Ngừng in cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh": Lạc giữa “rừng” trường
16/01/2012
Theo dự kiến, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ không tổ chức in tài liệu ''Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012''.
Thông tin này khiến nhiều thí sinh lo lắng bởi lâu nay cuốn tài liệu này được coi là cẩm nang hữu ích giúp thí sinh chọn trường, khối thi, chỉ tiêu cũng như các thông tin liên quan đến kỳ thi.
Trường được tự chủ thông tin
Nhiều năm qua, cuốn cẩm nang "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ" (NĐCB) do Bộ GD&ĐT phát hành được coi là tài liệu cung cấp những thông tin quan trọng về tuyển sinh ĐH, CĐ trong cả nước. Các sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ, THPT căn cứ vào cuốn tài liệu này để thực hiện công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, dù rất quan trọng, song việc phát hành tài liệu này còn nhiều bất cập. Điển hình như năm 2011, việc phát hành chậm so với dự kiến khiến thí sinh "nháo nhác" tìm kiếm khắp nơi mà không có, hay một số trường đăng sai nội dung thông tin... Cùng với việc trao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường, Bộ cũng đang xem xét có nên tiếp tục phát hành cuốn tài liệu này nữa hay không.
Theo Bộ GD&ĐT, dự kiến trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ sẽ không tổ chức phát hành cuốn NĐCB. Về việc cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến kỳ thi cho các thí sinh, GS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: "Thông tin tuyển sinh đăng ký của các trường gồm: tên trường, địa chỉ, điện thoại, fax, website; ngành đào tạo, khối thi; chỉ tiêu tuyển sinh; vùng tuyển và phương thức tuyển sinh (tổ chức thi hay xét tuyển) sẽ được tập hợp và đưa lên trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT. Các thông tin khác liên quan đến tuyển sinh như: môn thi năng khiếu, môn nhân hệ số, học phí, số chỗ ký túc xá... sẽ được công bố trên trang điện tử chính thức của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác".
Nhiều trường ĐH, CĐ đã lên tiếng ủng hộ việc ngừng phát hành cuốn NĐCB, bởi đồng nghĩa với việc từ nay trường sẽ thoát cảnh hàng năm "dài cổ" chờ đợi nhau, rồi mới công bố thông tin về tuyển sinh. PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Đó là dấu hiệu Bộ giao quyền tự chủ cho các trường. Nhất là Bộ đang muốn một số ĐH trọng điểm chủ động trong việc đổi mới tuyển sinh. Mọi năm, việc phát hành cuốn NĐCB phải hô hào các trường rất vất vả để có được thông tin kịp thời, rồi lại hạn chế số trang, số chữ... mà vẫn phải sau Tết (khoảng tháng 3) mới in được. Tuy nhiên nếu ngừng in cuốn NĐCB, Bộ cũng cần có thông báo sớm để các trường được chủ động".
Thí sinh sẽ gặp khó?
Có thể thấy rõ rằng, việc ngừng xuất bản cuốn NĐCB sẽ giảm đi một khoản chi phí cho các thí sinh, còn các trường ĐH, CĐ thì tự chủ trong việc công bố thông tin và không mất thời gian chờ đợi đến lúc phát hành rồi mới tiến hành các công tác tuyển sinh tiếp theo... Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít băn khoăn, lo lắng bởi việc đột ngột ngừng xuất bản cuốn cẩm nang được đánh giá là rất quan trọng này ít nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các thí sinh, đặc biệt là các em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi gặp khó khăn để tiếp cận thông tin trên báo, đài, đặc biệt là qua Internet.
Năm nay mới dự thi ĐH, nhưng Dương Quốc Tú, học sinh lớp 12, Trường THPT Phú Cường (Kỳ Sơn, Hòa Bình) cũng đã biết khá rõ cuốn NĐCB quan trọng thế nào, nên nếu không có nó sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tú lo lắng: "Em thấy, để tiếp cận thông tin về trường học, ngành học mà chỉ xem trên Internet thì ngay cả các bạn thành thạo cũng chưa chắc đã sàng lọc được thông tin hữu ích ở đâu. Ngoài mấy trường lớn như: ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng... em còn biết, chứ những trường khác ở Hà Nội hay ở miền Bắc này thôi em cũng "mù tịt" về tên trường, địa chỉ web. Ngay cả có địa chỉ web đi nữa cũng khó để tìm kiếm, so sánh các ngành học, chỉ tiêu ngành học. Theo em, vẫn nên có cuốn NĐCB để các thí sinh dễ dàng so sánh, hoặc cầm đi hỏi người thân, thầy cô".
