Nợ lời giải bài toán “thừa thầy thiếu thợ”
13/01/2014
“Trận đánh lớn” đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như Bộ GD-ĐT gọi đã thực sự mở màn với “mũi tiến công” được chọn là khâu đổi mới tuyển sinh đại học, thi tốt nghiệp THPT, áp dụng ngay trong năm 2014. Sự chủ động, tích cực của ngành giáo dục đang được dư luận ủng hộ, tuy nhiên có một vấn đề mà nhiều chuyên gia giáo dục cũng như xã hội khẳng định, nếu không làm tốt khâu phân luồng học sinh thì không thể đạt tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Loay hoay và... thất bại
Đây là vấn đề đã được nói đi nói lại nhiều lần nhưng đến nay kết quả thực hiện việc phân luồng vẫn giậm chân tại chỗ. Mới đây nhất, hội thảo phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội, một lần nữa, thực trạng, nguyên nhân của việc phân luồng học sinh không thành công lại được mổ xẻ, nhưng xem ra vẫn chưa có hướng ra nào khả quan để chấm dứt sự thất bại trong công tác này.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy, việc phân luồng hiện hết sức khó khăn. Hầu như học sinh tốt nghiệp THCS đều tiếp tục học lên THPT, sau đó thi vào ĐH-CĐ. Tỷ lệ học sinh sau THCS chuyển sang học các hệ nghề rất thấp, chỉ khoảng 5% - 6% (trong khi chỉ tiêu là 30%). Điều này gây áp lực rất lớn cho các trường ĐH-CĐ; ngược lại, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trường nghề lại tuyển sinh vô cùng khó khăn. Trong khi đó, những nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp rất cần người có kỹ năng nghề nghiệp ở bậc nghề, TCCN lại thiếu nguồn tuyển. Vì vậy thị trường nhân lực của nước ta trong những năm qua luôn trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.
Cụ thể, số liệu thống kê từ các địa phương gửi về Bộ GD-ĐT cho thấy, trong 2 năm học 2010 - 2011, 2011 - 2012, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT chiếm trên 70%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS tham gia bổ túc THPT khoảng trên 8%. Chỉ có 1,8% tốt nghiệp THCS vào học TCCN (năm 2010 - 2011) và 2% (năm 2011 - 2012). Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, hàng năm nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học lên với số bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm sẽ vào khoảng 350.000 học sinh. Bộ GD-ĐT cho rằng, nếu 350.000 học sinh này vào học nghề từ sớm, rõ ràng hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn… thay vì tất cả đều chăm chăm vào ĐH-CĐ và ra trường với kỹ năng “làng nhàng”.
Phân luồng tốt, có thể bỏ thi đại học
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc phân luồng hiện nay là thách thức rất lớn trong nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo cũng như cân đối nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế khác nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phân luồng học sinh trong những năm qua thất bại, trong đó có nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. “Nhiều gia đình và học sinh không lượng sức học của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm. Mặt khác, sự nghèo nàn trong hệ thống thông tin thị trường lao động, thiếu việc làm trên thị trường lao động và điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Việc các doanh nghiệp đòi hỏi người dự tuyển phải tốt nghiệp THPT cũng là trở ngại cho công tác phân luồng”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định.
Nhận định này cũng là quan điểm của bất cứ ai quan tâm đến giáo dục, đến thị trường lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, phải thừa nhận, về chủ quan phân luồng học sinh thất bại vẫn là do quy mô, điều kiện của các cơ sở dạy nghề và TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu; khả năng liên thông hạn chế từ TCCN lên ĐH-CĐ. Rất khó để thuyết phục người học đi vào con đường học nghề từ sớm khi chất lượng đào tạo nghề, trung cấp còn quá yếu kém như hiện nay, cơ hội việc làm không có. Không ít người học nghề, học trung cấp ra trường phải chịu cảnh thất nghiệp...
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nếu phân luồng học sinh thành công sẽ tác động mạnh mẽ đến việc đổi mới thi cử, tuyển sinh ở nước ta. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, chủ yếu các nước chỉ xét tuyển đầu vào ĐH mà không cần thi, còn Việt Nam vẫn đang nặng nề chuyện thi vào ĐH. “Chúng ta sẽ làm được như các nước nếu thực hiện được phân luồng học sinh từ THCS. Nhưng hiện nay phân luồng quá kém, chỉ 5% - 6% học sinh đi học nghề, còn lại đều muốn vào học ĐH-CĐ. Sau này nếu phân luồng thành công thì thi ĐH-CĐ sẽ không cần nữa, các trường chỉ cần một kỳ kiểm tra đầu vào đối với học sinh, vì học sinh học lên THPT đều đã có trình độ khá”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, hệ thống giáo dục hiện nay còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục. “Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay được ví như một nhà cao tầng (từ mầm non đến thạc sĩ, tiến sĩ). Đáng lẽ phải có lối đi liên thông trong tất cả các tầng, nhưng hiện tại chúng ta muốn đi từ tầng 2, tầng 3 lên tầng 4, tầng 5 phải đi ngược xuống tầng 1”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ví von. Điều đó càng chứng minh, nếu không thực hiện được phân luồng học sinh thì ngành giáo dục vẫn còn nợ xã hội lời giải cho bài toán “thừa thầy thiếu thợ”, lãng phí trong đào tạo, mất cân đối cơ cấu của nguồn nhân lực, khó đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của nền kinh tế về đội ngũ thợ lành nghề và nguồn nhân lực trình độ cao.
Vì vậy, lần đổi mới giáo dục này nhất định phải thực hiện được phân luồng học sinh và đầu tư tốt cho công tác dạy nghề.
Công tác phân luồng trong giáo dục có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa; đồng thời tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người phù hợp với năng lực, điều kiện mỗi cá nhân và nhu cầu đất nước. Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nêu rõ, phân luồng sau THCS là việc buộc phải làm để nâng cao chất lượng đào tạo và cân đối nguồn nhân lực.
|
PHAN THẢO
Nguồn: sggp.org.vn