Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Nhiều trường đại học công bố tuyển khối A1

01/02/2012

 

Trong khi Bộ GD-ĐT chưa quyết định chính thức về thêm khối thi A1 (thi Toán, Lý, Ngoại ngữ) nhưng nhiều trường công và tư đã lên phương án tuyển thêm khối này để hút thí sinh.

 

Những điểm mới trong tuyển sinh năm 2012 đến thời điểm này vẫn chưa được ngã ngũ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Từ nay đến năm 2015, cơ bản vẫn thi ĐH, CĐ theo phương án 3 chung, đồng thời giao tự chủ rộng hơn cho các trường...

Dự kiến của Bộ GD-ĐT quy định mùa tuyển sinh năm nay chỉ mức điểm sàn, không quy định số đợt và mốc thời gian xét tuyển sẽ đem đến nhiều cơ hội cho thí sinh, các trường tuyển được nhiều thí sinh vào đúng ngành nghề đào tạo. Và không ít trường đã lên kế hoạch tuyển sinh cho năm 2012.

 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Từ nay đến năm 2015 cơ bản vẫn thi ĐH, CĐ theo phương án 3 chung.

 

“Những thay đổi lớn trong việc tuyển sinh Bộ có trách nhiệm thông báo sớm trước 2, 3 năm để có thời gian chuẩn bị. Còn những thay đổi về mặt kỹ thuật thì sẽ có lợi cho các em hơn trong chọn trường, chọn ngành nghề” – lời Thứ trưởng.

 

Khoảng giữa tháng 2 tới, hội nghị tuyển sinh sẽ được tổ chức, những vấn đề đổi mới sẽ được đem ra bàn thảo và đi đến quyết định chính thức.

 

Nên thi riêng đại trà?

 

Những trường ĐH được Bộ GD-ĐT đề nghị gửi phương án tuyển sinh riêng đều cho biết chưa thể thực hiện trong năm 2012.

 

Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Lê Thị Thu Thủy cho hay, mùa tuyển sinh năm nay trường vẫn tổ chức thi chung vì đây vẫn là phương án tối ưu trong điều kiện hiện nay.

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Nguyễn Quang Dong cho rằng, thời điểm này tuyển sinh theo phương án "3 chung" vẫn là giải pháp tối ưu. Trong điều kiện các giải pháp chưa đồng bộ, để trường tuyển sinh riêng sẽ phá vỡ hệ thống và không đảm bảo được quyền xét tuyển của thí sinh.

 

"Vì phương án thi chung thí sinh  trượt nguyện vọng này vẫn có cơ hội xét tuyển các nguyện vọng kế tiếp (nếu đủ điều kiện xét tuyển). Còn nếu thi riêng thí sinh trượt sẽ không biết đi đâu. Hơn nữa, thi riêng sẽ không quản được chất lượng - đây là cái dở", ông Dong dẫn giải.

 

Theo ông Dong, phương án trước mắt có thể triển khai là mở rộng khối thi và bổ sung thêm khối năng khiếu...

 

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Cảnh Lương cho biết, năm nay nhà trường chưa thực hiện được phương án tuyển sinh riêng do các điều kiện chuẩn bị chưa đồng bộ.

 

Ông Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội thông tin, khi Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tuyển sinh, trường mới chính thức công bố các phương án tuyển sinh. Tuy nhiên, khả năng thực hiện phương án mới trong năm nay là hơi khó và có thể không tổ chức được do thời gian hơi gấp.

 

Với kinh nghiệm làm quản lý nhiều năm, GS Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, nếu để từng trường tổ chức thi riêng độc lập thì quyền xét tuyển nhiều lần của thí sinh sẽ không được đảm bảo. Tuy nhiên, Trường ĐH Sư phạm sẵn sàng thi riêng với điều kiện phải có thi cụm trường cùng khối để thí sinh không trúng tuyển trường này có thể xét tuyển vào trường khác trong cụm còn chỉ tiêu...

 

Hiện tại, phương án thi "3 chung" cũng chưa giúp cho các trường tự chủ được tốt, ông Thịnh nêu bất cập. Do đó, phương án tuyển sinh riêng Bộ cần cân nhắc nếu là đại trà được thì tốt. Hoặc là giao hẳn cho các trường tự tổ chức thi như trước kia chứ không thể tự nguyện. Thực tế công việc tuyển sinh các trường vẫn phải là làm. Nếu tự tổ chức thi sẽ tốn kém hơn trong tổ chức thi, ra đề thi...nhưng được một cái là tự tin hơn trong lựa chọn đầu vào, không bị động.