Cho rằng học sinh của mình sẽ gặp nhiều khó khăn, thầy Trần Mạnh Hùng, giáo viên Trường THPT Trực Ninh (Nam Định) e ngại: "Việc định hướng chọn trường, chọn nghề... mỗi năm trường cũng chỉ tổ chức một vài buổi cho các em. Các em đã thiếu định hướng như vậy rồi, giờ còn hạn chế trong tiếp cận, so sánh các ngành nghề, chỉ tiêu giữa các trường nên chắc chắn các em sẽ gặp không ít khó khăn. Thông thường, các em nghiên cứu khá kỹ cuốn NĐCB sau đó hỏi thêm thầy cô, gia đình rồi mới chọn ngành, chọn trường. Ở nông thôn, mặc dù có các điểm truy cập Internet song các em sẽ mất nhiều thời gian để sàng lọc thông tin của vài trăm trường, trong đó có cả nghìn ngành nghề khác nhau".
Theo bà Bùi Thị Bích Hương, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Tuyên Quang): "Nếu không phát hành cuốn NĐCB, không chỉ học sinh gặp khó khăn mà đối với đội ngũ thu nhận hồ sơ tuyển sinh cũng gặp không ít khó khăn. Cuốn NĐCB lâu nay đã trở thành cẩm nang để cán bộ thu nhận hồ sơ căn cứ vào đó xem học sinh ghi sai hay đúng mã ngành, mã vùng, vùng tuyển sinh hoặc tổ chức hướng dẫn các em làm hồ sơ cho chính xác. Bên cạnh đó, không phải chỗ nào cũng nối mạng Internet nên các em và gia đình sẽ rất vất vả trong việc tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường".
Tạo ra tính tự chủ trong tuyển sinh, tiết kiệm kinh phí cho thí sinh... tuy nhiên, ngừng phát hành cuốn NĐCB sẽ khiến thí sinh phải "đánh vật" trước một "rừng" trường ĐH, CĐ (hơn 400 trường) trên phạm vi cả nước. Hay nói là để tiết kiệm cho thí sinh, nhưng so với việc bỏ ra vài chục nghìn đồng mua sách thì nay để ra điểm truy cập Internet sàng lọc thông tin, chọn ngành, chọn trường... rất mất thời gian và có khi lại tốn kém hơn rất nhiều. Theo dự kiến, "số phận" của cuốn NĐCB sẽ được định đoạt trong Hội nghị tuyển sinh các trường ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 2 tới.
"Việc ngừng phát hành cuốn NĐCB việc tìm kiếm thông tin của thí sinh sẽ vất vả hơn, nhưng lại tập cho các em chủ động tìm nguồn thông tin. Thí sinh cũng không thể rối mù chọn hàng nghìn ngành - giống như đi siêu thị vậy, không vì quá nhiều mặt hàng mà không biết chọn mua gì. Phải biết mình cần gì, định mua gì để đến quầy hàng mình cần. Trường nào không đủ năng lực thì phải cố lên, bởi trường được tự chủ sẽ sáng tạo cho những kênh thông tin đa dạng, phong phú, vấn đề là thông tin nghiêm túc đến được với người cần. Cuốn NĐCB cũng rất cần thiết, gần như gia đình nào có thí sinh dự thi đều mua cuốn này, nhất là các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa. Dự kiến, ĐH Quốc gia HN cũng phát hành cuốn NĐCB riêng của ĐH Quốc gia Hà Nội".
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội)
|
Bộ GD&ĐT đăng thông tin tuyển sinh từng trường
Để chuẩn bị công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu, hướng dẫn các trường ĐH, Học viện, CĐ đăng ký thông tin tuyển sinh năm 2012 gồm: Tên trường, địa chỉ, điện thoại, số fax, địa chỉ website của trường; Tên ngành, mã ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ; Khối thi hoặc khối xét tuyển tương ứng của từng ngành; Vùng tuyển sinh; Chỉ tiêu tuyển sinh (tổng chỉ tiêu, chỉ tiêu ĐH, CĐ); Phương thức tuyển sinh. Thông tin đăng ký tuyển sinh của từng trường được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT, sau khi các trường đã xác nhận tính chính xác của các thông tin đã đăng ký.
|
Ngô Quang Huy
Nguồn: giadinh.net.vn