Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Nhiều điểm cao, khó cạnh tranh suất ĐH?

24/07/2015

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, đánh giá mức điểm bình quân các môn năm nay cao hơn năm trước khoảng 2 điểm. “Số lượng thí sinh có tổng điểm ba môn từ 18 điểm, đủ để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ rất lớn; hứa hẹn cuộc chạy đua vào các trường sẽ hết sức căng thẳng” - TS Thanh nói.

Thách thức chọn trường, chọn ngành

Ông Thanh nhận xét những năm trước mức điểm ba môn xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ đạt 17-18 điểm là khá “an toàn”, đảm bảo một chỗ học thì năm nay mức điểm này lại rất phổ biến nên sự cạnh tranh của thí sinh sẽ cao hơn. “Do đó, phía nhà trường đã chuẩn bị phương án xét thêm yếu tố phụ để xét tuyển. Ví dụ, nguyên tắc xét tuyển lấy điểm từ trên xuống, nếu điểm thí sinh ngang nhau thì xét thêm ưu tiên một môn nào đó, nếu điểm vẫn ngang nhau thì tiếp tục xét học bạ ba năm cấp III” - ông Thanh cho biết.

Ông Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, trấn an cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ năm nay rất rộng cửa cho các thí sinh. “Tuy nhiên, với mức điểm khá cao, dự kiến điểm chuẩn vào các trường sẽ tăng 2-3 điểm so với năm trước” - ông Bình nói.

Ông Bình hướng dẫn thí sinh nên chọn lựa nguyện vọng một cách có ý thức. Thí sinh phải cân nhắc, không nhất thiết phải chọn đủ bốn nguyện vọng, nếu cố lấp đầy (đăng ký hết) thì sau này trúng tuyển vào ngành mà mình không thích hợp sẽ rất khó trong học tập và phát triển nghề nghiệp sau này.

Trước băn khoăn của thí sinh về cách chọn trường, chọn ngành do có mức điểm của các thí sinh ngang nhau quá nhiều, ông Bình cho rằng: Trước hết thí sinh nên kiểm tra sức hút của trường, điểm chuẩn hằng năm để từ đó so sánh với các tổ hợp điểm của mình. Nếu điểm chuẩn các năm trước cao hơn tổ hợp hiện có thì thí sinh khó có cơ hội trúng tuyển năm nay. Ngoài ra, thí sinh cần lưu ý chọn trường vừa sức, bao gồm cả sức học lẫn điều kiện tài chính.

Cân nhắc điểm số trước khi nộp hồ sơ

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nhà trường sẽ công bố ngưỡng xét tuyển. Thông thường ngưỡng xét tuyển của trường sẽ cao hơn ngưỡng của Bộ. “Điểm trường công bố chỉ là điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Trên cơ sở số lượng thí sinh đăng ký, trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì thế điểm trúng tuyển thường sẽ cao hơn điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Do đó, thí sinh nộp hồ sơ vào trường phải có mức điểm cao hơn mức điểm xét tuyển của nhà trường. Các em cần hết sức cân nhắc điều này” - ông Sơn nói.

“Ba ngày một lần, nhà trường sẽ cập nhật kết quả xét tuyển lên trang của trường, xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Từ đây thí sinh có thể biết khả năng của mình có đỗ không để quyết định rút hồ sơ nộp sang trường khác” - ông Sơn lưu ý.

GS-TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu phó Trường ĐH Thủy lợi (Hà Nội), khuyên: “Khi nộp hồ sơ các em phải biết điểm số của mình được bao nhiêu, chỉ tiêu của trường là bao nhiêu trước khi nộp hồ sơ. Ngoài ngưỡng xét tuyển của các trường ĐH thì các em cũng nên tham khảo phổ điểm các năm trước để có thêm cơ sở lựa chọn” - ông Thụ nói.

Ông Thụ tư vấn thí sinh nên chọn thời điểm rút hồ sơ, không nên để đến ngày cuối cùng khi thấy khả năng đỗ vào trường thấp mà rút hồ sơ. Khi đó việc rút hồ sơ và chuyển hồ sơ sang trường khác sẽ gặp nhiều khó khăn.

P.ĐIỀN - H.HÀ
(phapluattp.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang