Trường đại học... nhưng không có trường, không hiệu trưởng
24/11/2013
Không có cả hiệu trưởng, trường lớp phải đi thuê, thiếu giảng viên cơ hữu nhưng để có người học, trường đã nhận hàng trăm thí sinh có giấy báo điểm giả… Những việc như thế đang diễn ra tại Trường ĐH tư thục Công nghệ và quản lý Hữu Nghị Hà Nội.
Điều đáng nói là những sai phạm này diễn ra nhiều năm nay nhưng Bộ GD-ĐT lại không biết nên chưa có những xử phạt và dẫn đến nguy cơ thiệt hại quyền lợi cho người học.
Giấy báo điểm 4 - 5 năm trước cũng trúng tuyển
Thành lập năm 2007, bắt đầu tuyển sinh năm 2009, đến nay Trường ĐH tư thục Công nghệ và quản lý Hữu Nghị Hà Nội có khoảng gần 300 sinh viên (SV). Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong số này chỉ hơn 100 SV có đầu vào đúng quy định. Năm học 2013 - 2014, trường chỉ tuyển được 11 SV.
Sự việc phát hiện từ cuối năm 2011 khi nhà trường thực hiện thanh tra tuyển sinh. Rà soát 254 hồ sơ của SV 3 khóa (từ 2009 -2011) đã có tới 171 hồ sơ không hợp lệ. Trong số này có 5 SV chỉ đạt 12,5 điểm (không đủ điểm sàn); 3 SV không đúng khối xét tuyển (trường tuyển khối A nhưng có cả SV khối B, C, V); 5 SV không có phiếu báo điểm và 12 SV không tìm thấy thông tin theo phiếu điểm dự thi. Đáng lưu ý là có 1 SV nộp giấy báo điểm của năm 2005 (cách thời điểm tuyển sinh 4 - 5 năm) nhưng vẫn được chấp nhận. Đặc biệt hơn nữa là trong số này có tới 145 SV trúng tuyển với giấy báo điểm giả. Các SV này đều có giấy báo điểm của các trường thuộc khối an ninh, quân sự như: Học viện Cảnh sát nhân dân; Học viện An ninh nhân dân; Học viện Hậu cần… nhưng thực chất không hề dự thi tại đây.
“Không có sinh viên trường sẽ đóng cửa” !
Lý giải với Hội đồng quản trị của trường về việc tại sao vẫn gọi nhập học những thí sinh không đủ điều kiện, bà Lê Thị Việt Hoa, nguyên là Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết: “Năm 2011, khi đã hết hạn tuyển nguyện vọng 2 trường mới chỉ tuyển được khoảng hơn 50 SV. Khi đó, thầy Lê Vĩnh Thọ, lúc đó là hiệu phó của trường có nói với tôi là trường giờ cần SV, nếu không có SV thì sẽ bị đóng cửa trường nên có giới thiệu một người tên là Bồng đến và đưa những giấy báo vào trường. Thầy bảo những giấy này là giấy photo màu và làm ở những trường an ninh, quân sự nên không đưa điểm lên mạng. Cho SV vào học để trường đông rồi người ta nhìn mới thấy đây là ngôi trường, sau sẽ đông lên!”.
Khi đề cập đến trách nhiệm, bà Hoa lý giải: “Tôi thừa nhận khi tra điểm không có (do các trường thuộc khối an ninh, quân đội không công khai điểm thi của thí sinh - NV) nên đã để các thí sinh có giấy báo điểm photo màu đó vào học tại trường. Việc tôi lờ đi cho số SV vào học là đã làm sai trong quản lý. Nhưng lý do ở đây là do thầy Lê Vĩnh Thọ là người của nhà đầu tư chỉ đạo như vậy nên tôi làm theo”. Trong bản trường trình, bà Hoa cũng thừa nhận có nhận tiền của ông Bồng (là người môi giới kể trên - NV) với số tiền bồi dưỡng 4 triệu đồng.
Mỗi năm thuê một địa điểm
Khi PV Báo Thanh Niên liên hệ với Ban giám hiệu của trường để tìm hiểu vụ việc thì được biết, trường này không có hiệu trưởng đã hơn 1 năm.
Ông Đỗ Doãn Hải, Phó hiệu trưởng đang trực tiếp điều hành trường, từ chối cung cấp thông tin. Ngoài ra, ông Hải cũng không đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng do được bổ nhiệm sai quy định. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì độ tuổi của phó hiệu trưởng khi được bổ nhiệm không quá 70 nhưng hiện ông Hải đã 80 tuổi. Không có hiệu trưởng, hiệu phó không đúng quy định vậy mà sắp tới đây 44 SV khóa 1 (không loại trừ có nhiều trường hợp đầu vào bằng giấy tờ giả) sẽ được trường cấp bằng tốt nghiệp.
Từ khi tuyển sinh đến nay, năm nào trường cũng được duyệt rất nhiều chỉ tiêu, có năm đến khoảng 1.000 cho các hệ đào tạo. Tuy nhiên, cả cơ sở vật chất lẫn lực lượng giảng viên của trường đều không đảm bảo điều kiện đào tạo.
Giới thiệu trên website, trường cho rằng đầu tư rất lớn về cả cơ sở vật chất và con người. Tại báo cáo thống kê và rà soát một số điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo mới nhất mà trường gửi đến Bộ GD-ĐT, trường thông tin có 42 giảng viên cơ hữu, trong đó có 6 giáo sư và 21 phó giáo sư. Tuy nhiên trên thực tế tại bảng lương trả cho các giảng viên cơ hữu của trường thì chỉ có 7 người.
Trường quảng cáo đã xây dựng cơ sở đào tạo ở P.Dương Nội, Q.Hà Đông, Hà Nội và sẽ đưa vào sử dụng cuối năm nay. Nhưng khi chúng tôi đến thì ở đây vẫn chỉ là cánh đồng. Trên một khu ruộng chỉ có một khung sắt được dựng lên mà theo người dân cho biết đây là biển đề tên dự án của trường, nhưng nay đã bị gió mưa làm tan hoang rồi. Từ khi thành lập đến nay, trường chưa có một cơ sở đào tạo nào ổn định. Mỗi năm trường lại đi thuê một địa điểm và đã qua 4 lần di chuyển. Hiện nay cơ sở đào tạo của trường thuê ở một tòa nhà nằm trong khu dân cư thuộc Q.Từ Liêm, Hà Nội, thiếu môi trường sư phạm. Tòa nhà này chỉ rộng 400 m2 với 5 phòng học và 3 phòng làm việc.
Trường đôi co, Bộ nói mới nhận được thông tin
Khi đặt vấn đề, trường sẽ giải quyết như thế nào cho những SV vào học bằng giấy báo điểm giả, ông Đỗ Doãn Hải cho rằng trường đã cho số SV này nghỉ học. Sau đó phóng viên cho biết phụ huynh của những SV này có đơn kêu cứu vì SV bị đồng loạt cho nghỉ học thì ông Hải lại nói: “Không có chuyện cho SV nghỉ học!?”. Vấn đề ở đây là lỗi hoàn toàn không do SV vì ngay từ đầu trường đã chủ động để SV vào học bằng đầu vào không hợp lệ thông qua giấy tờ giả. Vì vậy bây giờ không thể giải quyết cho những SV này nghỉ học là xong.
Ông Hải còn cho biết đã báo cáo sự việc với ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên ông Bằng lại nói không được trường báo cáo mà hiện Bộ mới nhận được thông tin từ một nguồn khác và đang tiến hành kiểm tra. Điều đáng nói là những vi phạm nghiêm trọng của trường đã diễn ra nhiều năm qua nhưng vẫn không bị phát hiện, xử lý. Trong khi năm học nào Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường báo cáo tình hình tuyển sinh cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Vậy tại sao Bộ lại không thể phát hiện ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Trường ĐH tư thục Công nghệ và quản lý Hữu Nghị Hà Nội?
|
Vũ Thơ
Nguồn: thanhnien.com.vn