Nghề PR - Quan hệ công chúng
PR (viết tắt của Public Relations - tạm gọi là Quan hệ công chúng) có thể hiểu là những nỗ lực một cách có kế hoạch, tổ chức của một cá nhân hoặc tập thể, nhằm thiết lập và duy trì, phát triển những mối quan hệ có lợi với đông đảo công chúng của nó.
Cơ sở chủ yếu của hoạt động hoạt động PR là cung cấp thông tin cho công chúng, xây dựng thông tin hai chiều giữa công chúng và tổ chức, cá nhân tạo nên sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng. Hoạt động PR gắn bó chặt chẽ với các phương tiện truyền thông đại chúng.
Công việc chính của nhân viên PR
- Lập kế hoạch, chương trình hoạt động cho tổ chức, cá nhân: đó có thể là một chiến dịch thông tin nội bộ trong tổ chức, một chiến dịch truyền thông, tài trợ, quảng bá hình ảnh v.v...
Trên cơ sở phân tích những thách thức và cơ hội, xác định mục tiêu cụ thể, người làm PR đề xuất và lập kế hoạch hoạt động, sau đó đánh giá hiệu quả của kế hoạch ấy.
Với một kế hoạch rõ ràng và chi tiết, công việc tiếp theo của chuyên viên PR là:
- Soạn thảo và biên tập thông cáo báo chí, tài liệu báo chí, báo cáo dành cho cổ đông, báo cáo thường niên, bản tin nội bộ v.v...
- Thiết kế và sản xuất những cuốn niên giám, các bản báo cáo, phim tài liệu, các chương trình truyền thông đa phương tiện v.v...
- Quan hệ với giới truyền thông, cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời theo dõi và xử lý thông tin báo chí thông qua các hoạt động họp báo, phát thông cáo báo chí v.v...
- Sắp xếp những cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông, chuẩn bị các bài diễn thuyết, là người phát ngôn cho tổ chức của mình v.v...
- Tổ chức các sự kiện như: các buổi hội nghị, triển lãm, những lễ kỉ niệm, cuộc thi, giải thưởng nhằm thu hút công chúng, tạo dựng hình ảnh về tổ chức.
- Nghiên cứu, đánh giá về các kế hoạch, chương trình, hoạt động sau khi thực hiện để rút kinh nghiệm.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Chuyên viên PR làm việc trong bộ phận PR, tuyên truyền, quảng cáo hoặc thông tin báo chí của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các Bộ, ban ngành v.v...
Ngoài ra, họ cũng có thể làm việc cho các công ty truyền thông, PR, quảng cáo... Dù du nhập vào Việt Nam nhưng nghề nghiệp này đang phát triển rất mạnh nên cơ hội làm việc của chuyên viên PR rất phong phú.
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết
- Khả năng giao tiếp (gồm cả nói và viết)
- Biết cách tạo sự tin cậy
- óc quan sat và phán đoán tốt, tư duy phân tích cao
- Khéo léo, nhanh nhẹn, nhạy bén trong mọi tình huống
- Có năng lực tổ chức
- Vốn ngoại ngữ và tin học tốt.
- Biết chăm chút cho vẻ bên ngoài của mình
- Có khả năng chịu được áp lực của công việc
PR đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức từ các ngành khác nhau như quản trị kinh doanh, marketing, tâm lý học, xã hội học, báo chí... Bạn có thể đến với PR từ nhiều lĩnh vực học khác nhau mà không nhất thiết phải có ngay một tấm bằng về PR. Tuy nhiên, nếu tốt nghiệp các ngành như báo chí, tâm lý học, xã hội học, quản trị kinh doanh, marketing, bạn sẽ có nhiều lợi thế khi là ứng viên cho vị trí PR.