Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

12 điều cần biết khi đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ

20/07/2015

Hôm nay (20-7), là hạn chót các cụm thi trên toàn quốc nộp điểm thi về Bộ GD&ĐT để công bố. Ngay sau khi điểm thi được công bố, thí sinh (TS) cần phải làm gì, chuẩn bị gì để kịp đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ?

Trên cơ sở tư vấn của ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh thuộc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM, báo Pháp Luật TP.HCM sắp xếp thành 12 điều TS cần biết để sửa soạn bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển cũng như có quyết định kịp thời để mang về nhiều lợi thế trúng tuyển hơn.

1. Trước hết phải biết mình thi được bao nhiêu điểm, vậy xem điểm thi ở đâu? Ngày 20-7 là hạn chót các cụm thi gửi điểm thi về Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ nhập vào hệ thống dữ liệu tổng hợp của Bộ. Trước đó, khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, mỗi TS được cấp một tài khoản (account) và mật khẩu (password) để đăng nhập vào hệ thống. Tất cả thông tin cá nhân, điểm thi, kết quả tốt nghiệp THPT và kết quả xét tuyển ĐH, CĐ (sau này) đều được đưa vào đây. TS login vào hệ thống này tại link dưới đây để xem điểm của mình: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Các cụm thi sẽ không thông báo tại trường như trước đây. Nếu quên mật khẩu thì liên hệ với nơi đăng ký dự thi để nhờ giúp đỡ.

2. Lúc nào có kết quả tốt nghiệp THPT? Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đến ngày 25-7 các sở GD&ĐT sẽ hoàn thành xét tốt nghiệp THPT và cập nhật vào hệ thống.

3. Lúc nào sẽ có giấy chứng nhận kết quả thi (GCNKQT), nhận ở đâu?Sau 27-7, các trường ĐH chủ trì cụm thi sẽ in GCNKQT chuyển cho các sở GD&ĐT để phát cho TS (đối với TS thi ở cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì thì Sở sẽ in và phát). TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia ở đâu thì sẽ nhận GCNKQT ở đó. Mỗi TS sẽ được nhận bốn GCNKQT. Giấy thứ nhất dùng để đăng ký xét tuyển đợt 1. Ba giấy còn lại dùng để xét tuyển các đợt tiếp theo.

4. Lúc nào làm hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ĐH, CĐ? Hồ sơ gồm có những gì? Theo kế hoạch, từ 1-8, các trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ ĐKXT đến hết 20-8. Hồ sơ gồm: 1/ Phiếu ĐKXT có ghi rõ đợt xét tuyển; 2/ GCNKQT có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi và mã vạch nhận dạng; 3/ Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của TS để trường thông báo kết quả xét tuyển.

5. Phiếu ĐKXT nhận ở đâu? TS vào website của trường muốn đăng ký để tải giấy ĐKXT và in ra hoặc đến trường này để nhận.

6. Cách ghi vào phiếu ĐKXT thế nào? Xem ảnh thể hiện mẫu ĐKXT làm mẫu, TS theo đó điền vào phiếu. Chú ý dùng phiếu ĐKXT có ghi rõ đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 và GCNKQT số 1.

7. Trên phiếu ĐKXT có ghi “các NV đăng ký”. Việc chọn các NV này dựa trên cơ sở nào? Có cần phải đăng ký hết bốn NV? Muốn chọn NV học ngành (nhóm ngành) nào thì TS phải có điểm của ba môn tương ứng với yêu cầu của ngành muốn chọn. Mỗi trường TS được đăng ký tối đa bốn NV vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ một đến bốn. TS có thể đăng ký ít hơn bốn NV.

8. Cách thức nộp hồ sơ ĐKXT như thế nào? TS có thể nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT cho trường có NV vào học qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường. Lệ phí xét tuyển 30.000 đồng/hồ sơ.

9. Cách xét tuyển của các trường như thế nào? Trước hết các trường dựa vào tổng số điểm của ba môn TS đã chọn khi đăng ký vào ngành tương ứng của trường, đồng thời cộng với điểm khu vực và điểm ưu tiên. TS được xếp theo thứ tự tổng số điểm từ cao xuống thấp. Khi xét tuyển sẽ chọn TS có điểm từ cao đến thấp dần cho đến khi đủ chỉ tiêu. Điểm vừa đủ chỉ tiêu gọi là “điểm chuẩn”. Một số trường có đặt ra các điều kiện phụ khi xét tuyển nên TS cần chú ý để đáp ứng. Các TS trúng tuyển sẽ nhận giấy báo trúng tuyển theo đường bưu điện gửi theo địa chỉ ghi trên bao thư TS nộp kèm với hồ sơ xét tuyển.


Mẫu phiếu đăng ký xét tuyển NV1

10. Trong trường hợp bất lợi có thể thay đổi NV được không? Trong thời gian 20 ngày xét tuyển NV 1 (từ ngày 1 đến 20-8), nếu có nhu cầu TS có thể điều chỉnh NV đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác. TS trúng tuyển NV trước thì không được xét tiếp các NV sau.

11. Làm sao biết tình hình xét tuyển của trường để kịp thay đổi NV?Cứ ba ngày một lần các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách TS theo điểm từ cao xuống thấp để TS theo dõi. TS có thể đăng nhập vào website của trường để xem, trên cơ sở đó quyết định đổi hay không thay đổi NV.

12. Trường hợp không trúng tuyển NV1 thì đăng ký xét tuyển các NV bổ sung như thế nào?TS có thể dùng đồng thời ba GCNKQT dùng cho xét tuyển NV bổ sung để đăng ký tối đa vào ba trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa bốn NV xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời gian của từng đợt xét tuyển NV bổ sung, TS không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, TS được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển NV bổ sung tiếp theo. TS đã trúng tuyển không được tham gia đợt xét tuyển NV bổ sung tiếp theo.

. Theo ông, năm nay việc xét tuyển có gì thay đổi so với các năm trước? Ông có lưu ý gì với TS?

+ Ông Nguyễn Quốc Cường: Năm nay TS biết điểm thi rồi mới đăng ký xét tuyển, bởi vậy các em nên lưu ý: Cân nhắc kỹ lưỡng các ngành/nhóm ngành đăng ký xét tuyển. Không nên quá gượng ép đăng ký đủ bốn ngành xét tuyển ở NV 1 để tránh trúng tuyển vào những ngành không yêu thích; mất cơ hội xét tuyển vào các trường khác.

Theo dõi sát thông tin cập nhật trên website của trường ĐH, CĐ mà mình nộp hồ sơ xét tuyển để xem số lượng hồ sơ nộp vào (ba ngày trường sẽ cập nhật một lần), so sánh với chỉ tiêu của ngành/trường để đánh giá khả năng trúng tuyển của bản thân. Có quyết định rút hồ sơ kịp thời (ở NV1) nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp.

Một lưu ý quan trọng nữa là cần phân biệt điểm xét tuyển và điểm chuẩn. Điểm xét tuyển là mức điểm điều kiện của trường cho TS nộp hồ sơ xét tuyển. Còn việc có trúng tuyển hay không phụ thuộc vào điểm chuẩn. Đặc biệt, điểm chuẩn luôn luôn bằng hoặc cao hơn điểm xét tuyển. Do đó TS cần lưu ý giữa hai vấn đề này, nếu điểm thi của mình mà bằng với mức điểm xét tuyển, trong khi số lượng hồ sơ nộp vào trường đã gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh thì cần tính toán để có quyết định sớm.

Các mốc thời gian quan trọng

1. Nhận hồ sơ xét tuyển NV1:Từ ngày 1 đến 20-8. Các trường ĐH, CĐ sẽ công bố điểm trúng tuyển NV1 trước ngày 25-8.

2. Xét tuyển NV bổ sung đợt 1:Từ ngày 25-8 đến hết ngày 15-9. Các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển NV bổ sung đợt 1 trước ngày 20-9.

3. Xét tuyển NV bổ sung đợt 2:Từ ngày 20-9 đến hết ngày 5-10. Các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển NV bổ sung đợt 2 trước ngày 10-10.

4. Xét tuyển NV bổ sung đợt 3: Từ ngày 10 đến ngày 25-10. Các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển NV bổ sung đợt 3 trước ngày 31-10.

5. Xét tuyển NV bổ sung đợt 4chỉ dành cho các trường CĐ:Từ ngày 31-10 đến hết 15-11. Các trường CĐ công bố điểm trúng tuyển NV bổ sung đợt 4 trước ngày 20-11.

Điểm sàn: Là mức điểm tối thiểu của khối thi mà “điểm chuẩn” không thể thấp hơn ngay cả khi còn dư chỉ tiêu. Trước đây Bộ GD&ĐT xác định mức điểm sàn tương ứng với mỗi khối của bốn khối A, B, C, D. Năm nay có tất cả trên 100 tổ hợp môn nên chưa biết Bộ xác định bằng cách nào. Có lẽ chia thành một số nhóm và xác định điểm sàn cho mỗi nhóm.

Điểm chuẩn: Là điểm tối thiểu để được trúng tuyển. Tất cả TS nộp hồ sơ xét tuyển vào một ngành có điểm từ bằng đến cao hơn điểm chuẩn đều được đậu ngay cả khi có nhiều TS bằng điểm.

PHONG ĐIỀN
(phapluattp.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang