắc mắc xoay quanh tính đúng đắn khi ĐHQG HN tổ chức thi trước cả kì thi tốt nghiệp PTTH, về sự công bằng của thí sinh giữa các vùng miền, về chất lượng đầu vào hay về chi phí tổ chức.
Để có cái nhìn khách quan nhất về câu chuyện còn nhiều tranh cãi này, chiều 10/12, PV đã có buổi trao đổi với PGS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc phụ trách đào tạo, ĐHQG Hà Nội.
Theo lời ông Sơn, mặc dù vẫn còn một số vướng mắc trong kì thi tuyển, nhưng về tổng thể, đây là một kỳ thi thành công.
Vị Phó giám đốc khẳng định, việc làm bài thi trên máy tính không hề là rào cản đối với thí sinh, bởi phầm mềm thi được lập trình rất đơn giản và dễ sử dụng. “Thường thì học hết phổ thông là các em đã biết sử dụng thành thao máy tính rồi”, ông Sơn nói.
Trước thực tế trên cả nước vẫn còn nhiều nơi thiếu thốn, học sinh không có điều kiện tiếp cận CNTT, ông Sơn cho biết, do đây là kì thi tuyển sinh cho riêng trường ĐHQG HN, vì thế trường ông có quyền đòi hỏi thí sinh phải đáp ứng các yêu cầu nhất định.
“Nếu ở nơi nào đó không có máy tính, dẫn đến học sinh không biết dùng thì là lỗi của giáo dục phổ thông”, ông nói.
Đi tìm lời giải
Nói về chất sinh viên lượng đầu vào và chất lượng để thi, ông Sơn thừa nhận việc thi trắc nghiệm trên máy tính cả với những môn thuộc khối xã hội có làm hạn chế phần nào tư duy sáng tạo, nhưng không giết chúng.
“Các câu trắc nghiệm môn văn chả hạn, cũng đều chứa đựng ý tứ thơ ca trong đó. Còn về chất lượng đầu vào thì mới có mấy tháng chưa thể tổng kết được. Nhưng qua đánh giá sơ bộ thì đủ”, vị PGS thông tin.
Ông Sơn cũng nêu quan điểm cho rằng, việc trường ông tổ chức thi ĐH trước cả kỳ thi Tốt nghiệp PTTH không ảnh hưởng gì đến tình hình thi chất lượng thí sinh.
“Qua khảo sát thì 100% sinh viên vượt qua kỳ thi của ĐHQG HN cũng tốt nghiệp PTTH, điều đó chứng tỏ chất lượng đầu vào của chúng tôi cao hơn mặt bằng tốt nghiệp Phổ thông.
Chúng tôi cũng đang kiến nghị Bộ GD&ĐT, từ kì thi lần tới, thí sinh nào đậu trường ĐHQG thì công nhận luôn tốt nghiệp cho em đó”.
Trả lời PV về câu hỏi dành được nhiều sự quan tâm nhất của dư luận, về kinh phí tổ chức thi tuyển, vị PGS cho biết không thể tiết lộ con số cụ thể, nhưng nói “không quá lớn”.
"Những địa điểm chúng tôi tổ chức thi đều là những nơi có phòng máy tính hiện đại, có số lượng cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh.
Thực tế, chúng tôi chỉ phải mua mới máy chủ, khoảng 1000 máy tính, cài đặt các phần mềm thi và chấm thi. Còn lại thuê của các trường. Thi xong thì trả lại cho họ chứ không mất đi đâu cả.
Do đó, chi phí cho kỳ thi không lớn như dư luận đồn đoán. Xét ở một góc nào đó, kì thi này có tốn kém hơn việc tổ chức thi chung nhưng xét về tổng thể chi phí xã hội lại tiết kiệm hơn", ông nói.
Trao đổi với PV xung quanh ý tưởng tuyển sinh này, ông Hoàng Nguyên Hồng, Ủy viên Trung ương Hội Nhân lực Nhân tài Việt Nam nêu quan điểm cho rằng, về cơ bản ông đồng tình, tuy nhiên với những môn xã hội cũng thi trắc nghiệm là rất bất cập.
"Đơn cử như các môn Văn – Sử - Địa, nếu chỉ thi trác nghiệm chọn một đáp án đúng thì mất đi tính chủ động, sáng tạo cho học sinh. Như vậy, chẳng khác gì chúng ta biến học sinh thành những con rô bốt học tập một cách máy móc”, ông băn khoăn.
“Việc trường ĐHQG tổ chức thi đánh giá năng lực rồi lấy kết quả để xét tuyển đầu vào cũng có phần may rủi. Đặc biệt với các em học sinh dân tộc miền núi sẽ gặp nhiều khó khăn khi lần đầu tiếp xúc với máy tính, phần mềm ứng dụng thi…
Ở nước ngoài, người ta xét tuyển vào ĐH phải qua kết quả học các cấp chứ không chỉ đơn thuần là thi kiểu “một phát ăn ngay”. Vấn đề này, ĐH Quốc gia cần phải xem xét và cân nhắc để tránh tạo ra tiền lệ xấu”, ông Hồng cho biết thêm.
|
Long Nguyễn (soha.vn)