Những môn đại cương như áp lực đè lên vai
03/02/2014
Ngày đầu chân ướt chân ráo bước vào trường đại học, tôi cứ tưởng tượng con đường trước mắt như mở ra sẽ to lớn và tươi đẹp vô cùng. Thế nhưng, gần hai năm đầu chúng tôi chỉ học toàn các môn học đại cương. Biết rằng, kiến thức đại cương giúp cho sinh viên có nền tảng về mặt lý luận. Nhưng sinh viên mới học hết chương trình phổ thông, đang khao khát được học ngay những môn chuyên ngành mà mình thích, để được thể hiện mình, được gần với nghề. Nhưng thực tế là phải dành gần hai năm cho các môn học đại cương!
Trong quá trình giảng dạy, thầy cô thường truyền đạt một cách khô cứng, thiếu liên hệ với thực tế, chủ yếu là dạy theo sách vở. Lúc đó chúng tôi cảm thấy học những môn đại cương giống như một áp lực đè lên vai.
Có lẽ sinh viên nào cũng biết rằng cách mình đang học các môn đại cương ở trường đại học chỉ là đối phó. Một thực tế là nếu ngày mai không kiểm tra, thi cử thì chẳng bao giờ sinh viên mang những môn này ra để học, để làm giàu kiến thức cho bản thân.
Đến ngày gần thi chúng tôi ra mấy tiệm photocopy gần trường, mua tập tài liệu đáp án về học. Đây chính là cách học thụ động, tư duy thụ động ở thời phổ thông. Và đây chính là hậu quả của cách dạy khô cứng, thiếu liên hệ thực tế làm sinh viên thấy nhàm chán, không có hứng thú với môn học đại cương.
Tôi nghĩ, học gần hai năm cho các môn đại cương không phải quá nhiều, nhưng do cách phân bổ chương trình tập trung tất cả vào những năm đầu tiên. Nó sẽ làm cho sinh viên cảm thấy mệt mỏi, chán nản mà sinh ra lối học vẹt. Nên chăng, nhà trường cho sinh viên học xen kẽ một vài môn chuyên ngành với môn đại cương để tạo cảm hứng cho sinh viên khi ngay từ năm đầu tiên, đã tiếp cận với những môn học liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp mà họ lựa chọn.
Giảng viên không nên dạy một cách khô cứng mà cần liên hệ với thực tế đang diễn ra trong đời sống xã hội. Chẳng hạn môn triết học, chính trị học đại cương…
Trong môi trường đại học, sinh viên vẫn rất thụ động bởi vì thầy cô truyền đạt một chiều, chưa có không khí phản biện. Hàng năm, các trường đại học nên có những buổi đánh giá về thầy cô dạy, kết quả đó cần phải công bố cho sinh viên. Từ đó đề ra những biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy.
Các trường, khoa cần tổ chức nhiều đợt kiến tập với những nghề nghiệp mà sinh viên đang theo học. Để từ đó sinh viên nhận thấy nếu không phù hợp với nghề này thì chuyển qua học nghề khác, chuyển sớm càng tốt. Kiến tập nhiều sẽ giúp sinh viên thấy điểm mạnh, điểm yếu của mình từ đó khắc phục, hoàn thiện.
Các trường đại học nên mời những người nổi tiếng về các lĩnh vực khác nhau, hay người có hoàn cảnh đặc biệt nhưng biết vượt qua khó khăn để thành công, đến trò chuyện với sinh viên như một hình thức giáo dục, tiếp lửa. Lúc đó sinh viên sẽ có nhiều động lực, nhiệt huyết hơn để học và tự học, học trong một tâm lý thoải mái.
Điều quan trọng hơn cả là các trường đại học nên mở nhiều khóa dạy về kỹ năng mềm. Hiện nay, nhiều sinh viên không biết đến khái niệm kỹ năng mềm là gì. Được trang bị kỹ năng mềm, sinh viên ra trường đi làm không còn bị bỡ ngỡ, có thể đáp ứng được yêu cầu trong công việc.
Trịnh Văn Quân – Sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM
Nguồn: laodong.com.vn