Tìm hiểu ngành nghề

Ngành Giao thông vận tải

-
Giao thông vận tải (GTVT) là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt, cũng trực tiếp tạo ra giá trị và giá trị gia tăng trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Giữ cho huyết mạch giao thông của đất nước luôn thông suốt là nhiệm vụ của ngành. Có 5 loại hình GTVT cơ bản: Vận tải đường sắt, Vận tải đường bộ, Vận tải đường thủy, Vận tải hàng không, Vận tải bằng đường ống (đường ống vận chuyển nhiên liệu, nguyên liệu rời).
 
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Trong ngành GTVT có nhiều vị trí công việc với nghiệp vụ khác nhau và điều kiện làm việc cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, kỹ sư làm việc trong ngành này có đôi nét giống như ngành xây dựng, thường phải đi theo các công trình. Bởi vậy, điều kiện làm việc của họ khá linh hoạt, yêu cầu cao về sức khỏe.
 
Ngành GTVT luôn được nhà nước chú trọng đầu tư phát triển bởi đây vừa là điều kiện, vừa là nội dung cơ bản trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Ngành đang rất cần những kỹ sư, nhà quản trị, chuyên gia giỏi để đảm bảo hoạch định chiến lược, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.
 
Một số nghề nghiệp trong ngành GTVT:
- Kỹ sư Kinh tế giao thông vận tải: Nghiên cứu, lập chiến lược phát triển kinh tế, tham vấn cho lãnh đạo về sản xuất kinh doanh, lập dự án đầu tư, tham gia vào các công việc kinh doanh cụ thể.
- Nhà Quản trị kinh doanh giao thông vận tải: Hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, tổ chức hoạt động kinh doanh v.v…
- Kỹ sư cơ khí giao thông vận tải: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, giám sát sản xuất, khai thác, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng v.v… các loại máy móc khác nhau được dùng trong ngành GTVT như máy xây dựng, xếp dỡ, đầu máy toa xe, các phương tiện giao thông.  
- Kỹ sư xây dựng công trình giao thông: Nghiên cứu, thiết kế, tư vấn, giám sát, quản lý dự án, thi công xây dựng các công trình giao thông.
- Kỹ sư điều khiển học kỹ thuật: Nghiên cứu, thiết kế, tư vấn, khai thác, sửa chữa các hệ thống máy móc điều khiển tự động trong lĩnh vực GTVT như hệ thống tín hiệu giao thông (đèn giao thông, biển báo tự động v.v…)
- Kỹ sư quy hoạch và quản lý giao thông vận tải: Nghiên cứu quy hoạch, lập dự án, tổ chức các hoạt động điều hành, quản lý GTVT trong đô thị trên cơ sở phối hợp với quy hoạch vùng, quốc gia.
- Kỹ sư điều khiển các quá trình vận tải: Điều khiển, chỉ huy, điều hành các quá trình vận tải trên các phương tiện vận tải (cụ thể như: điều độ đường sắt, điều độ bay, điều độ taxi, chỉ huy ra vào cảng biển v.v…).
- Kỹ sư kỹ thuật môi trường: Điều tra, khảo sát, đánh giá các tác động đến môi trường do hoạt động GTVT gây nên, từ đó có những tư vấn cụ thể với người có thẩm quyền (các nhà lãnh đạo, ban quản lý dự án…). Ngoài ra còn tham gia nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt, vận hành, giám sát thi công các công trình về lĩnh vực môi trường.
 
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết:
- Có thiên hướng về các toán học và vật lý cũng như về kỹ thuật.
- Có khả năng làm việc nhóm.
- Có thể làm việc dưới áp lực lớn, cường độ cao.
- Cẩn thận, có trách nhiệm với công việc.
 
Một số địa chỉ đào tạo:
GTVT là một ngành lớn yêu cầu nhiều vị trí công việc khác nhau. Bởi vậy, bạn có thể đến với ngành GTVT theo nhiều chuyên ngành khác nhau như kinh tế, cơ khí, xây dựng v.v… 

 

Nếu muốn học chính quy về ngành GTVT hay một số chuyên ngành của GTVT, bạn có thể học tại: Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội và TP.HCM), Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM), Trường Cao đẳng Giao thông vận tải, Trường CĐ Giao thông vận tải II (ở Đà Nẵng), Trường CĐ Giao thông vận tải III (ở TP.HCM) v.v…

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang