Nguy cơ không trúng tuyển đúng nguyện vọng
23/03/2017
Theo các chuyên gia, thí sinh nếu không cân nhắc kỹ vẫn có thể xảy ra tình trạng không trúng tuyển đúng nguyện vọng, nhất là khi các trường ĐH cùng xét tuyển trên một phần mềm chung.
Theo quy chế tuyển sinh năm nay, các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia đều sử dụng chung dữ liệu trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (sử dụng chung phần mềm xét tuyển).
Sau khi thí sinh (TS) đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, từ ngày 28 - 30.7 các trường thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 trên phần mềm này trước khi công bố chính thức vào ngày 1.8. Điều mà nhiều trường lo lắng là quy trình này sẽ diễn ra trong thực tế như thế nào khi kết quả xét tuyển của hơn 300 trường ĐH sẽ cùng diễn ra trên phần mềm với cơ sở dữ liệu chung. Lúc bấy giờ chỉ một điều chỉnh nhỏ của một trường về điểm chuẩn cũng dẫn đến thay đổi cả hệ thống.
Điểm cao vẫn không vào trường như mong muốn
Theo đại diện các trường, việc đăng ký và thực hiện xét tuyển theo nguyện vọng ưu tiên từ cao xuống thấp sẽ giúp TS có điểm cao hơn được trúng tuyển vào ngành mong muốn hơn. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, nếu việc điều chỉnh và công bố điểm diễn ra không thuận lợi giữa các trường, vẫn có khả năng TS điểm cao khó trúng tuyển vào ngành mong muốn.
Phân tích về điểm này, cán bộ tuyển sinh một trường ĐH tại TP.HCM cho biết nếu một trường tốp đầu điều chỉnh giảm điểm chuẩn ở phút cuối mà trước đó trường tốp giữa đã chốt mức điểm chuẩn chính thức thì có khả năng không tuyển đủ chỉ tiêu do TS điểm cao bị rút lên trường tốp trên. Khi đó bắt buộc trường tốp giữa phải xét tuyển thêm đợt bổ sung. Trước đó, những TS điểm thấp hơn, không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường tốp giữa đã bị đẩy xuống trường có điểm chuẩn thấp hơn. Nếu không biết rõ thông tin về việc trường tốp giữa sẽ tuyển bổ sung, các TS này quyết định nhập học ở đợt 1 thì sẽ mất cơ hội học trường mong muốn.
Theo các chuyên gia, điều này sẽ không xảy ra nếu việc xử lý dữ liệu tổng thể của Bộ được thực hiện tốt và đồng loạt trên phần mềm. Khi một trường điều chỉnh điểm, các trường khác cũng thực hiện đồng loạt. Nếu trường này điều chỉnh mà trường khác không làm sẽ dẫn đến tình trạng một loạt TS bị lọt ra ngoài và trúng tuyển vào nguyện vọng kế tiếp sau khi trường đã chốt điểm chuẩn.
Cũng sẽ có trường hợp TS điểm cao nhưng không trúng tuyển vào nguyện vọng mong muốn nếu việc đăng ký các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên không chính xác. Giả sử, TS cùng đăng ký ngành kế toán nhưng chọn nguyện vọng thứ nhất vào một trường tốp giữa, nguyện vọng thứ 2 vào trường tốp đầu. Khi đó dù TS có đủ điểm để trúng tuyển vào trường tốp đầu thì cũng không có cơ hội nhập học vì nguyên tắc trúng tuyển nguyện vọng trước không xét tiếp nguyện vọng sau. Vì thế, theo nhiều chuyên gia, để tránh sai lầm này, TS cần tìm hiểu thông tin chính xác về điểm chuẩn các ngành sẽ đăng ký để có thứ tự nguyện vọng phù hợp.
Vừa lo thừa vừa lo thiếu TS
Cán bộ tuyển sinh một trường ĐH băn khoăn: “Trong ngày 28.7 các trường phải đưa được dự kiến điểm chuẩn lên để phần mềm tiến hành xử lý. Quá trình này sẽ diễn ra liên tục trong 3 ngày trước khi cho ra kết quả cuối cùng. Vấn đề nằm ở chỗ thời gian nào là hạn cuối cùng trong ngày để các trường công bố, các trường có công bố cùng lúc không? Nếu trường công bố điểm trước thuộc trường tốp giữa thì số TS tuyển được sẽ không như dự kiến. Bởi chỉ cần trường công bố sau điều chỉnh tăng hoặc giảm điểm chuẩn, phần mềm tự động đẩy TS vào trường khác, dẫn đến sai lệch kết quả của trường đã công bố trước đó”.
Tương tự, lo lắng này cũng được đại diện một trường nêu ra tại hội nghị tập huấn của Bộ diễn ra vào ngày 11.3. Theo quy chế, mỗi trường được quyền xác định TS nhập học vượt tối đa 10%. Tuy nhiên, có khả năng trường tuyển vượt chỉ tiêu ngoài ý muốn khi trường tốp trên bất ngờ nâng điểm chuẩn vào giờ cuối. Những TS điểm thấp hơn sẽ rớt xuống nguyện vọng tiếp theo và tự động trúng tuyển vào trường thấp hơn mà trường này đã công bố điểm chuẩn trước đó. Lúc bấy giờ “bỗng nhiên” trường này tuyển vượt chỉ tiêu. Trường hợp này Bộ sẽ xử lý như thế nào?
Đại diện một trường khác thì lo ngại việc phần mềm không khống chế được số lượng TS trúng tuyển bằng học bạ vào các trường cũng góp phần tạo thêm “ảo” trong tuyển sinh.
Các mốc thời gian quan trọng
Từ ngày 1 đến 20.4: TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi đồng thời với đăng ký xét tuyển.
Trước ngày 14.7: Sau khi có kết quả thi, Bộ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và các trường ĐH, CĐ công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển.
Từ 15 đến 21.7: TS điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến và có thêm 2 ngày để thực hiện điều chỉnh bằng phiếu tại các điểm thu nhận hồ sơ.
Từ 28 đến 30.7: Các trường ĐH, CĐ sẽ có 3 ngày để thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1.
Trước ngày 1.8: Các trường công bố kết quả đợt 1.
Đến hết ngày 7.8 (tính theo dấu bưu điện): TS xác nhận nhập học đợt 1 bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc duy nhất được cấp.
Từ ngày 13.8: Các trường nhận hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung.
|
Bảo Hân
Nguồn: thanhnien.vn – 23/03/2017