 

Cách đây khoảng chục năm, các trường thi riêng và quyền lợi của thí sinh vẫn được đảm bảo thi nhiều trường, ông Thịnh dẫn giải. Nên thực hiện thi riêng đại trà có tập huấn thật kỹ. Để làm được Bộ phải quyết tâm sắt đá.

 

Nhiều trường thêm khối A1

 

Trong khi Bộ GD-ĐT chưa quyết định chính thức về thêm khối thi A1 (thi Toán, Lý, Ngoại ngữ) nhưng nhiều trường công và tư đã lên phương án tuyển thêm khối này để hút thí sinh.

Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang Võ Văn Tuấn, nếu Bộ cho phép xét tuyển khối A1, chắc chắn trường sẽ tuyển thêm khối này.

 

Trường ĐH Ngoại thương sẽ tổ chức thi khối A1 cho tất cả các ngành. Như vậy, các khối tuyển sinh của trường là A, A1, D. Trường vẫn giữ 3.400 CT như năm trước.

 

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông tuyển sinh khối A, A1, D1. Trường giữ ổn định CT hệ chính quy, giảm CT hệ liên thông.

 

Trường ĐH Lạc Hồng cũng khẳng định sẽ tuyển thêm khối A1 cùng những ngành khối A truyền thống.

 

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng đề nghị được tuyển thêm khối A1.

 

Các ngành học khối A truyền thống của Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ đều tuyển khối A1.

 

Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu cũng xét tuyển khối A1 cho 6/9 ngành học....

 

Tăng cơ hội vào ĐH

 

ĐHQG Hà Nội cho biết năm 2012 sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành mới là Bác sĩ đa khoaDược học. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng cho biết sẽ có thêm chuyên ngành mới là Địa chínhQuản lý đô thị (thuộc ngành quản lý đất đai).

 

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng dự kiến mở 2 ngành mới là Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử (khối A) và Công nghệ kỹ thuật môi trường (khối A, B).

 

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM mở thêm Chuyên ngành truyền thông Văn hóa thuộc ngành văn hóa học (khối C và D1).

 

Trường ĐH Tài chính - Marketing có một số chuyên ngành sẽ được tách ra thành ngành mới. Cụ thể, trường sẽ tuyển 3 ngành mới gồm Kinh doanh quốc tế, Bất động sản Quản trị khách sạn. Mỗi ngành này sẽ tuyển khoảng 200 chỉ tiêu và thi khối A, D1.

 

Một số trường thành viên của ĐHQG TP.HCM cũng sẽ có thêm ngành mới. Cụ thể: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển 50 chỉ tiêu ngành Ngữ văn Ý (khối D1); Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển ngành Kỹ thuật hạt nhân (khối A); Trường ĐH Kinh tế - Luật tuyển ngành Kinh doanh quốc tế (khối A và D1).

 

Ngoài việc có thêm nhiều ngành học mới để chọn thì mùa tuyển sinh năm nay thí sinh còn có thêm cơ hội trong xét tuyển do Bộ đang dự kiến sẽ chỉ quy định mức điểm sàn chứ không quy định về số đợt xét tuyển và mốc thời gian xét tuyển mỗi đợt. Các trường được chủ động tổ chức tuyển trên nguyên tắc: Không vượt chỉ tiêu đã xác định và điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn.

 

Chủ trương này được thực thi, các trường sẽ được tuyển nhiều đợt cho đến khi đủ chỉ tiêu; thí sinh sẽ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng bản sao của giấy này để đăng ký vào nhiều trường khác nhau. Thí sinh chỉ phải sử dụng bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi để nộp cho trường nào mình trúng tuyển và quyết định nhập học.

 

Để tránh kéo dài thời gian xét tuyển và gọi vượt chỉ tiêu, nhiều ý kiến cho rằng Bộ cần nới rộng biên độ về chỉ tiêu, thay vì quy định không được vượt quá 10% chỉ tiêu thì nên quy định tối đa là 15%?. Lý do là vì không phải tất cả thí sinh trúng tuyển đều nhập học, nhất là khi cơ hội xét tuyển rộng cửa sẽ chắc chắn khiến tỉ lệ thí sinh ảo tăng cao.

 

Kiều Oanh

Nguồn: vietnamnet.vn

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang