Nhiều phụ huynh “té ngửa” khi cho con đi học nghề
02/12/2013
Chủ trương phân luồng học sinh sau khi học xong THCS được xem là giải pháp ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục THPT. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau THCS đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản…
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của phóng viên Motthegioi.vn, hiện thông tin hệ đào tạo nghề của các trường còn mập mờ, khiến nhiều học sinh và phụ huynh “té ngửa” khi biết rằng, học sinh muốn học nghề dù muốn dù không cũng phải học xong bậc THPT. Đặc biệt là thời gian đào tạo kéo dài làm cho không ít học sinh “đứt gánh” giữa chừng, và gây áp lực, gánh nặng cho phụ huynh!
Học nghề cũng mất 5 năm…
Theo quy định học nghề của Bộ GD-ĐT, đối tượng học nghề chỉ cần tốt nghiệp THCS, thậm chí thấp hơn vẫn có thể theo học nghề ngắn hạn. Nhưng đến lúc làm thủ tục nhập học, nhiều học sinh và phụ huynh mới biết rằng nhà trường bắt học lại và hoàn tất chương trình phổ thông rồi mới tính đến chuyện dạy nghề.
Ví dụ, tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, hệ đào tạo nghề của trường có tuyển học sinh THCS và THPT các tỉnh. Khi vào trường, học sinh cũng phải học văn hóa, tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên, rồi mới học nghề sau…
Quy chế này đã vô tình làm học sinh nản và bỏ học vì tâm lý chung của các em là không muốn học chữ chỉ muốn học nghề khi vào trường.
Được biết, một phụ huynh từng đến “cầu cứu” ban giám hiệu Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM vì con mình chán học. Đồng thời, kiến nghị ban giám hiệu trường cần có chương trình đào tạo nghề song song và xen kẽ chương trình bổ túc văn hóa, để học sinh đam mê với nghề mình chọn và có hứng thú trong học tập.
“Bởi các cháu đã ngán học chữ vì mất căn bản. Các cháu phải học văn hóa do nhà trường liên kết với Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn, khiến các cháu chán nản và có tâm lý muốn nghỉ học”, phụ huynh này cho hay.
Đào tạo xen kẽ, tại sao không?
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên Motthegioi.vn, một học sinh lớp 10 vào học trung cấp nghề ở một trường ĐH, chưa kể các chi phí khác thì mức học phí đã là 5 triệu đồng/năm. Chương trình học càng kéo dài, phụ huynh càng tốn kém.
Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, tại sao không có chương trình đào tạo nghề trong ba năm học nghề, để học sinh vừa hoàn thành chương trình phổ thông và có bằng nghề?
Ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng đào tạo trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, lý giải: Theo quy chế đào tạo hệ trung cấp nghề trong trường ĐH bắt buộc HS phải học xong chương trình giáo dục phổ thông, khi hoàn tất nhà trường mới tiến hành đào tạo nghề.
Và khi học xong, học sinh sẽ được cấp song song một lúc hai bằng (tức là bằng tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên và bằng trung cấp nghề - PV). Như vậy, tính ra một học sinh tốt nghiệp THCS muốn vào học trung cấp nghề, phải mất 5 năm (3 năm học THPT và 2 năm học nghề).
Đừng để chủ trương phân luồng…phá sản!
Thầy Phạm Đình Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận Tân Phú), cho biết, hàng năm trường đều tổ chức hội trại nghề nghiệp với các trường bạn và mời các trường trung cấp nghề, trường ĐH có đào tạo hệ trung cấp nghề đến tư vấn nghề nghiệp thêm cho học sinh, để hướng học sinh theo học nghề nếu các em không muốn học tiếp bậc THPT.
“Những năm học gần đây tỉ lệ học sinh trên địa bàn quận sau khi tốt nghiệp THCS vào các trường trung cấp nghề tăng so với những năm trước từ 10 đến 15%”, ông Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Đình Anh, công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau THCS đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nếu vào môi trường học nghề mà các em không được học nghề mà phải tiếp tục học văn hóa thì các em rất dễ bỏ học, công tác phân luồng dễ bị phá sản.
Quốc Việt
Nguồn: motthegioi.vn